Trường sinh ra ở một vùng đất có truyền thống hiếu học. Dù nhà chỉ làm nông nhưng hai anh em cậu được nuôi dạy trong một môi trường khá tốt, luôn được cho học trường tuyển của huyện. Ngày ở nhà, Trường ngoan ngoãn, không hề biết bi-a, điện tử, thuốc lá hay yêu đương như những cậu choai cũng trang lứa.
5 năm đại học rồi 3 năm đi làm, Trường vẫn giữ được nước da trắng bóc, đôi môi hồng như con gái nhưng sự trải đời của cậu đã khác hẳn. Cậu thừa nhận giờ thích bài bạc, lô đề và nướng tiền vào đó không ít. Trường cũng rất đào hoa, sát gái, ngoài cô người yêu chính, cậu còn có không ít những mối quan hệ chóng vánh khác. Thành thử, mỗi tháng thu nhập gần 15 triệu đồng nhưng cậu chỉ nói với gia đình được 8 triệu. Bố mẹ sợ con trai có tiền sinh hư nên yêu cầu Trường mỗi tháng gửi em trai đang học một trường dân lập 4 triệu đồng và cậu cũng vui vẻ.
"Vì làm ở công ty có xe đưa đón, lại hay tăng ca nên chi phí ăn uống, nhà cửa không đáng là bao. Tôi chủ yếu dùng số tiền mình làm được đi chơi với con gái, nhậu nhẹt, thỉnh thoảng chơi vài con lô cho vui. Tôi nghiện thuốc lá nặng nên đốt tiền cho nó cũng không ít", cậu nói.
Ở tuổi này, Trường đã yêu cả chục cô gái tuy nhiên ở quê không ai hay biết gì. Bố mẹ tuyệt đối tin tưởng, luôn nghĩ Trường còn dại. "Năm ngoái, bố đi bói bảo tôi có hạn xe máy nên tịch thu xe máy đem về quê. Sang năm nay, ông bảo tôi có hạn bị gái lừa. Vì thế mà ngay từ mùng 1 Tết đã ra chỉ thị cấm con yêu", Trường cười cho biết.
Tuy nhiên, lối sống "hai mặt" của cậu đang bị đẩy vào tình thế khó xử khi gia đình bạn gái giục hai bên gặp mặt, bàn chuyện cưới xin, trong khi Trường vẫn chưa kể cho bố mẹ chuyện đã có người yêu.
Lâm - một cậu bạn thân của Trường bổ sung: "Thật không thể tin được, ở bên ngoài nó (Trường) chơi tới bến, văng tục, chửi bậy chẳng thua kém ai mà về nhà chừng mực như 'trinh nữ'. Bà nội nó bảo kiếm người yêu cho bà bế cháu thì lập tức ông và bố mẹ nó nhảy vào phản đối: 'Năm nay em nó không yêu được, có sớm thì cũng vài năm nữa khi học xong cao học đã'. Khổ thân thằng bé, đóng vai 'chính diện' cho đạt vào mà giờ không chuyển sang vai 'phản diện' được".
Sinh năm 1984, học một trường đại học lớn ở đường Giải Phóng, (Hà Nội), lại là con một vị quan chức có máu mặt, Huy Quỳnh (Cầu Giấy) vẫn ra trường đúng thời điểm cách đây 4 năm như các bạn nhưng trên thực tế cậu còn nợ nhiều môn và chưa thể lấy được bằng.
Chàng trai này chia sẻ, đáng lý anh đã tốt nghiệp từ năm 2009, tuy nhiên vì ngày đó nợ môn nhiều, không được cấp bằng. Sợ bố mẹ mắng nên Quỳnh đóng kịch như thật, cậu vẫn ra trường đúng thời điểm, sau đó được bố giới thiệu vào làm một công ty nhà nước.
"Lúc vào làm người ta cũng hỏi hồ sơ nhưng tôi bảo trường chưa cấp. Tình trạng ấy duy trì được hơn một năm thì chuyện không có bằng bị phát hiện. Chú giám đốc là người quen nhà tôi nên tôi đã van nài chú đừng cho bố biết và chủ động xin nghỉ việc", Quỳnh kể.
Bỏ việc đồng nghĩa với nguồn thu nhập cũng mất. Sợ bố mẹ sinh nghi, chàng trai đã đi làm những công việc bán thời gian khác như phục vụ quán bi-a, bảo vệ, nhân viên chuyển phát nhanh với mức lương chỉ vài triệu.
"Thời gian rảnh tôi vào các quán điện tử đấu ăn tiền với những cậu trẻ hơn ở đó và số tiền thắng được có thể chi trả tiền xăng và ăn trưa thoải mái. Mỗi tháng tôi vẫn cố gắng đưa cho mẹ 2 triệu để bà không nghi ngờ", Quỳnh kể tiếp.
Cậu trai này cũng cho biết, vì sợ bị lộ chuyện nên ở nhà cậu cố gắng ngoan hơn. Sáng toàn dậy sớm chở mẹ đi chợ, tối đấm lưng, tẩm quất cho bố, hỏi thăm chị gái thường xuyên.
Cái "mác" đứa con ngoan cuối cùng cũng bị lộ tẩy khi bố Quỳnh gọi cho người bạn hỏi về công việc của con sao hay đi sớm về khuya. "Lần đó, ông già thực sự suy sụp, bảo tôi 'bôi tro trát trấu' vào mặt ông và rằng 'một lần bất tín, vạn lần bất tin'. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông bắt tôi đi học lại. Ngôi nhà trước đó hứa cho tôi giờ đã bị chuyển sang tay bà chị gái", cậu nói.
Mới đây, cô nàng Ánh Huyền (20 tuổi, quê Hải Dương) thực sự gây "sốc" cho xóm làng khi cái tiếng ngoan hiền, học giỏi ngày xưa được thay bằng kết quả học tập tồi tệ và chuyện mang bầu khi còn là sinh viên.
Mẹ cô - một người làm trong ngành văn hóa của tỉnh - buồn bực kể, con gái bà vốn rất ngoan nhưng không hiểu sao giờ lại xảy ra chuyện này. Huyền mang bầu 4 tháng, lại sống cùng người bạn trai không nghề nghiệp cả năm trời mà gia đình không hay biết.
"Gần năm nay, cháu hơi tí là xin tiền bố mẹ, lúc bảo mua quần áo, khi bảo nộp học, đi du lịch với lớp, đòi thay máy tính, điện thoại mới... Ban đầu, tôi thuê cho cháu một phòng trọ sạch đẹp gần trường hơn 2 triệu đồng nhưng cháu đã chuyển ra một nhà trọ rẻ chỉ bằng nửa lụp xụp. Về nhà bố mẹ hỏi học tập, cháu vẫn bảo tốt. Lúc cháu mang bầu, tôi có linh tính lạ nhưng cháu vẫn bảo chỉ là do béo lên...", mẹ Huyền liệt kê việc con gái qua mặt mình.
Giờ đây, bà chỉ có thể tự trách mình đã quá tin con, để đến khi phát hiện thì sự việc không thể cứu vãn được nữa: Huyền nợ nhiều môn, lại mang bầu nên phải nghỉ học giữa chừng.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, giám đốc trung tâm tư vấn Hồn Việt thì do cách giáo dục của gia đình Việt Nam bố mẹ "đặt đâu, con ngồi đấy" mới dẫn đến tình "sống giả" của một bộ phận người trẻ tuổi.
"Cách giáo dục của chúng ta là răn đe, hình phạt, phần thưởng... Đó là cách giáo dục sai lầm khiến ngay từ khi còn nhỏ đứa trẻ đã hiểu được việc có ngoan, có tốt mới được được yêu, được đáp ứng nhu cầu. Vô tình khi lớn lên, suy nghĩ này cũng ăn sâu vào đứa trẻ, khiến chúng không dám nhận lỗi khi mắc sai lầm", chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm nói.
Vị này phân tích, có 3 lý do chính dẫn đến chuyện các "cậu ấm, cô chiêu" dù bên ngoài ăn chơi, phá phách, nhưng về nhà vẫn giả làm con ngoan, bịt mắt bố mẹ: thứ nhất là do các bạn trẻ này chưa thể tự lập hoặc vẫn muốn nhận quyền lợi từ bố mẹ nên luôn đóng làm con ngoan; thứ hai là do quá sợ uy quyền, đòn roi của bố mẹ mà luôn khép nép không thể là chính mình. Hoặc cũng có thể vì chúng sợ bố mẹ buồn mà không dám bộc lộ cái xấu.
"Về nhà, họ là một đứa con ngoan đáng để ba mẹ tự hào, nhưng ra ngoài họ được sống đúng bản năng, con người họ. Đó là một lối sống giả tạo, đeo mặt nạ, trước sau bất nhất", nhà tâm lý nói.
Cũng theo vị này, có không ít trường hợp bà từng tư vấn còn "sống giả" hơn rất nhiều, bên ngoài nợ nần chồng chất, cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập nhưng ở trong gia đình họ vẫn là những đứa con ngoan. Một khi sự việc vỡ lỡ thì khó có thể cứu vãn được.
Do vậy, chuyên gia cho rằng cái cần thay đổi trước tiên là cách giáo dục của bố mẹ ngay từ khi đứa trẻ con nhỏ. Đừng nên dùng đòn roi, áp lực hay phần thưởng reo rắc vào đầu đứa trẻ, mà ngay từ đầu phải dạy cho chúng biết tự lập, biết nhận lỗi khi sai lầm.
Phan Dương