![]() |
Loài bọ hoa (dưới ) có thể tuyệt chủng nếu những con chim ruồi (trên) làm nhiệm vụ chuyên trở chúng hoặc loài hoa mà chúng ăn và hút mật (giữa) biến mất. |
Nghiên cứu dự đoán nếu gần 12.200 loài động, thực vật đang ở trong diện bị đe dọa hay nguy cấp trên toàn thế giới biến mất, thì khoảng 6.300 loài "chi nhánh" khác có thể sẽ mất tích theo.
"Nhiều loài côn trùng, nấm và các loài khác chỉ sống bám vào một số vật chủ duy nhất. Sự chuyên biệt này khiến cho chúng dễ dàng đi tới diệt vong nếu con chủ sang thế giới bên kia", các nhà nghiên cứu nói.
Vì thế, nhóm nghiên cứu cho rằng nên bổ sung những loài sống phụ thuộc vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Và rằng hiện tượng đồng tuyệt chủng (việc biến mất của một loài do sự ra đi của loài khác) là một nhân tố tiềm ẩn lớn song chưa được tính đến trong cuộc khủng hoảng tuyệt chủng toàn cầu hiện nay.
Dựa trên những mối quan hệ đồng tiến hoá giữa các loài, Navjot Sodhi tại ĐH Quốc gia Singapore và cộng sự tạo nên một mô hình phụ thuộc, chẳng hạn giữa cây sung và loài bọ thụ phấn cho chúng, giữa bướm ký sinh và kiến vật chủ. Kết quả họ đã tìm ra thêm 6.300 loài khác đáng được xếp vào diện "nguy cấp". Đó là chưa kể đến ít nhất 200 loài từng tiêu biến vì hiện tượng đồng tuyệt chủng này.
"Chẳng hạn, nếu một loài ký sinh chỉ chọn duy nhất chim dodo là vật chủ, thì chắc chắn chúng cũng đã lìa đời sau sự ra đi của dodo", Sodhi lập luận.
Trong một nghiên cứu độc lập, Sodhi và cộng sự đã tìm hiểu các loài bướm nhiệt đới và những loài cây làm thức ăn cho chúng ở Singapore. Ông phát hiện thấy số lượng loài bướm tuyệt chủng tăng lên tỷ lệ với sự biến mất của các loài cây.
"Trong số 908 loài cây chủ và 383 loài bướm, ít nhất có 208 loài cây và 56 loài bướm đồng tuyệt chủng khỏi đảo quốc này", Sodhi nói.
Ở một số trường hợp, việc biến mất của một loài duy nhất có thể kéo theo sự tuyệt chủng hàng loạt. Chẳng hạn, kiến quân đội (Eciton burchelli), tìm thấy ở Trung và Nam Mỹ, có hàng trăm loài phụ thuộc, trong số đó có nhiều loài bọ cánh cứng, ve và các loài chim ăn kiến. Sự ra đi của giống kiến này có thể khiến hàng loạt kẻ ăn bám vào chúng chết đói.
Để ngăn chặn hiệu ứng domino, các nhà nghiên cứu cho rằng toàn bộ hệ sinh thái và những mối tương tác phức tạp giữa các loài trong đó cần được tính đến trong những kế hoạch bảo tồn.
Thuận An (theo National Geographic)