Mỗi buổi chiều, võ sư Đoàn Phú, 72 tuổi, ở làng Dương Nổ, xã Phú Dương, TP Huế, lại chạy xe máy đến phân đường môn phái Võ Ta - Hổ Quyền đạo ở Nhà văn hóa Lao động tỉnh trên đường Phạm Văn Đồng. Khoác lên mình bộ võ phục với chiếc đai trắng, võ sư Phú thị giảng các thế võ hổ cho võ sinh xem.

Võ sư Đoàn Phú với thế võ hổ gia truyền. Ảnh: Võ Thạnh
Các đòn thế, quyền cước của võ sư Phú mô phỏng động tác của hổ trong chiến đấu sinh tồn, thể hiện sự mạnh mẽ, hùng dũng, oai vệ, dữ dằn (nhe nanh, giương vuốt). Động tác gầm gừ, quẫy đuôi phóng tới chụp mồi một cách chính xác của hổ cũng được thể hiện trong bài quyền.
Võ sư Phú cho biết, võ hổ có nhiều bài quyền như Hổ nhi sơ quyền, Hắc hổ trảo quyền, Thanh hổ tứ quyền, Xích hổ lôi quyền, Hoàng hổ nhất quyền, Bạch hổ hoa quyền, Ngũ hổ trấn sơn quyền, Hổ hống quyền. Võ dưỡng sinh còn có Bạch hổ hoa quyền và Ngọa hổ dưỡng sinh công. Tất cả tinh hoa của loài hổ đã được người xưa sáng tạo, hình thành nên các bộ quyền hổ.
"Võ hổ bên ngoài (dương) luyện gân cốt, da thịt, cơ bắp làm đường nét quyền cước; bên trong (âm) luyện khí, nội lực, kình lực làm nền tảng của sức khỏe, võ công", ông Phú nói.

Võ sư Đoàn Phú hướng dẫn võ sinh luyện Hổ quyền. Ảnh: Võ Thạnh
Trong các bài quyền, Hổ vĩ quyền được xem là nhu quyền khi đòn thế khéo léo, khi kéo tới vừa tầm thì mượn lực đẩy vòng lui làm địch "hạ thổ". Mượn sức địch để đánh địch, gài địch, khóa địch rồi triệt địch bằng Hổ quyền. Hổ quyền, Hổ vĩ quyền phối hợp thi triển lẫn nhau hài hòa để đạt được hiệu quả cương - nhu.
Trong khi đó, bài Hổ hống quyền đòi hỏi võ sinh luyện tiếng gầm thét của hổ để thông khí nở phổi, làm cho tiếng nói rang rảng, tỏ rõ oai phong của người luyện võ và cũng là phương tiện làm cho đối phương kinh sợ, bải hoải tay chân để rồi khống chế mà kết thúc trận đấu.
Theo võ sư Đoàn Phú, võ hổ ông tập luyện hơn 60 năm qua chính là tuyệt kỹ của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), con trai thứ ba của Nguyễn Hữu Dật. Vì sinh năm dần lại có vóc dáng hùng dũng, nước da ngăm đen, võ thuật cao thâm nên ông được người đương thời tôn xưng là "Hắc Hổ". Dưới trướng chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Hữu Cảnh được xem là người mở cõi với việc xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định.

Người cháu võ sư Đoàn Phú với thế võ hổ học từ ông nội. Ảnh: Võ Thạnh
Trên hành trình theo chúa Nguyễn đi mở cõi, hậu duệ của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh để lại một nhánh họ Nguyễn Hữu bên dòng sông Phổ Lợi. Cụ tổ của nhánh Nguyễn Hữu là cụ Nguyễn Hữu Hóa, giữ chức Đội trưởng nội hầu, thuộc Trung quân Đô phủ của triều Nguyễn trông coi việc nạo vét khơi thông dòng Phổ Lợi. Ông Hóa đã định cư, truyền dạy môn phái Bạch hổ sơn quân cho con cháu.
Cháu nội cụ Nguyễn Hữu Hóa là cụ Nguyễn Hữu Khánh đã dạy võ hổ cho con gái là Nguyễn Hữu Thị Trúc cùng con trai Nguyễn Hữu Cẩn, chưởng môn đời thứ 19 của môn phái Bạch hổ sơn quân, và truyền dạy ra bên ngoài. Võ sư Đoàn Phú học võ từ mẹ là bà Nguyễn Hữu Thị Trúc.
Hiện, ngoài môn phái Võ ta - Hổ quyền đạo, môn phái Bạch hổ sơn quân ở thôn Trung Đồng, xã Phú Thượng, đều xem Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là tổ sư sáng lập của môn phái Võ ta - Bạch Hổ.
Võ sư Đoàn Phú cùng đệ tử biểu diễn võ hổ. Video: Võ Thạnh
Võ Thạnh