Điều tích cực duy nhất của giải cho tới giờ, theo Duerden, là tuyển Việt Nam đã không để giải bóng đá số một Đông Nam Á lần thứ ba liên tiếp nằm dưới sự thống trị của Singapore. Đây là một bất ngờ thú vị. Bởi trước giờ bóng lăn, không nhiều người tin vào khả năng tuyển Việt Nam, vốn chơi không thật thuyết phục ở vòng bảng, sẽ làm nên chuyện trước đội bóng từng vô địch AFF Cup hai lần gần nhất và kết thúc vòng bảng với ngôi đầu (trên cả chủ nhà Indonesia).
![]() |
Chiến thắng của tuyển Việt Nam trước Singapore (đỏ) được cho là xuất phát từ sức mạnh ý chí, nhiều hơn các yếu tố chuyên môn. Ảnh: Reuters. |
Việc tuyển Việt Nam chỉ giành được kết quả hòa 0-0 ở lượt đi bán kết trên sân Mỹ Đình cũng là một yếu tố khiến giới chuyên môn khu vực hồ nghi cơ hội vào chung kết của thầy trò Calisto. Về mặt lối chơi và hiệu quả, cách các nhà ĐKVĐ đứng vững trước sức ép có lúc tưởng chừng nghẹt thở tại Mỹ Đình và ngược lại, cách tuyển Việt Nam bế tắc trong khâu dứt điểm, dù vượt trội về thế trận, như càng làm tất cả nghĩ rằng Việt Nam sẽ bị loại sau trận lượt về trên đất Singapore. Nhưng bất ngờ đã xảy ra.
Lý giải cho kết quả 1-0 nghiêng về tuyển Việt Nam tại Kallang's Roar qua đó đưa đội vào chung kết, tờ Goal cho rằng tinh thần chính là sức mạnh cốt lõi, là yếu tố chủ đạo. Khi thế trận một chiều tương tự trận lượt đi tái diễn, khác ở chỗ Singapore ép sân, các học trò của Calisto đã chiến đấu bằng tất cả lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Sức mạnh ý chí ấy biến hàng thủ Việt Nam thành bức tường thép, thủ môn Hồng Sơn thành một người nhện, hóa giải mọi cố gắng dứt điểm của đối phương, giúp Công Vinh và Quang Hải phối hợp, tung cú đấm thép, quyết định số phận trận đấu.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào sức mạnh tinh thần, bình luận viên Duerden e rằng tuyển Việt Nam sẽ không thể làm nên bất ngờ tương tự khi đối thủ ở chung kết là Thái Lan: "Thẳng thắn mà nói, trước những đối thủ như Việt Nam, Thái Lan sẽ dễ đá hơn nhiều, so với phải gặp Singapore". Cây bút này cho rằng tập thể dưới quyền HLV người Anh Peter Reid chính là đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á hiện nay. Thứ bóng đá mà Thái Lan chơi cũng rất hiện đại - chặt chẽ, có tính tổ chức cao, đơn giản, nhưng cực kỳ hiệu quả. Họ cũng ít nhiều thể hiện được dáng dấp nhà vô địch thực thụ sau khi thắng tuyệt đối ở vòng bảng và loại Indonesia ở bán kết (thắng cả hai trận đi và về).
Việc phải chơi trận lượt về trên sân Mỹ Đình, theo Duerden, không phải là vấn đề quá to tát với người Thái. Trong khuôn khổ giải giao hữu T&T Cup trước thềm AFF Cup 2008, thầy trò Reid chưa cần bung hết sức mà vẫn chơi trên cơ và rời Mỹ Đình với kết quả hòa 2-2, còn tuyển Việt Nam thì phải dốc toàn lực và chơi như một trận chung kết thực thụ mới có thể thoát thua vào phút chót. Hạn chế duy nhất của Thái Lan có chăng chỉ là khả năng dứt điểm chưa thật tốt của hàng công.
Tuy nhiên, "nếu cứ chơi như khi thắng nhẹ nhàng Việt Nam 2-0 ở vòng bảng tại Phuket, cơ hội trở lại đỉnh vinh quang của bóng đá Đông Nam Á đang rộng mở trước mắt Thái Lan", nhà phân tích của GOAL chốt lại.
![]() |
Những gì thể hiện từ đầu AFF Cup 2008 là chưa đủ để giới bình luận quốc tế tin tuyển Việt Nam đủ sức vượt qua Thái Lan (áo vàng) trong hai trận chung kết. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cũng liên quan đến phản ứng từ giới truyền thông, thất bại tại bán kết AFF Cup đang khiến thầy trò HLV Raddy Avramovic hứng chịu rất nhiều chỉ trích. Tờ Asia One chạy hàng tít "Kỷ nguyên tươi đẹp của Singapore đã kết thúc". Nhật báo ở đảo quốc sư tử này tiếc nuối: "Sau 4 năm liền ngự trên đỉnh cao, với 19 trận không thua tại giải vô địch Đông Nam Á, chúng ta đã thất bại. Đây là nỗi thất vọng lớn mà chúng ta không thể đổ lỗi cho sự vắng mặt vì chấn thương của một vài trụ cột".
Asiaone cũng chỉ rõ khâu dứt điểm quá kém đã khiến các nhà ĐKVĐ phải trả giá: "Singapore chơi không tồi, tạo dựng thế trận áp đảo và rất nhiều cơ hội ăn bàn. Nhưng khi đổ sụp trên sân Kallang's Roar sau hồi còi tan trận, không rõ các cầu thủ có hiểu rằng chính họ mới là lý do lớn nhất khiến đội nhà bị loại, khi ném qua cửa sổ hàng loạt cơ hội ngon".
Trong khi đó, trên mục blog tờ Straits Times, bình luận viên Terrence Voon cho rằng tuyển Singapore đã không nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ đám đông CĐV nhà. Nhận định này nhanh chóng vấp phải phản ứng giận dữ từ chính độc giả của tờ báo này. Họ cho rằng thắng thua là chuyện thuần túy chuyên môn, phụ thuộc vào năng lực của từng cầu thủ, còn sức nóng từ khán đài chỉ là chất phụ gia mà thôi. Từ đó, rất nhiều ý kiến xoay sang chỉ trích chính sách nhập tịch cho các tuyển thủ người nước ngoài mà Singapore đã và đang tiến tiến hành trong nhiều năm qua.
"Tại sao chúng ta lại xấu hổ khi thua Việt Nam? Một quốc gia với dân số 86 triệu người như họ rõ ràng có nhiều tài năng bóng đá hơn hẳn chúng ta, quốc gia chỉ có 4 triệu người. Tiền bạc và sự hiện diện của những cầu thủ ngoại không bao giờ bù đắp được cho tuyển Singapore khoảng trống về con người", nickname Người quan sát nhận xét. Một độc giả khác có nick name Pimpmaster thì thừa nhận: "Giấc mộng vinh quang bằng tiền bạc và những nguồn ngoại lực của chúng ta đã tan tàn mây khói. Thất bại này mới chỉ là bước khởi đầu, bởi chúng ta đang đối mặt với cơ suy thoái, tụt lùi về trình độ bóng đá so với các nước trong khu vực".
Chính sách nhập khẩu ấy còn khiến nhiều độc giả bản địa nổi tự ái dân tộc và cho rằng ngay cả khi đội tuyển có vô địch AFF Cup, hay thậm chí cả World Cup bằng đội hình có nòng cốt là những "ông Tây" thì người Singapore cũng chẳng sướng. "Tôi thấy mình chẳng có chút liên hệ nào với nhiều tuyển thủ ra sân trong trận tiếp Việt Nam, bởi giữa chúng tôi không tồn tại chung một giá trị lịch sử. Số cầu thủ ấy không trở thành người Singapore một cách tự nhiên mà là là hệ quả của chính sách nhập ngoại. Tôi thấy vui khi Việt Nam vào chung kết, đơn giản bởi đó là chiến thắng của những công dân Việt Nam chính gốc trước những cầu thủ ngoại khoác áo tuyển Singapore", độc giả Local Born Singaporean nhận xét.
![]() |
Thất bại tại AFF Cup 2008 khiến dư luận Singapore phẫn nộ với chính sách nhập ngoại những cầu thủ như Bennet, Precious hay Fahrudin... Ảnh: Hoàng Hà. |
Lòng tự ái dân tộc ấy cũng khiến không ít độc giả Straits Times nổi giận với cả HLV Raddy Avramovic, dù ông chính là kiến trúc sư trưởng trong giai đoạn thịnh vượng nhất của bóng đá Singapore ít năm gần đây: "Chẳng việc gì phải phí tiền cho những người nước ngoài cả trong số các cầu thủ lẫn băng ghế huấn luyện, khi chúng ta không thắng được Việt Nam. Hãy biến khỏi đây, Avramovic", nickname singaporenotfair tỏ ra gay gắt.
Minh Kha
|