Việt Nam (trắng) đủ sức giành kết quả có lợi trước Thái Lan, nếu chơi như lượt đi. Ảnh: Khánh Điệp. |
Đối thủ của chúng ta tối chủ nhật này là Thái Lan. Về nhiều mặt, họ cho thấy rõ hiện vẫn là đội bóng số một khu vực. Nhưng Việt Nam đã bất ngờ thắng 2-1 tại Bangkok. Đó là lợi thế, cho dù AFF không ưu tiên chỉ số bàn thắng sân khách như Champions League châu Âu. Ngoài ra, Thái Lan đã quen đấu và chưa hề thua trên sân Mỹ Đình, nhưng họ vẫn rất ngại sự cuồng nhiệt của khán giả Việt Nam. Đội khách cố tỏ ra tự tin và vui vẻ từ khi tới Hà Nội mấy ngày qua, trong cả buổi tập quen sân tối thứ bảy, nhưng khó có thể che lấp thực tế họ đang chịu áp lực rất lớn.
Điều kiện đã tới và đội quân của HLV Calisto hoàn toàn có khả năng đưa bóng đá Việt Nam sang trang sử mới tối nay.
Một kết quả hoà là đủ để tuyển Việt Nam đăng quang, nhưng Calisto dường như không muốn điều đó. Trước trận đấu, ông tuyên bố rằng, tuyển Việt Nam sẽ chơi tấn công, bằng gấp đôi khả năng. Thực tế thì ở tất cả các trận đấu thành công trước Thái Lan (tính cả kết quả hòa), tuyển Việt Nam luôn chơi với đấu pháp phòng ngự - phản công. Mới đây nhất, ở trận lượt đi, chiến thuật này - với hai pha tập kích chính xác để kết thúc bằng những cú dứt điểm của Vũ Phong và Công Vinh - đã giúp tuyển Việt Nam thắng 2-1. Trước đó, ở vòng bảng, tuyển Việt Nam để thua chính Thái Lai 0-2 dễ dàng, khi chơi đôi công.
Nhìn lại phía sau để thấy rằng, cách tốt nhất để đá với người Thái là kiên nhẫn phòng ngự tập trung và chờ họ sơ hở. Các chuyên gia cũng mách nước rằng, đó là kế sách hợp lý nhất của tuyển Việt Nam ở trận lượt về. Riêng Calisto thì không. Cơ sở nào để HLV người Bồ Đào Nha tự tin đến vậy?
Tính từ vòng bán kết, Calisto luôn gây bất ngờ trong cách dùng người và cả những thời điểm giục các học trò bung sức hoặc lùi về thủ thế, đều rất hợp lý. Cách ông dùng Tấn Tài chuyển sang đá cánh trái ở trận thắng Singapore hay đưa Công Vinh về vị trí này ở trận lượt đi chung kết là ví dụ rõ nét. Chính vì thế, nếu Calisto chọn cách chơi ăn miếng trả miếng trong trận đấu tối nay, đó sẽ là bất ngờ với Thái Lan. Bởi bản thân Peter Reid đã dự liệu, các học trò của ông phải phá được hàng thủ dày đặc mà tuyển Việt Nam dựng lên.
Ngoài sự bất ngờ có thể đến từ cách chơi, Calisto tiết lộ sẽ không có nhiều thay đổi về nhân sự so với trận chung kết lượt đi. Việt Cường mãn hạn treo giò sẽ trở lại thay cho Quang Cường ở vị trí hậu vệ phải, Công Vinh tiếp tục chơi tiền vệ trái đẩy Tấn Tài nhô cao như một tiền đạo "ảo" bên cạnh trung phong Việt Thắng.
Đã hiểu quá rõ về Thái Lan, vấn đề với tuyển Việt Nam lúc này là tinh thần, bản lĩnh trận mạc. Từ Bangkok trở về, Calisto nghiêm nghị như một ông thầy giáo, kè kè bên học trò, tránh những phát ngôn có từ "vô địch". Có thể hiểu, Calisto muốn giữ các cầu thủ ở mặt đất thay vì bay theo những lời chúc tụng có cánh sau trận đấu tuyệt với ở lượt đi. Bản thân các cầu thủ cũng rất ít mở lời, tuyển Việt Nam đang gắng giữ sự tập trung tối đa trước trận đấu quyết định (nhằm tránh nỗi thất vọng như ở Tiger Cup 1998: thắng Thái Lan 3-0 ở bán kết, nhưng thua Singapore ở chung kết).
Vượt qua Singapore, thắng Thái Lan ở trận chung kết lượt đi, bên cạnh tinh thần, chuyên môn thì bản lĩnh thi đấu của tuyển Việt Nam được xem là yếu tố tiến bộ nhất. Bình tĩnh trong tấn công, lỳ lợm, quyết đoán khi phòng ngự, biết chịu trận và vùng lên ghi bàn đúng thời điểm. Theo các chuyên gia, đó là hình bóng của nhà vô địch.
Một chút với Thái Lan. Bất ngờ nằm thế cửa dưới, HLV Peter Reid buộc phải tấn công tìm bàn thắng. Thuận lợi cho đối thủ là tiền vệ tấn công Suchao đã trở lại sau án treo giò. Cầu thủ chạy cánh phải này đang được xem là hy vọng lớn giúp Thái Lan lật ngược thế cờ.
Reid nói rằng, Thái Lan chưa bao giờ sợ sệt khi chơi tại Mỹ Đình. HLV người Anh nói không sai bởi thực tế, Thái Lan chơi tốt tại đây và không ít lần giành chiến thắng trước tuyển Việt Nam. Nhưng ở những thời điểm ấy, Thái Lan luôn chiếm lợi thế về tâm lý. Còn hiện giờ, sau trận thua đau đớn tại Bangkok, Thái Lan mới là bên phải chịu sức ép tâm lý. Reid là HLV nhận mức lương cao nhất ở Đông Nam Á còn đội tuyển của ông cũng thuộc loại giỏi nhất khu vực. Vì trận thua tại Bangkok cách đây bốn ngày, ông đang lo lắng cho chiếc ghế của mình, các cầu thủ Thái thì dạo động mạnh.
Lần đầu tiên trong các cuộc đối đầu với Việt Nam, người Thái căng thẳng đến vậy.
Chưa biết Calisto có đem đến cho Thái Lan sự bất ngờ bằng lối chơi tấn công hay tiếp tục chơi bài tủ phòng ngự phản công, nhưng dù chơi bằng cách nào, tuyển Việt Nam vẫn phải giữ được sự tập trung tối đa.
Thận trọng nhưng không sợ hãi, bình tĩnh nhưng nhanh nhạy và quyết đoán, quyết tâm nhưng không hưng phấn thái quá, tuyển Việt Nam đủ khả năng giữ Cup ở lại Hà Nội nếu tái hiện được màn trình diễn như ở bán kết và chung kết lượt đi.
Đội hình xuất phát dự kiến của tuyển Việt Nam:
Thủ môn Hồng Sơn; Hậu vệ Như Thành, Phước Tứ, Việt Cường, Quang Thanh; Tiền vệ Minh Châu, Tài Em, Vũ Phong, Tấn Tài, Công Vinh; Tiền đạo Việt Thắng.
Thành tích đối đầu Việt Nam – Thái Lan
Tiger Cup 1996 (bán kết): Thái Lan - Việt Nam: 4-2
Tiger Cup 1998 (bán kết): Thái Lan - Việt Nam: 0-3
Tiger Cup 2002 (bán kết): Thái Lan - Việt Nam: 4-0
AFF Cup 2007 (bán kết): Thái Lan – Việt Nam (0-0, 2-0)
SEA Games 1995
Vòng bảng: Thái Lan - Việt Nam: 3-1
Chung kết: Thái Lan - Việt Nam: 4-0
SEA Games 1997 (bán kết): Thái Lan - Việt Nam: 2-1
SEA Games 1999
Vòng bảng: Thái Lan – Việt Nam: 0-0
Chung kết: Thái Lan – Việt Nam: 2-0
SEA Games 2003
Vòng bảng: Thái Lan -Việt Nam: 1-1
Chung kết: Thái Lan - Viẹt Nam: 2-1
SEA Games 2005
Chung kết: Thái Lan - Việt Nam: 3-0
AFF Cup 2008:
Vòng bảng: Thái Lan - Việt Nam 2-0
Chung kết:
Lượt đi Thái Lan - Việt Nam 1-2
Lượt về Việt Nam - Thái Lan, 19h ngày 28/12 ở Mỹ Đình
Khoa Nguyễn
|