Tuyển Việt Nam thêm một lần đau ở đấu trường khu vực. Ảnh: An Nhơn. |
Cuối cùng thì sứ mệnh giải cứu niềm tin của đội tuyển Việt Nam đã không thể hoàn thành. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ, tất cả mong chờ vào điều gì đó khởi sắc từ màn trình diễn của đội bóng, âu cũng là chút gì đó an ủi sau một năm có nhiều sóng gió với bóng đá nước nhà. Thế nhưng, thất bại của đội tuyển chẳng khác nào hòn đá to đùng ném xuống con thuyền đang sắp chìm giữa dòng nước xoáy, khiến bóng đá nước nhà vốn đã vỡ, nay càng bi đát hơn.
Việc hàng loạt ông bầu bỏ bóng đá khiến V-League lao đao, được cho là bắt nguồn từ chính cách làm ăn xổi của các ông bầu này và đặc biệt là cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Song, ngay cả V-League còn 10 đội hay thậm chí là không được tổ chức, thì người hâm mộ cũng chẳng quan tâm bằng đội tuyển của mình. Nói như thế để thấy, chỉ cần đội tuyển chơi được tại AFF Cup, sẽ khiến không khí làng bóng Việt Nam bớt đi u ám. Nếu tuyển quốc gia thi đấu thành công hay tuyệt vời hơn là giành chức vô địch, thì chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng ngược trở lại với các giải quốc nội, giúp cho các CLB có thêm động lực, còn người hâm mộ lấy lại được niềm tin.
Thế nhưng, chẳng có màn trình diễn đẹp mắt nào, càng không có trận thắng hay chức vô địch nào. Ngược lại, đội tuyển đã thể hiện một lối chơi vô hồn, một tinh thần thi đấu bạc nhược với kết quả ê chề nhất trong lịch sử, hai trận thua, một trận hòa. Thất bại đã được dự báo từ sớm khi đội tuyển không có lực lượng tốt nhất ở năm nay, nhưng điều đó còn chưa đau đớn bằng việc xuất hiện những "biểu hiện lạ" của cầu thủ cũng như sự bất lực trong cách xử lý cả về chuyên môn lẫn ngoài chuyên môn của VFF và ban huấn luyện đội bóng. Thất bại của tuyển Việt Nam là một tất yếu, khi chính chúng ta đã tự thua.
Thế nhưng, câu chuyện thất vọng về tuyển Việt Nam chưa dừng lại ở đó. Kịch bản mổ xẻ thất bại của VFF đã quá hoàn hảo. Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng chỉ có một người phải chịu trách nhiệm là HLV Phan Thanh Hùng. VFF tự thừa nhận mình đã sai khi cho HLV Phan Thanh Hùng được kiêm nhiệm và không hỗ trợ gì nhiều về công tác chuyên môn. Tức là, thất bại của tuyển Việt Nam là hệ quả từ cách làm thiếu khoa họa của các lãnh đạo VFF ngay từ đầu. Vậy mà, những chiếc ghế ở VFF, trong đó người bị chỉ trích nặng nề nhất là Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, vẫn vững như bàn thạch. Không ai từ chức, đồng nghĩa với việc thừa nhận sai lầm chỉ là nói cho có.
Trong những ngày qua, báo chí và dư luận đã lên tiếng phản đối cách làm, cách đối xử rất thiếu chuyên nghiệp của VFF, nhưng dường như tất cả đã bị thờ ơ. Thậm chí ngay cả đòi hỏi VFF phải công bố những cầu thủ nằm trong "danh sách đen" cũng đã bị từ chối.
Có lẽ VFF đang thi gan với người hâm mộ bóng đá nước nhà. Thế nhưng, sức ép từ dư luận chẳng phải chỉ là những câu chuyện vui. Chắc chắn những người có trách nhiệm lớn hơn VFF, cụ thể là Tổng cục TDTT và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sẽ phải có điều chỉnh.
Nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh khẳng định, để thay đổi bóng đá Việt Nam, thì thay đổi đầu tiên chính là vị trí lãnh đạo ở VFF. Khi mà một ông Chủ tịch trong suốt nhiều năm không làm được gì, thì nên nghỉ cho người khác có năng lực thay.
Tất cả cùng chờ đợi liệu Đại hội VFF có được tổ chức sớm để những người không làm được gì sẽ bị loại khỏi bộ máy quản lý. Người hâm mộ đã nói quá nhiều rồi, bức xúc cũng nhiều lắm rồi. Giờ thì tất cả chờ những hành động cụ thể, thay vì cứ nhận lỗi rồi đâu lại vào đấy.
Thế Kiên