Muốn cầu thủ có thể đi đá ở Âu - Mỹ thì phải nâng nền tảng bóng đá Việt Nam lên. Cầu thủ chỉ là cái ngọn, CLB mới là cái gốc. Chẳng có CLB vô danh nào đoạt cúp C1 châu lục. Trong CLB đoạt cúp C1 châu lục ấy cũng chẳng có cầu thủ nào vô danh. Cái gốc như thế nào thì cái ngọn như thế ấy, cho dù anh có là cầu thủ hàng đầu của tuyển quốc gia.
Người ta mỗi tuần đá 2–3 trận, thể lực chưa kịp hồi phục hoàn toàn đã bước vào trận tiếp theo. Chênh lệch giữa đội hình chính thức và dự bị là rất nhỏ, gần như không đáng kể. Còn ta cả tuần chỉ có một trận, đội hình dự bị gần như không có cơ hội ra sân, chênh lệch một khoảng rất xa. Người ta đủ 25 cầu thủ, thay phiên nhau đá đến cuối mùa bóng, sức lực gần như kiệt quệ. Ta lòng vòng chỉ có 15–16 cầu thủ đá hết mùa còn dư sức tham gia tuyển quốc gia. Cứ đến kỳ tranh giải vô địch châu Âu hoặc World Cup, LĐBĐ châu Âu và thế giới phải kêu gọi các CLB thả người cho đội tuyển. Ta thì khỏi, lúc nào cũng dư dả cầu thủ để triệu tập lên tuyển, ăn tập dầm dề với nhau vài tháng, nửa năm cũng không có vấn đề gì.
Cao to là một yếu tố nhưng chưa đủ. Yếu tố cần thiết nhất là thường xuyên được ra sân chơi đủ ít nhất một hiệp. Môn thể thao nào cũng vậy, chẳng cứ gì bóng đá. Dù anh có tập luyện 12 giờ mỗi ngày, bảo sút vào cầu môn chỗ nào là trúng phóc chỗ đó 10 quả như 10. Nhưng thi đấu sẽ rất khác. Tập luyện không bị áp lực tâm lý. Tập luyện có thể là 100 điểm (có thang điểm cụ thể) nhưng khi ra sân thi đấu may lắm đạt được 70–80. Đó là với ngôi sao, chứ cầu thủ bình thường 50–60 điểm không chắc đạt được.
Thi đấu thường xuyên thì áp lực tâm lý sẽ bị "mài" dần đi, cầu thủ quen dần với những trận cầu căng thẳng. Đội bạn chơi xấu, đá nguội đủ kiểu vẫn giữ được bình tĩnh. Lâu lâu mới đá một trận, gặp những trận căng thẳng gần như mất khả năng kiềm chế, bị cuốn vào lối chơi rắn của đối phương, hoàn toàn mất kiểm soát khi xảy ra va chạm. Cái gọi là "cảm giác bóng" thật ra là phong độ. Ít được ra sân thi đấu thì dù mỗi ngày vẫn bỏ ngần ấy thời gian ra tập luyện, phong độ vẫn không giữ được.
>> 'Quang Hải chưa đủ tầm thi đấu ở châu Âu'
Khi Công Phượng đi trời Âu, nhiều người đã đoán trước được kết quả. Thứ hạng FIFA của chúng ta loanh quanh con số 100 thì cầu thủ chúng ta nhiều lắm là đi đá thuê ở nơi có thứ hạng cao hơn 70–80. Cao hơn nữa là hoàn toàn quá sức. Nhật, Hàn ở thứ hạng 50, chúng ta còn với không tới thì đi châu Âu chịu sao nổi? Giải học đường gần như không có, giải U cũng không, giải các CLB (cúp C1, C2 châu lục) gần như không tham gia, mọi thứ đều chỉ tập trung vào tuyển, có khác gì xây nhà từ nóc?
Học viện bóng đá tuyển dụng và đào tạo cầu thủ trẻ có năng khiếu. Thế nhưng, những ngôi sao lừng danh thế giới như Pele, Maradona lại xuất thân từ bóng đá đường phố. Vì sao? Vì bóng đá đường phố gần như ngày nào cũng "đấu" còn học viện thì lâu lâu mới có dịp để "đấu". Ngày nay, người ta tổ chức các giải trẻ để thay cho bóng đá đường phố. Còn chúng ta thì mới bắt đầu ở bóng đá học viện. Thể thao học đường vẫn là điền kinh, "7 môn phối hợp" như hàng chục năm qua, chẳng có gì thay đổi. Trong khi người ta thể thao học đường có nhiều bộ môn cho học sinh tự chọn.
Cầu thủ (hoặc VĐV thể thao nói chung) của người ta không ít người có bằng đại học, hết thời thi đấu vẫn có thể đi làm nghề khác kiếm sống. Cầu thủ của ta may lắm thì có bằng đại học TDTT, giải nghệ xong không đi làm HLV cũng chẳng biết làm nghề gì để sống. Thi đấu là một chuyện, cầm quân là chuyện khác. Cả thế giới, số người vừa là cầu thủ ngôi sao vừa là HLV danh tiếng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ đó có thể thấy, nền thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng hoàn toàn theo "chủ nghĩa kinh nghiệm", thiếu bài bản, thiếu khoa học, lạc hậu, không theo kịp thế giới.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Tôi không học môn Công nghệ vẫn vẽ kỹ thuật tốt
>> 'Cha mẹ thành giáo viên khi sách giáo khoa không xuyên suốt'
>> Tôi 'đơ người' với bài tập Toán của học sinh lớp 8
Hôm nay, chúng ta có ông Park nên ngẩng cao đầu được một chút, nhưng nếu ngày mai không còn nữa, có lẽ chúng ta lại trở về nguyên hình. Bao giờ mới hết cái lối tư duy phó mặc cho ngẫu nhiên, may rủi này?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.