Tài xế Võ Văn Lâm, 46 tuổi, lái ôtô 45 chỗ chở hơn 30 hành khách từ Nha Trang đi Đà Lạt, xuất bến hơn 14h. Lúc xe chạy trên quốc lộ 27C, trời mưa lớn, nước từ trên đèo Khánh Lê chảy xuống "như thác".
Khi đến xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, đất đá trên núi đổ xuống chắn hết lối đi, ông phải lùi ôtô chừng 50 m để đảm bảo an toàn. "Chúng tôi dừng xe ở đây hơn 5 giờ vẫn chưa đi được, nhiều ôtô cũng rơi vào cảnh tương tự", ông Lâm nói.
Ông Tạ Thanh Tình, Trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ 3 cho biết, trên đèo đang có mưa, tầm nhìn bị hạn chế. Nhiều ôtô phải quay đầu vì không thể qua điểm sạt lở. Lực lượng chức năng đã đặt biển cảnh báo hai đầu đường đèo, cử người chốt chặn để thông báo tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt không thể đi được.
Trong khi đó, mưa lớn, nước chảy xiết đã cuốn sập mố cầu bêtông bắc qua sông Trang nối xã Liên Sang với xã Khánh Thượng, Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh). Người dân phải đi bằng cầu treo cách đó 50 m, còn ôtô chạy vòng hơn một km.
Tối nay, một số xã vùng trũng ở TP Nha Trang như xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, xã Phước Đồng... bị ngập. Người dân kê đồ đạc lên cao, tát nước ra ngoài. Đường 23 Tháng 10 nối trung tâm thành phố đi huyện Diên Khánh bị ngập sâu khoảng 50 cm. Nhiều xe đi qua bị chết máy, dắt bộ.
Để tránh mưa lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cho hơn 286.000 học sinh từ mầm non đến THPT nghỉ học từ ngay mai.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa, tỉnh có 31 hồ chứa nước, tổng dung tích 225 triệu m3. Các hồ chứa đang xả lũ. Tỉnh đã sơ tán hơn 1.700 người ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Những ngày qua, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên mưa lớn kéo dài. Phú Yên, gần 20 ngày sau trận lũ, tại xã Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Thịnh (huyện Tây Hòa), nước dâng cao gây ngập cầu, có nơi khoảng một mét. Chính quyền dựng barie, biển cảnh báo và cử lực lượng ngăn người dân qua lại. Nhiều cánh đồng ở xã An Định, An Nghiệp (huyện Tuy An) mênh mông nước.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết mưa kéo dài cùng việc ảnh hưởng của lũ đợt trước đã làm nhiều vị trí của tuyến đường Phú Yên - Gia Lai bị sạt lở. Huyện Đồng Xuân đã cử lượng túc trực tại các điểm nguy hiểm, không cho người dân hay xe qua lại để đảm bảo an toàn.
Nhiều nơi ở Ninh Thuận cũng bị ngập cục bộ. Tỉnh này đã cho hơn 140.000 học sinh trên toàn tỉnh nghỉ học ngày 30/11. Trong khi đó, lũ xuất hiện bất ngờ đã cuốn trôi 4 du khách đi qua cầu treo tham quan Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), làm hai người mất tích.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, từ 29/11 đến 1/12, các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có mưa to, lượng mưa 140-280 mm, có nơi 300 mm. Lượng mưa ở Tây Nguyên 80-120 mm, có nơi trên 150 mm. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở.
Xuân Ngọc