Ngày 16/7, tại cuộc họp về tiến độ thực hiện các tuyến metro trên địa bàn TP HCM do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, ông Bùi Xuân Cường - Trưởng ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM - cho biết, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành việc giải tỏa mặt bằng từ cuối tháng 3, hiện các hạng mục được thi công đúng tiến độ. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019 và vận hành một năm sau đó như kế hoạch.
Đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), theo ông Cường, ban đầu dự án được phê duyệt với tổng mức vốn hơn 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, do ảnh hưởng các yếu tố như trượt giá, chi phí tài chính, xây dựng (bổ sung khối lượng cho việc kết nối với các tuyến metro số 3b, 5 và 6; tăng chiều dài các nhà ga ngầm) nên tổng mức đầu tư mới dự kiến là hơn 2,1 tỷ USD (tăng 60% so với ban đầu).
"Hiện các Ngân hàng nước ngoài đã đồng ý tài trợ bổ sung cho dự án tổng số tiền hơn 720 triệu USD", ông Cường cho hay.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín kiến nghị Chính phủ cho phép tiến hành sơ kết ngay để rà soát lại những việc đã làm, cũng như về cơ chế chính sách để rút kinh nghiệm cho các công trình khác.
"Đơn cử như công tác giải phóng mặt bằng cần thay đổi chính sách như thế nào khi dự án đi qua nhiều địa phương với chính sách bồi thường khác nhau. Ở tuyến metro số 1 việc giải phóng mặt bằng bị kéo dài hàng năm trời vì TP HCM bồi thường thế này, Bình Dương lại thế kia nên người dân không chịu. Nếu không có chỉ đạo của Chính phủ sẽ rất khó thực hiện", ông Tín cho hay.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, TP HCM đã triển khai tuyến metro số 1 rất nhanh, đoạn trên cao có thể đưa vào khai thác từ năm 2019. Tuy nhiên, thành phố tìm cách rút lại một số thủ tục, đẩy nhanh gói thầu 1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát) để khai thác toàn tuyến từ năm 2020. "Khai thác chỉ một tuyến metro đã không hiệu quả. Nếu chỉ khai thác được một đoạn từ Suối Tiên đến cầu Sài Gòn sẽ càng không hiệu quả", ông Đông nói.
Còn vướng mắc ở tuyến metro số 2, lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xin phép chỉ phải báo cáo Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh vốn để tiết kiệm thời gian. "Quốc hội họp mỗi năm chỉ 2 lần, mà chậm thêm một năm tổng mức đầu tư lại bị đội thêm 5-7%", ông Đông cho hay.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao việc quyết tâm thực hiện tuyến metro số 1 của TP HCM. "Nếu trước đây chúng ta không cố gắng thì tuyến metro số 1 có thể đã rơi vào hoàn cảnh của tuyến số 2 hiện nay, chưa thể thành hình", ông Hải nói.
Theo Phó thủ tướng, chỉ cần lưỡng lự vài tháng là sẽ rơi vào cảnh "con kiến leo cành đa", phải chuẩn bị dự án lại từ khâu tiền khả thi, trình các ban ngành, lên Chính phủ rồi trình ra Quốc hội mất không dưới 3 năm nữa. Vì vậy, tinh thần là TP HCM cứ tiếp tục thực hiện dự án này như đã làm với tuyến số 1 trước đây. Vừa làm vừa chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh để trình Quốc hội vào tháng 10, 11 tới.
"Tuy nhiên, thành phố phải chuẩn bị hồ sơ của toàn bộ tuyến số 2 hoàn chỉnh từ Thủ Thiêm tới Tây Ninh để báo cáo đầy đủ với Quốc hội chứ không cắt khúc ra", Phó thủ tướng yêu cầu.
Tuyến metro số 2 là một trong 8 tuyến metro đã được phê duyệt tại TP HCM, chiều dài toàn tuyến gần 20 km (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh), chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn một dài 11,3 km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó có 9,3 km đi ngầm với độ sâu trung bình 18 m. Toàn tuyến có 10 ga ngầm và một ga trên cao, tổng vốn đầu tư được duyệt là hơn 26.110 tỷ đổng (hơn 1,3 tỷ USD). Giai đoạn 2 sẽ thực hiện khi có đủ vốn. |
Hữu Nguyên