Trong văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện dự án đường sắt đô thị số 1(Bến Thành - Suối Tiên), UBND TP HCM cho biết tổng mức đầu tư ban đầu của dự án đã được Ủy ban phê duyệt vào năm 2007 là 1,09 tỷ USD (hơn 17.380 tỷ đồng). Trong đó, vốn ODA từ phía Nhật Bản là hơn 904,6 triệu USD; còn lại là vốn đối ứng của ngân sách thành phố.
Tuy nhiên, sau khi được duyệt, Tư vấn chung dự án (Liên danh NJPT) nhận thấy thiết kế cơ sở trong dự án đầu tư được duyệt chưa đáp ứng được yêu cầu làm cơ sở để xây dựng hồ sơ mời thầu cho 3 gói chính thuộc dự án nên đã tiến hành làm rõ, bổ sung, tính toán đủ cho thiết kế cơ sở của dự án và Thành phố đã phê duyệt thiết kế này vào đầu năm 2010.
Cùng với việc làm rõ cho thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư của dự án cũng được cập nhật, tính toán lại vào thời điểm giữa năm 2009. Tổng mức đầu tư mới đã được đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra, ý kiến của các bộ ngành liên quan và chấp thuận chủ trương của Thủ tướng vào tháng 8/2011. Sau đó, UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 vào tháng 9/2011 với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 2,49 tỷ USD (hơn 47.325 tỷ đồng); trong đó vốn ODA của Nhật Bản là hơn 2,2 tỷ USD, còn lại là vốn ngân sách thành phố.
Theo UBND thành phố, nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư của tuyến metro số 1 tăng là do biến động khách quan của nguyên - nhiên liệu, việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009. Bên cạnh đó, việc tăng khối lượng xây dựng cho dự án nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cũng làm tăng tổng mức đầu tư. Một lý do khác nữa là việc cập nhật tỷ giá Yên Nhật - Việt Nam đồng; tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, tính toán cho đến năm 2019 làm số vốn bị tăng lên.
Tuyến metro số 1 được khởi công vào ngày 28/8/2012. Theo thiết kế tuyến có lộ trình dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Về tiến độ thi công, UBND thành phố cho biết, tuyến metro số 1 sẽ hoàn thành vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018. Tuy nhiên, hiện đã chậm so với quyết định được phê duyệt nên thời gian hoàn thành cho toàn bộ tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên khó đảm bảo hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2017.
Báo cáo với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết, do chậm trễ trong công tác giải tỏa mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến metro số 1, 2, 3A và 4 nên đến năm 2019 mới có thể hoàn thành tuyến số 1; năm 2020 mới có thể đưa vào vận hành (thay vì cuối năm 2018 như dự án được duyệt).
Trước đó, UBND thành phố cũng cho biết kinh phí đầu tư dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) trên địa bàn có thể bị đội thêm 784 triệu USD so với ban đầu do trượt giá và tăng khối lượng trong các hạng mục thiết kế (1,3 tỷ USD lên 2,1 tỷ USD).
Trung Sơn