Đây là lần đầu tiên sự kiện được Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức. Trong 130 em có 112 sinh viên, 18 học sinh của 70 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 28 tỉnh, thành phố. Hà Nội có số lượng nhiều nhất với 23 em, thứ hai là TP HCM với 22 em.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định học sinh, sinh viên là những người tiên phong trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề trong tương lai. Việc này sẽ giúp nâng cao năng lực quốc gia, thoát bẫy thu nhập trung bình và cạnh tranh với bạn bè thế giới.
"Sự thiếu hụt kỹ năng là thách thức lớn của toàn cầu nhưng đồng thời cũng là cơ hội để thế hệ trẻ học hỏi, vươn lên làm chủ công nghệ, khẳng định mình. Nếu có tay nghề tốt, các em sẽ có việc làm, thu nhập cao", Bộ trưởng Dung nói.
Nông Phạm Thúy, quê Đăk Lăk, người dân tộc Tày, sinh viên ngành Thú y, Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, chia sẻ học nghề giúp em tiết kiệm thời gian, rèn tay nghề nhanh chóng nên đã quyết định không nhập học đại học tại Đà Nẵng.
Tuy là sinh viên năm cuối, Thúy đã được một công ty chăn nuôi hàng đầu nhận vào làm việc. "Có mặt tại buổi lễ hôm nay, em cảm thấy rất vui và tự hào. Đây cũng là động lực cho em và các bạn tin tưởng vào con đường mình đang đi và tiếp tục phấn đấu trong tương lai", Thúy nói.
Việc tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề theo chỉ thị 24 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời tạo môi trường để các em rèn luyện và phấn đấu.
Với hai nhóm yêu cầu về tiêu chuẩn học tập và đạo đức lối sống, các học sinh, sinh viên được chọn ngoài có thành học tập, rèn luyện xuất sắc còn phải đạt một trong các tiêu chí gồm: có đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải cấp trường trở lên, có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, được áp dụng hoặc có sản phẩm được cấp bằng sáng chế.
Trước đó, đầu tháng 10, Thủ tướng đã quyết định lựa chọn 4/10 hàng năm là ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.
Thanh Hằng