Sở GD&ĐT của nhiều địa phương tuyển dụng giáo viên được tiến hành theo phương thức xét tuyển. Tiêu chí xét tuyển chủ yếu dựa vào bằng cấp, các loại giấy tờ ưu tiên công khai.
Cho đến nay, cơ chế tuyển dụng này đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Trước hết, với cách thức tuyển dụng đó, cơ quan tuyển dụng không có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu khả năng, năng lực (như nói ngọng, viết sai chính tả hoặc giảng bài bằng giọng địa phương) của người được tuyển dụng mà chủ yếu chỉ dựa vào bằng cấp và các loại giấy tờ.
Từ đây, góp phần làm nảy sinh tâm lý sính bằng cấp. Bằng cấp càng cao, chứng chỉ càng nhiều và nếu lại có sự quen thuộc hay ngoắc ngoặc gì đó thì cơ hội tuyển dụng càng lớn.
Mặc dù người có bằng cấp cao, chứng chỉ nhiều chưa hẳn sẽ trở thành giáo viên giỏi khi trực tiếp đứng trên bục giảng. Bởi lao động sư phạm là loại hình lao động đặc thù. Người giáo viên không phải chỉ có kiến thức tốt là đủ mà còn phải biết - thành thạo nhiều kỹ năng.
Việc tuyển dụng giáo viên theo phương thức xét tuyển cho thấy những bất cập, hệ lụy phát sinh: không công bằng giữa người học và giữa các trường Đại học, Cao đẳng với nhau.
Đầu tiên, đấy là việc sinh viên ý thức được tầm quan trọng của số điểm đạt được ở trường có vai trò quyết định đến việc xét tuyển sau này, một số cố gắng học bằng thực lực của mình, nhưng cũng có một bộ phận sinh viên dùng mánh khóe, quan hệ, tiền bạc để “mua điểm”.
Không phải thầy cô nào cũng làm cái việc đáng xấu hổ đó, nhưng sự thực là vẫn có một số bị chi phối bởi đồng tiền và những thứ khác. Ai dám chắc chuyện “đổi tình lấy điểm” là không có ở bậc Đại học, Cao đẳng?
Mặt khác, các trường đều có tâm lý mong muốn sinh viên của mình sau khi tốt nghiệp xin được việc làm, nâng cao “thương hiệu” để cạnh tranh, thu hút người học, từ đó dẫn đến việc nới tay trong đánh giá - cho điểm.
Thời tôi học lấy được tấm bằng khá là khó lắm, còn tốt nghiệp loại giỏi thì rất ít, có khi mấy khóa mới có một người. Thế nhưng bây giờ tốt nghiệp loại khá, loại giỏi lại rất dễ dàng, trong khi đầu vào không mấy xuất sắc?! Như vậy muốn nâng cao chất lượng giáo dục liệu có thực hiện được và có tốt?
Thiết nghĩ, cái đích cuối cùng của việc tuyển dụng giáo viên là lựa chọn cho được những người thực sự xứng đáng đảm nhận trách nhiệm “trồng người”. Do đó, cần phải hết sức cẩn trọng và có phương thức tuyển dụng phù hợp.
Theo tôi trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo công bằng trong khâu tuyển dụng và thích ứng với tình hình mới, cần có sự kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển, ưu tiên những người có kinh nghiệm, phân loại đối tượng ưu tiên, có thể hợp đồng thử việc nếu đáp ứng yêu cầu nên mới tuyển dụng.
Nguyễn Long Quân