Tối 31/10, chương trình Việt Nam - Khát vọng bình yên do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Y tế và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, mở đầu bằng câu chuyện của chị Hồng Thủy, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai. Với hơn 16.500 người dân TP HCM qua đời trong đợt dịch thứ tư, nữ điều dưỡng Thủy có thêm công việc trông coi kỷ vật của F0.
Có ngày, chị và đồng nghiệp phải lần tìm từng chiếc balo, khởi động hàng trăm điện thoại với hy vọng tìm được người thân của bệnh nhân đã mất. Có người con trai đến nhận di vật của cha, ngoài quần áo còn có điện thoại. Nghe tiếng máy đổ chuông và nhớ lại lần cuối cùng cãi nhau với cha, anh quỳ xuống khóc nức nở. Chị Thủy cũng khóc theo.
Có người chồng bế đứa con 2 tuổi đến tìm di vật của vợ - chiếc balo đựng 18 triệu đồng và vài món đồ. "Đó là những câu chuyện rất thảm khốc. Ngày nào tôi cũng rơi nước mắt về những nỗi đau không thể nào chịu nổi", chị Thủy chia sẻ. Sau ngày chị về lại Hà Nội, kho vẫn còn nhiều kỷ vật của các F0 đã mất.
Trong đợt dịch thứ tư, hơn 25.000 y bác sĩ đã lên đường vào phía Nam và gần 3.500 người trong đó đã bị lây nhiễm, hàng chục người qua đời. Trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, các y bác sĩ còn đối mặt với "đại dịch trong đại dịch" - đó là stress, ám ảnh tâm thần, tâm lý.
Nhiều y bác sĩ không quên được cái níu tay của bệnh nhân khu hồi sức vì không có người thân bên cạnh; là câu chuyện của đồng nghiệp có mẹ qua đời vì lây nhiễm; nỗi đau khi không cứu được ca bệnh 19 tuổi diễn biến quá nhanh. Có bác sĩ phải giải tỏa tâm lý bằng cách chụp những tấm hình bầu trời xanh để giữ lấy hy vọng về một ngày đại dịch sẽ qua đi.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đã dùng từ "thảm họa" và "choáng váng" khi cùng đoàn công tác vào TP HCM cuối tháng 7. Nhìn lại tấm ảnh chụp phòng cấp cứu của Trung tâm Hồi sức tích cực, ông nhớ ca F0 là nữ, có thai khoảng 32 tuần và các y bác sĩ chuẩn bị cho chạy ECMO.
Ông không trực tiếp có mặt ở đó, nhưng nhận được cuộc gọi của đồng nghiệp, nói trường hợp này cần mổ bắt thai và người mẹ có khả năng tử vong. Trung tâm có máy ECMO mua mấy năm, màng lọc đi theo máy đã hết hạn và xin chỉ thị "có quyết định làm hay không?". Bác sĩ Nhung đắn đo, nếu cho chạy ECMO thì 50% thành công, nếu không làm thì bệnh nhân tử vong. Cuối cùng, các bác sĩ quyết định cho chạy ECMO và sau 19 ngày, nữ bệnh nhân đã hồi phục.
Qua màn hình trực tuyến, các y bác sĩ sau đó đã được "hội ngộ" với Tường Vi - nữ bệnh nhân 19 tuổi trong ca bệnh mà PGS Nhung chia sẻ. Cô cắt tóc ngắn, vẫn trong phòng bệnh, hàng ngày tập thở, tập phục hồi chức năng. Nữ bệnh nhân gửi lời cảm ơn tới tập thể y bác sĩ đã hồi sinh mình, mong tiếp tục hỗ trợ điều trị cho con nhỏ qua cơn nguy kịch, dịch bệnh qua nhanh để vợ chồng sớm trở lại đi làm.
Trước câu hỏi "có thể phải chịu trách nhiệm khi dùng dụng cụ đã hết hạn vào một ca liên quan sinh mạng con người", bác sĩ Nhung nói khi đối mặt với trường hợp khẩn cấp trong thảm họa, được phép dùng những biện pháp có lợi nhất với người bệnh. Nếu không thắng lợi, ông sẵn sàng chịu trách nhiệm, bởi sinh mệnh con người là quan trọng nhất.
Nhìn lại gần bốn tháng qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói đó thực sự là cuộc chiến toàn diện, toàn lực, khi huy động từ lực lượng y tế, quân đội, công an, cho đến tổ chức, cá nhân thiện nguyện. Cả nước dồn sức cho TP HCM, không chỉ y tế mà còn là an sinh, trật tự an toàn xã hội.
Phó thủ tướng nhớ hồi tháng 7 khi vào kiểm tra TP HCM và một số tỉnh, dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng. Cả khu vực đối mặt với Covid-19 mà hệ thống y tế đã quá tải hàng chục lần. Họp với TP HCM, các bên đã phải tính tới toàn diện, kể cả phương án xử lý tử thi.
Những quyết định trên thực địa sau này đều được đặt trong bối cảnh sự cố y tế công cộng đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí nghiêm trọng nhất từ khi Việt Nam giành độc lập cho tới nay. Mọi quyết định đều không có nhiều thời gian để tính toán hơn thiệt mà phải làm rất nhanh.
"Từ đáy lòng, tôi trân trọng và cảm ơn nghị lực của nhân dân TP HCM và các tỉnh. Đau thương, mất mát, nhưng bà con đã luôn nghĩa tình, trong gian khó luôn có ý chí vươn lên bằng được", Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, dịch bệnh sẽ còn diễn biến khó lường nên vẫn cần sự chủ động nhất có thể. Về mặt y tế, Việt Nam cố gắng phủ vaccine cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi và trẻ em 13 tuổi trở lên. Ngành y cũng cần chuẩn bị những loại thuốc men điều trị ngay từ ban đầu, trang thiết bị, xét nghiệm.
Mỗi người dân vẫn cần chủ động thực hiện tốt 5K, bởi thực tế cho thấy nhiều nước dù đã tiêm vaccine, dịch vẫn bùng phát và phải quay lại giãn cách xã hội. Đó là chưa kể đến trong tương lai sẽ còn những biến chủng nguy hiểm, có thể làm giảm tác dụng của thuốc hoặc vaccine.
Hồng Chiêu