Bà Thái Hương, chủ của thương hiệu sữa TH True Milk vừa gây sốc trên thị trường sữa với tuyên bố xanh rờn: “Tôi không có đối thủ”. Tuyên bố này của bà Thái Hương khiến Hiệp hội sữa Việt Nam cho là quá ngạo mạn.
Còn các doanh nghiệp sữa trong ngành lại thấy sự tự tin của bà Hương hơi thái quá, chẳng khác nào "khiêu chiến", hoàn toàn không mang tính thiện chí, cạnh tranh lành mạnh trên thương trường.
Vị Giám đốc này nhận xét: “Tôi thấy những chiêu PR của họ có vẻ tầm thường, dân trong ngành không đánh giá cao”.
Để trở thành một đơn vị đi đầu trong thị trường sữa Việt Nam, theo vị Giám đốc trên “còn tùy theo chiến lược kế hoạch và tài năng của người lãnh đạo”. Tuy nhiên, “cơ chế quản lý của TH Milk còn mang tính gia đình trị, mặc dù đầu tư theo chuẩn nước ngoài. Cho nên để trở thành công ty dẫn đầu, với bản thân tôi, tôi không tin tưởng lắm”, ông này nói.
![]() |
Trang trại bò sữa của TH True Milk. |
Trước đó, bà Hương đã tự tin khẳng định trên báo Đầu tư: “Khi bắt tay vào làm thương hiệu cho TH True Milk, có người nói với tôi rằng, chị có hai đối thủ lớn nhất trên thị trường. Nhưng tôi khẳng định: "tôi không có đối thủ, tôi cảm ơn Vinamilk và các hãng sữa khác đã tạo cho người dân Việt Nam thói quen uống sữa. Tôi muốn làm bạn với họ, song tôi không đi chung con đường với họ, tôi chọn con đường hoàn toàn khác cho mình".
Bà tự hào vì mình là người đặt viên gạch đầu tiên về sản xuất sữa tươi sạch trên thị trường. “Tôi không cần lấy thị trường của người khác, tôi tự tạo ra một lớp khách hàng mới”, bà Thái Hương nói.
Trong khi đó, một công ty sữa khác, khá nổi tiếng tại thị trường Hà Nội, nhưng khi được hỏi về vấn đề này, vị Tổng giám đốc đã khiêm tốn đưa ra quan điểm: Chúng tôi chỉ là công ty nhỏ không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chỉ luôn cố gắng làm việc chăm chỉ và phục vụ tốt nhất cho khách hàng của mình.
Nếu xét về quy mô tập trung, trang trại bò sữa của TH Milk với tổng diện tích 37.000 ha có thể coi là không có đối thủ về chăn nuôi cạnh tranh. Mặc dù không phải nhà kinh doanh nhưng đứng trên góc độ khoa học để nhận xét, ông Tăng Xuân Lưu, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì cho rằng: Nếu xét về quy mô tập trung, trang trại bò sữa của TH Milk với tổng diện tích 37.000 ha có thể coi là không có đối thủ về chăn nuôi cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông không hoàn toàn đồng tình với đường lối, hướng đi mà TH Milk đang làm.
“Có thể thấy rằng, hiện nay một số trang trại khác cũng đang đi theo xu thế đó, một số trại mang tính chất tập trung, rồi từ chỗ tập trung đó hướng dẫn cho người sản xuất nhỏ lẻ như Công ty cổ phần sữa quốc tế (IDP), sữa Mộc Châu cũng vậy”, ông Lưu cho biết.
Nhưng tại Việt Nam, trong điều kiện hiện nay, với hơn 70% dân số là nông dân, nông nghiệp, theo ông Lưu, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, đi theo đường lối của chính phủ phải duy trì 2 con đường, vừa đi theo chăn nuôi tập trung, rồi trên cơ sở của trại tập trung đó hướng người chăn nuôi nhỏ lẻ theo một quy trình khép kín nhưng có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ, sát sao của con người.
“Chẳng nhẽ vài chục nghìn con bò sữa để “đánh chết” nền sản xuất nông nghiệp hiện nay của Việt Nam, trong khi mình vẫn phục vụ 70% dân số nông nghiệp sao?”, ông Lưu đầy trăn trở.
(Theo Giáo dục)