Virus gia cầm chỉ chết trong nhiệt độ 70 C trở lên. |
- Theo ông, cơ sở nào để Việt Nam quyết định sử dụng văcxin?
- Dịch cúm gia cầm xảy ra cuối năm 2003, đầu năm 2004, Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt, áp dụng tất cả biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc, kể cả biện pháp mạnh như cấm vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, nhưng dịch vẫn trở lại.
Tổ chức Thú y, Tổ chức y tế thế giới, cũng như FAO khuyến cáo sử dụng văcxin như một biện pháp hỗ trợ cho vấn đề giải quyết dịch. Trong trường hợp dịch bùng phát lớn thì sẽ tiêm văcxin bao vây xung quanh ổ dịch nhằm giảm khả năng nhiễm virus của gia cầm. Thứ hai, nếu nhiễm sẽ giảm khả năng thải loại virus ra môi trường. Thứ ba là giảm được thiệt hại kinh tế.
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống gia cầm đã xem xét việc sử dụng văcxin, nhưng cần thiết phải tiến hành thử nghiệm.
- Việc sử dụng văcxin phải tuân theo tiêu chuẩn nào?
- Theo khuyến cáo của FAO và Tổ chức Y tế thế giới, nếu sử dụng phải có hệ thống giám sát chặt chẽ đối với đàn gia cầm được tiêm văcxin và đàn gia cầm vùng lân cận, nơi không được tiêm. Viện Thú y đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện một dự án thử nghiệm để sử dụng văcxin. Mục đích là lựa chọn loại văcxin nào có hiệu quả ở Việt Nam, trên cơ sở đó sẽ thiết lập hệ thống, quy trình, kỹ thuật giám sát.
Việc thử nghiệm chỉ tiến hành trên những trại gà tự nguyện, chủ trại sẽ tham gia giám sát huyết thanh học, virus học ở đàn gà đã tiêm. Mỗi trại gà thử nghiệm phải có một đàn gà chỉ báo không tiêm văcxin và được đánh dấu. Trường hợp đàn gia cầm chỉ báo bị bệnh thì phải tiêu huỷ cả đàn.
- Dịch đang lan nhanh, nhưng bây giờ Viện Thú y mới xây dựng dự án thử nghiệm sử dụng văcxin, như vậy là quá chậm?
- Dự án xây dựng xong phải có sự đồng thuận của 4 bộ: Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học - Công nghệ và Tài nguyên Môi trường. Đây là việc phải làm, không thể nóng vội mà làm ào ạt, tuỳ tiện được. Bởi văcxin này hoàn toàn khác văcxin phòng bệnh khác. Nếu như không giám sát tốt, dẫn tới hiện tượng thay đổi về chủng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cũng cần nhắc lại sử dụng văcxin chỉ là biện pháp hỗ trợ, chứ không phải chủ đạo.
- Khi đã có quy trình giám sát chặt chẽ rồi thì văcxin có thể sử dụng đại trà được không?
- Chúng tôi chỉ là cơ quan tư vấn. Nếu sử dụng đại trà phải có sự thống nhất rất cao của Bộ Y tế vì nó liên quan đến sức khoẻ con người. Tổ chức Thú y, Y tế thế giới chỉ khuyên dùng văcxin chỉ khi điều kiện giám sát tốt. Cái này mình phải tuân thủ. Vừa rồi tôi họp bên Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới cho biết nếu virus cúm tuýp A thông thường ở người mà kết hợp với H5N1, tạo ra một chủng mới thì nguy cơ rất lớn. Thế nên chúng tôi cũng phải nghĩ tới chuyện đó.
- Hiện GS Hoàng Thuỷ Nguyên đang nghiên cứu văcxin để sử dụng cho người và gia cầm. Ông nghĩ sao về khả năng sản xuất văcxin của Việt Nam?
- Để nghiên cứu ra một văcxin không đơn giản, phải mấy năm. Vấn đề thứ nhất là anh phải chọn được chủng để làm văcxin. Chủng đó phải rất ổn định, đặc biệt là với kháng nguyên. Trong quá trình nuôi cấy trên môi trường nhân tạo thì tính kháng nguyên đó phải ổn định, động lực phải ổn định, không biến chủng.
Thứ hai là phải xây dựng được một quy trình công nghệ, phải tiến hành thử nghiệm trên chuột, thỏ, sau đó thử nghiệm với bản động vật. Trên cơ sở đánh giá của Hội đồng khoa học mới có thể thử nghiệm trên diện hẹp. Nếu có kết quả tốt rồi thì sẽ sản xuất đại trà. Đấy là quy trình chung để sản xuất văcxin, còn tuỳ theo từng loại, tính nghiêm ngặt của nó khác nhau.
- Như vậy, trong tình hình dịch cấp bách như hiện nay việc nhập văcxin sẽ là lựa chọn duy nhất?
- Đương nhiên là chúng ta phải nhập văcxin về sử dụng. Chúng tôi kiến nghị nên dùng loại của Intervest do Hà Lan sản xuất. Đó là văcxin chết chủng H5N2, có chung kháng nguyên H5. Loại này Hong Kong, Trung Quốc, Italy cũng đang dùng.
Về lâu dài chúng tôi có thể sản xuất được, nhưng là văcxin chết giống như của Intervest. Đây là loại văcxin sau khi nuôi cấy được virus sẽ diệt chết nó đi, chỉ còn lại kháng nguyên. Kháng nguyên khi tiêm vào gia cầm sẽ tạo ra kháng thể chống lại bệnh. văcxin sống (còn gọi là nhược độc) thì virus chỉ bị làm yếu đi, chứ không chết.
- Dưới góc độ một nhà khoa học, ông giải thích thế nào về tình trạng lây lan nhanh hiện nay của dịch cúm gia cầm?
- Việc đối phó với cúm gia cầm trước đây và hiện nay có những khó khăn. Trước hết là biện pháp xử lý, mặc dù chỉ đạo là quyết liệt, nhưng người trực tiếp xử lý chưa làm được đến nơi đến chốn. Thứ hai là việc vận chuyển gia cầm vẫn không kiểm soát được. Thứ ba, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi để virus cúm phát triển mạnh nhất. Thứ tư, tiềm tàng virus H5 ở đàn vịt. Điều này có thể thấy rõ ở khu vực phía Nam nơi chăn nuôi thuỷ cầm nhiều nhất, virus thải qua phân và phát tán theo nguồn nước.
Một nguyên nhân khác là việc xử lý gia cầm trong đợt dịch trước chưa được tốt. Trước kia, tháng 12/2003, tháng 1-2/2004, trong chỉ đạo người ta hướng dẫn rất cụ thể là phải phun thuốc tiệt trùng khi tiêu huỷ. Nhưng nhiều địa phương không làm được như thế, cứ chôn đại. Thậm chí còn vứt cả gia cầm chết xuống sông. Virus cứ tiềm tàng ở những nơi như vậy.
- Biện pháp dập dịch tốt nhất trong trường hợp này theo ông là gì?
- Biện pháp tối ưu nhất là phải chuẩn đoán thật nhanh trong vòng 24h, sau đó phải ra quyết định xử lý. Tiêu huỷ gia cầm phải đúng kỹ thuật, tức là phải đốt sau đó mới chôn. Hố chôn phải được rải vôi bột, phun thuốc diệt trùng. Toàn bộ phân, nước thải của khu vực đó phải thu gom lại và khử trùng tuyệt đối. Không sử dụng phân gà bệnh để bón cây.
Với cơ sở chăn nuôi, cần nuôi nhốt gia cầm, bao vây lại, phun thuốc tiệt trùng ít nhất tuần 3 lần (tốt nhất là Claramin B). Gia cầm trong vùng dịch nội bất xuất, ngoại bất nhập. Người dân phát hiện đàn gà bệnh nhanh chóng báo cáo cho cơ sở thú y. Tuyệt đối không được sử dụng sản phẩm của gia cầm nghi dịch.
- Ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng?
- Khi mua sản phẩm gia cầm phải có nguồn gốc, phải là gia cầm đã qua kiểm dịch. Lý thuyết là thế, nhưng phải thừa nhận trong thực tế rất khó. Tiết canh, trứng gia cầm là tuyệt đối không được ăn trong thời gian có dịch. Virus gia cầm chỉ chết trong nhiệt độ 70 độ C, nên tốt nhất là ăn chín, uống sôi.
Như Trang thực hiện