Đặc điểm chủ chốt mang lại lợi thế cho mẫu turbine của Eolink là phần đế hình kim tự tháp, thay thế cột trụ trong thiết kế kiểu chong chóng thông thường bằng cặp khung hình tam giác tương tự vòng đu quay. Khối lượng lớn của cánh quạt được phân bố đều giữa ổ trục ở cả hai đầu khung. Nhờ đó, 4 cột đỡ trở nên thanh mảnh hơn nhiều do với thiết kế một trụ truyền thống, giúp giảm đáng kể khối lượng, do đó không cần bộ phận dằn bằng kim loại nặng để giữ cho turbine đứng thẳng, New Atlas hôm 4/12 đưa tin.
Trong khi hướng gió và dòng hải lưu thường thẳng hàng ở biển sâu, Eolink thiết kế hệ thống dằn chủ động có thể xoay turbine 120 độ khi hai yếu tố không cùng hướng. Điều này cho phép nhà vận hành có thể tối ưu hóa sản lượng của cả trang trại điện gió.
Quá trình chế tạo và triển khai turbine gió nổi hình kim tự tháp cũng đơn giản hơn nhiều. Turbine có thể được sản xuất ở xưởng đóng tàu và đưa thẳng xuống nước, nơi chúng nổi ở độ sâu tương đối nông do không có vật dằn khối lượng lớn bên dưới. Theo Eolink, một cơ sở đóng tàu có thể sản xuất 67 turbine một năm.
Sau khi chế tạo, nhà vận hành chỉ cần thả turbine xuống nước và kéo tới địa điểm triển khai, neo chặt và kết nối với lưới điện. Mẫu turbine này không đòi hỏi tàu cần trục để bảo dưỡng do chỉ cần kéo trở lại cảng để sửa chữa. Với số vốn đầu tư lên tới 23 triệu USD, Eolink đang bắt tay vào sản xuất turbine thử nghiệm cỡ lớn, để triển khai ở bãi thử SEM-REV trên biển Đại Tây Dương ngoài khơi Pháp.
Turbine thử nghiệm 5 MW sẽ nặng 1.100 tấn. Đường kính rotor vào khoảng 143 m. Eolink cho biết, thiết kế sẽ sử dụng ít hơn 30% thép so với turbine kiểu chong chóng có cùng sản lượng. Do cánh quạt không có nguy cơ va vào tháp, có thể lắp đặt cánh quạt dài và linh hoạt hơn, giúp tăng hơn 10% sản lượng điện trong cùng điều kiện gió.
Quá trình xây dựng sẽ bắt đầu trong tháng 12/2022, dự kiến turbine sẽ được neo ngoài khơi vào mùa xuân năm sau và đi vào hoạt động năm 2024. Công ty Eolink cũng đang lên kế hoạch sản xuất turbine 20 MW, cao hơn nhiều so với turbine gió lớn nhất hiện nay.
An Khang (Theo New Atlas)