"Cầu Kerch chính xác là mục tiêu số một của chúng tôi. Đây là con đường chính để Nga tăng cường viện binh, chúng tôi chỉ cần đánh sập nó", thiếu tướng Ukraine Dmitry Marchenko, người phụ trách bảo vệ tỉnh miền nam Mykolaiv kể từ đầu chiến sự, trả lời phỏng vấn hôm 15/6, đề cập cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.
Cầu Crimea, còn được gọi là cầu Eo biển Kerch, được khởi công hai năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea thông qua trưng cầu dân ý và hoàn thiện năm 2018. Cây cầu trị giá hàng tỷ USD nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Với chiều dài 19 km, đây là cây cầu dài nhất châu Âu, cho phép ôtô và tàu hỏa qua lại.
Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga sử dụng cầu này để vận chuyển xe bọc thép vào các khu vực phía nam nước láng giềng.
"Ngay khi con đường đó bị cắt, họ sẽ bắt đầu hoảng sợ. Hãy tin tôi, những người phải treo cờ Nga ở Simferopol sẽ nhanh chóng nhận được cờ Ukraine và treo thay thế cờ Nga", ông nói, nhắc đến thành phố lớn thứ hai ở Crimea.
Marchenko vạch ra kịch bản phản công của Ukraine mà ông khẳng định sẽ giành chiến thắng vào cuối mùa hè, với điều kiện đủ vũ khí và đạn dược từ Mỹ và NATO. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/6 công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá một tỷ USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa chống hạm, tên lửa tầm xa và nhiều loại pháo.
Ukraine trước đó cam kết với Mỹ rằng sẽ không sử dụng pháo phản lực tầm trung để nhằm vào mục tiêu trên lãnh thổ Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hồi đầu tháng. Tuy nhiên, Mỹ từ chối công nhận Crimea thuộc lãnh thổ Nga, nói bán đảo này bị "sáp nhập bất hợp pháp".
Hiện chưa rõ ông Marchenko hy vọng sẽ sử dụng vũ khí nào để phá hủy cầu. Alexey Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, hồi tháng 4 cũng cảnh báo nếu có cơ hội, lực lượng Ukraine sẽ phá hủy cầu Crimea để cắt đường tiếp viện của Nga.
Bà Olga Kovipris, thượng nghị sĩ đại diện cho bán đảo Crimea, sau đó tuyên bố cầu Crimea là cây cầu "được bảo vệ tốt nhất" trên thế giới, có thể tránh được nhiều cuộc tấn công nhờ có nhiều lớp phòng thủ. Theo bà, ngay từ đầu Nga biết cầu có thể bị nhắm mục tiêu và đã thực hiện nhiều bước để bảo vệ.
Bà Kovipris cho biết cầu được hai trung đoàn hệ thống phòng không S-400 bảo vệ khỏi các cuộc tấn công từ trên không. S-400 có thể hạ gục tên lửa bay tới từ cách đó 400 km. Các hệ thống khác, như tên lửa Pantsir-S1, bảo vệ cầu khỏi các cuộc tấn công tầm ngắn.
Cầu còn được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công đường thủy. Ngoài được hải quân Nga chịu trách nhiệm bảo vệ, cầu được trang bị hệ thống định vị thủy âm tinh vi có thể phát hiện các mối đe dọa dưới nước, như tàu ngầm. Bà Kovipris nhấn mạnh Nga hàng ngày đều kiểm tra các yếu tố quan trọng của cầu. "Vì vậy chúng tôi khuyên đừng ai có ý định tấn công cây cầu này", bà nói.
Huyền Lê (Theo RT)