Ngày 25/6, đại diện Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết vài tháng trước, bệnh nhi đau đầu, nôn, được gia đình đưa đi khám tại bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị, do nhi ngờ u não. Tuy nhiên, các bác sĩ phát hiện tràn dịch màng phổi, điều trị theo phác đồ ổn định và xuất viện.
Khi về nhà, cơn đau tức ngực, khó thở không thuyên giảm, bé được bệnh viện tỉnh chuyển Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám. Kết quả chẩn đoán sán lá phổi gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe. Bệnh nhi được điều trị thuốc theo phác đồ diệt sán.
Trên thế giới có hơn 40 loài sán lá phổi được báo cáo lây nhiễm cho động vật và người. Hiện, Việt Nam chỉ phát hiện được loài P. heterotremus gây bệnh trên người. Bệnh sán lá phổi được xác định lưu hành ở một số tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An.
Bác sĩ Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết sán lá phổi đẻ trứng, trứng theo đờm qua họng ra ngoài hoặc theo phân, rơi xuống nước. Ở môi trường nước, trứng phát triển và nở ra ấu trùng lông. Ấu trùng lông chui vào ốc để phát triển thành ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời ốc bơi tự do trong nước, xâm nhập vào tôm cua nước ngọt, rụng đuôi phát triển thành ấu trùng nang ở trong thịt và phủ tạng của tôm, cua.
Người (hoặc động vật) ăn phải tôm, cua có ấu trùng nang chưa được nấu chín như cua nướng, mắm cua, uống nước cua sống, nguy cơ bị ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng. Sau đó, chúng xuyên qua cơ hoành và màng phổi, vào phế quản để làm tổ ở đó. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành khoảng 5-6 tuần.
Người nhiễm sán lá phổi thường có triệu chứng ho nhiều, khạc đờm, đờm kèm máu, có thể tức ngực, khó thở. Điều này khiến bệnh nhân dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như lao phổi, viêm phổi, viêm phế quản. Sán lá phổi nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề.
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân luôn ăn chín, uống sôi, quản lý chất thải như đờm, phân hoặc dịch màng phổi, giữ vệ sinh môi trường, giải quyết mầm bệnh bằng cách phát hiện sớm và điều trị đặc hiệu.
Thúy Quỳnh