-
17h00
Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên đăng đàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra từ 14h đến 17h hôm nay và đã có 47 đại biểu đăng ký nêu chất vấn.
Các câu hỏi được nêu lên trải rộng nhiều lĩnh vực, từ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; triển vọng tham gia Hiệp định TPP không có Hoa Kỳ; các hạn chế của dự án BOT; cho đến công tác phòng, chống tham nhũng...
-
16h39
"Ở Việt Nam tỷ lệ uống bia rượu nhiều quá"
Đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nêu chất vấn: "Tầm vóc người Việt Nam thuộc nhóm thấp trên thế giới, Chính phủ có giải pháp nào cho vấn đề này?".
Thủ tướng cho biết, chỉ số phát triển con người của Việt Nam từ 115 lên 188, tức là có tăng nhưng còn khiêm tốn. Người Việt Nam nhìn chung còn thấp, đây là vấn đề phải được khắc phục.
"Phải nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề, giáo dục con người toàn diện, chăm sóc sức khoẻ, nhất là chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thể chất cho nhân dân", Thủ tướng nói.
Ông cũng cho rằng người Việt Nam cần duy trì lối sống lành mạnh, vì "tỷ lệ uống bia rượu nhiều quá".
-
16h05
Xem xét nâng lương cho cán bộ, công chức
Tiếp tục trả lời chất vấn về công tác phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng đồng tình với nhận định của đại biểu Quốc hội là tham nhũng không chỉ ở Việt Nam mà diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
"Không thể nói chỉ ở Việt Nam mới có tham nhũng. Ở Mỹ, Singapore, các nước châu Âu có tham nhũng không?", Thủ tướng nêu câu hỏi.
Theo ông, Đảng, Nhà nước Việt Nam coi nhiệm vụ chống tham nhũng rất quan trọng nên đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo. Vừa qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều việc, từ xây dựng thể chế tới điều tra, truy tố, xét xử; hiện Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần để cán bộ, công chức “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”.
Thủ tướng cũng cho biết, lần này Chính phủ tính toán để xem xét nâng lương cho cán bộ, công chức, xem đây là giải pháp cần thiết trong bối cảnh tham nhũng vặt đang diễn ra nghiêm trọng.
"Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường kiểm soát quyền lực..., đây là các việc quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng", Thủ tướng nói.
-
16h00
Tìm lối ra cho người nông dân
Trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào về việc "năm nào cũng phải giải cứu hàng nông sản", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thị trường hàng hoá theo cung - cầu nên khó tránh khỏi việc dư thừa chỗ này, chỗ khác. Ông đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hoàn thiện quy hoạch sản phẩm các vùng kinh tế trọng điểm. Chính phủ tiếp tục tổ chức sản xuất theo hướng giảm trung gian, bám sát thị trường và tổ chức tốt hệ thống tiêu thụ, phân phối...
Người đứng đầu Chính phủ đề cập đến hoạt động của Saigon Co.op bán hàng tới tận huyện, xã các vùng đồng bằng sông Cửu Long, và cho rằng đây là mô hình cần nhân rộng.
"Ngành nông nghiệp, Công Thương cần phối hợp chặt chẽ tìm lối ra cho người nông dân. Trước thực tế an toàn thực phẩm đang đặt ra nhức nhối, nếu chúng ta tổ chức lại thị trường tốt, có định hướng thông tin, đầu tư... thì việc phải giải cứu mặt hàng nông nghiệp sẽ được hạn chế", ông nói.
Ngoài ra, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp với "chìa khoá" là người nông dân. "Phải làm sao để người nông dân là chủ thể chính", ông nói và thông tin tới đây sẽ có cuộc đối thoại giữa Chính phủ và Hội nông dân để tìm ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp.
-
15h04
"Chưa hài lòng trong điều hành"
Đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách, nêu chất vấn "Thủ tướng có hài lòng về việc chỉ đạo, điều hành của mình hay không?".
"Đây là câu hỏi hóc búa", Thủ tướng nói và máy quay chiếu đến hình ảnh đại biểu Vân mỉm cười chia sẻ với người đứng đầu Chính phủ.
Theo Thủ tướng, kết quả đạt được trong năm qua với 13 chỉ tiêu hoàn thành và vượt mức Quốc hội đề ra, là nhờ sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân. Chính phủ nhận thức rằng đây mới chỉ là kết quả bước đầu; trong khi nền kinh tế Việt Nam quy mô còn nhỏ, nguồn lực còn hạn chế.
"Hỏi có hài lòng không thì tôi cho rằng chưa hài lòng. Nếu mọi cán bộ trên cả nước làm hết sức mình thì chắc chắn kết quả tốt hơn. Đại biểu hỏi lo lắng nhất là gì? Đảng đã nhận định từ lâu, đó là tụt hậu; diễn biến hoà bình; tham nhũng; tình trạng suy thoái khiến "trên nóng dưới lạnh", một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, xa dân", Thủ tướng nói.
Vì vậy, Thủ tướng nói, Chính phủ tiếp tục hành động, kiến tạo, liêm chính để phục vụ nhân dân, để không còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh"; tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nhân lực...
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng hỏi các vụ án tham nhũng, cờ bạc có bị chìm xuống không? Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng, tiêu cực, cờ gian, bạc lận...
"Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng. Hệ thống hành pháp phối hợp tư pháp cùng các cấp ngành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đúng pháp luật, kịp thời và công khai", Thủ tướng khẳng định.
-
15h00
"Nền kinh tế độc lập, tự chủ không phải là tự sản xuất mọi thứ"
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại, nêu câu hỏi về độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét đây là câu hỏi hay, cần thiết. Dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "không có gì quý hơn độc lập, tự do", Thủ tướng cho hay trong thời kỳ hội nhập thì độc lập, tự chủ kinh tế là rất cần thiết để không phụ thuộc vào quốc gia khác.
Theo lãnh đạo Chính phủ, một nền kinh tế độc lập tự chủ phải có năng lực cạnh tranh cao; công nghệ không quá lạc hậu; giải quyết được các cân đối lớn về thanh toán quốc tế, thu chi ngân sách; xuất nhập khẩu.
"Nền kinh tế độc lập, tự chủ sẽ ít tổn thương trong hội nhập, thích ứng nhanh trước các biến động quốc tế. Vì thế, Việt Nam chủ trương và triển khai đa dạng hoá mặt hàng, thị trường; không quá phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác, một mặt hàng để dễ bị tấn công", Thủ tướng nói.
Hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 230 quốc gia, vùng lãnh thổ, có 25 mặt hàng xuất khẩu hơn một tỷ USD mỗi năm; thu hút 40.000 dự án FDI với 230 tỷ USD đăng ký đầu tư...
"Độc lập, tự chủ không phải là tự sản xuất mọi thứ, cái chính là đi vào thế mạnh để phát huy hiệu quả", Thủ tướng nhấn manh.
-
14h47
TPP không có Mỹ, Việt Nam vẫn tham gia vì có nhiều lợi ích
Giải đáp vấn đề đại biểu quan tâm về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng cho hay thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Việt Nam đã tham gia TPP 12 bao gồm Mỹ. Khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Bộ chính trị đã xem xét kiến nghị của Chính phủ và đồng ý để đoàn đàm phán thảo luận với các nước TPP 11.
"Mỹ là nền kinh tế lớn, nhưng Australia, Nhật, Mehico... cũng là nền kinh tế không nhỏ mà Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác, trao đổi đầu tư, thương mại", ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh xu thế tự do thương mại, hội nhập kinh tế là không thể đảo ngược. TPP không có Mỹ, Việt Nam vẫn có lợi nên tiếp tục tham gia để giải quyết việc làm, xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, giữa Việt Nam và Mỹ đã có hiệp định thương mại song phương, đến nay vẫn tiếp tục thực hiện trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Làm rõ khái niệm Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng cho biết trước hết là chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước phát triển, không để bị động. Đồng thời, nhà nước không làm thay thị trường, người dân nhưng lĩnh vực mà xã hội đảm nhận tốt hơn.
Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; phục vụ người dân tốt nhất với tinh thần hành động, nói đi đôi với làm, thay ngay những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu.
-
14h40
"Quyết liệt chấn chỉnh hạn chế của dự án BOT"
Trả lời chất vấn về BOT, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xã hội hoá, huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng cho đất nước; trong những năm qua, lĩnh vực giao thông đã huy động được 210.000 tỷ đồng thông qua các dự ánn BOT.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ nhiều dự án BOT còn hạn chế, tồn tại; quy hoạch chưa làm tốt, triển khai ồ ạt, có những tuyến đường khiến dư luận bất bình về nơi đặt trạm, về giá phí...
Ông cho biết, Chính phủ đang rà soát để quyết liệt chấn chỉnh các hạn chế của BOT; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về BOT để triển khai tốt hơn trong thời gian tới. Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải kiểm soát được tổng mức đầu tư, giá phí các dự án BOT; tổ chức đấu thầu công khai để nhiều nhà đầu tư tham gia.
-
14h38
"Tôi đề nghị doanh nghiệp tư nhân nói không với việc đưa hối lộ"
Về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng cho rằng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật là rất cần thiết; cùng với đó là hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí, tránh kiểm tra chồng chéo...
"Tôi đề nghị các doanh nghiệp tư nhân nói không với việc đưa hối lộ cho các cấp, các ngành. Chính phủ và các cấp chính quyền cần tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển, cụ thể như cho tư nhân tham gia cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, hợp tác liên kết...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng cần chuyển những hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, khoảng 3,5-4 triệu hộ lên kinh tế tư nhân nhỏ và vừa.
Theo ông, doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển bền vững phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, nâng cao năng lực quản trị để làm sao không lâm vào cảnh sớm rời thị trường.
"Hiện Chính phủ đã có chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân", Thủ tướng nói.
-
14h36
Chính phủ nỗ lực giảm khoảng cách giàu - nghèo
Trả lời câu hỏi về chênh lệch giàu - nghèo trong xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nhưng thu nhập ở nông thôn chưa bằng một nửa so với thành thị, vùng núi chỉ bằng 44% so với đồng bằng. "Chính sách an sinh xã hội phải được thực hiện liên tục", ông nói.
Theo Thủ tướng, để thu hẹp chênh lệch nêu trên thì phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, trước tiên là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh để mang lại lợi ích cho toàn xã hội; đào tạo việc làm cho người dân ở nông thôn, miền núi; điều tiết thu nhập qua thuế tốt hơn; hỗ trợ tín dụng cho người nghèo mạnh mẽ hơn...
"Chính phủ cũng tiếp tục phát triển dịch vụ y tế, giáo dục, triển khai chính sách cho người nghèo, người có công...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng, mặt hàng rau củ quả là thế mạnh nông nghiệp Việt Nam, nếu phát triển tốt để xuất khẩu thì sẽ giúp giảm khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị - nông thôn, miền núi.