-
10h25
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 59 đại biểu đã đặt câu hỏi, 27 ý kiến tranh luận, 24 đại biểu có câu hỏi nhưng không được chất vấn tại hội trưởng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ trả lời bằng văn bản.
-
9h20
Đất bị thu hồi làm dự án rồi để hoang hoá
Chất vấn về thu hồi đất của dân làm dự án rồi lại để hoang hoá, đại biểu Dương Minh Ánh hỏi "Bộ trưởng có biết tình trạng này, giải pháp là gì và mất thời gian bao lâu giải quyết?".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận hiện tượng dự án treo ở các địa phương xảy ra từ trước khi có Luật Đất đai 2013, nguyên nhân xác định do năng lực nhà đầu tư, thiếu chế tài xử lý. Hiện Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ chế tài, năng lực, cơ chế tài chính để ràng buộc nhà đầu tư. Tuy nhiên hiện tượng này vẫn chưa được xử lý vì còn chồng chéo giữa các quy định pháp luật.
Ông Hà giải thích, theo quy định Luật Đất đai 2013, dự án không thực hiện đúng tiến độ sau 24 tháng sẽ bị thu hồi, và trường hợp nhất định có thể cho phép kéo dài thêm 24 tháng nữa. Trong khi đó thời hạn này quy định tại Luật Đầu tư là 12 tháng. Nói quan điểm cá nhân, ông Hà đồng tình nên thu hồi dự án treo, chậm tiến độ nếu sau 12 tháng doanh nghiệp không triển khai đầu tư, thực hiện.
"Cần xem xét điều chỉnh lại điểm vênh giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai 2013, làm rõ nội hàm quá thời hạn 12 tháng thì thu hồi dự án treo ra sao", Bộ trưởng Tài nguyên nêu.
Ông cũng nói thêm, Luật Đất đai hiện nay cho phép thu hồi song không yêu cầu nhà đầu tư phải bồi hoàn và đây là bất cập. Bởi thực tế, nhiều dự án đã được chủ đầu tư dùng để thế chấp đất, vay vốn ngân hàng nên khi thu hồi dự án treo này sẽ gặp vướng mắc với Luật Đất đai. "Đây là vấn đề pháp lý, phải xem xét sửa luật để tạo điều kiện cho ngân hàng coi đất thế chấp là tài sản và họ được bán đấu giá để thu hồi tài sản cho Nhà nước", ông Hà đề nghị.
Cũng liên quan tới quản lý đất đai, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề cập tới bất cập trong đền bù, chuyển nhượng đất ở một số địa phương và đề nghị được biết trách nhiệm xử lý thuộc về ai?
Trả lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận trách nhiệm thuộc ngành tài nguyên môi trường khi không làm tốt công tác dự báo. Quy định về đền bù, tái định cư đã được quy định rõ trong luật, tuy nhiên theo ông Hà, ở đây có trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai luật; không làm tốt quy hoạch quỹ đất, đất tái định cư...
Ông khẳng định, Bộ Tài nguyên môi trường sẽ phối hợp với các bộ thực hiện tốt hơn công tác rà soát, kiểm tra chuyển nhượng đất đai, song "cũng mong các địa phương cho biết lý do vì sao khó khăn để chúng tôi tháo gỡ".
-
9h00
"Cần nói không với nhập khẩu phế liệu"
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng lo lắng việc nhập khẩu phế liệu về Việt Nam khá lớn, 3 tháng nhập hơn một triệu tấn sắt phế liệu. "Nhập như vậy nguy cơ biến nước ta thành bãi rác công nghiệp, phóng xạ", ông Dũng lo lắng.
Trả lời việc này, Bộ trưởng Tài nguyên cho hay, việc nói không với nhập khẩu phế liệu đã được nhiều quốc gia áp dụng. Bối cảnh hiện nay Việt Nam không đủ năng lực công nghệ xử lý chất thải thì việc nói không với nhập khẩu phế liệu, chất thải là cần thiết", ông Hà nói.
Bộ trưởng Hà nói thêm, với phế liệu sắt thép thì có thể kiểm soát được vấn đề môi trường. Tuy nhiên nếu các nhà máy xây dựng tập trung ở khu đông dân cư cũng có thể phát sinh vấn đề ô nhiễm. Vì thế, ông cho rằng việc cấp phép, bố trí các dự án sản xuất, luyện thép phải thực hiện đúng quy hoạch, đảm bảo khoảng cách bán kính an toàn với người dân.
Về tổng thể, chúng ta sẽ rà soát lại toàn bộ danh mục nhập khẩu phế liệu, chất thải.
-
8h36
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phủ nhận thông tin người nước ngoài mua đất ở Việt Nam
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phùng Đức Tiến đặt vấn đề giao dịch mua bán đất đai phức tạp tại 3 nơi sắp thành đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc), nhất là có thông tin người nước ngoài đã mua nhà khu vực này.
"Bộ trưởng cho biết thực trạng để đại biểu yên tâm trước khi bấm nút thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt", ông Tiến nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói, thực tế theo quy định hiện hành thì người nước ngoài không có quyền mua đất, chỉ có quyền mua chung cư ở đô thị.
"Chính phủ chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, qua đó chúng tôi chưa phát hiện người nước ngoài mua đất, họ chỉ mua các căn hộ chung cư ở các đô thị", ông Hà khẳng định.
Trưởng ngành tài nguyên cũng mong "đại biểu thấy ở đâu người nước ngoài mua đất thì báo cho Bộ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, điều tra xem bằng cách nào họ mua được, vì như vậy là trái pháp luật Việt Nam", ông Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn về lo ngại người nước ngoài mua đất
Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được Quốc hội thảo luận ở hội trường lần cuối vào ngày 23/5, dự kiến biểu quyết thông qua vào 15/6.
Theo quy định của dự thảo Luật, "căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng quyết định".
-
8h35
Bờ biển bị "tư nhân hoá", dân không có đường xuống biển?
Ông Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi việc bờ sông, bờ biển bị tư nhân hoá. "Doanh nghiệp, nhà đầu tư lấn chiếm đường bờ biển, bờ sông vừa sai luật, bất công với người dân vì dân không có lối xuống biển tắm", ông Nghĩa phản ánh.
Cùng mạch chất vấn này, ông Phan Văn Hoà cho rằng, hiện người dân "không có lối xuống biển tắm và lo trong tương lai đặc khu Phú Quốc sẽ gặp tình cảnh như vậy".
Về vấn đề cần quy định quản lý hành lang bờ biển, bờ sông, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện đã có luật Tài nguyên biển, Luật biển, trong đó quy định rõ hành lang bờ biển, sông, nên không cần thêm quy định mà chủ cần thực hiện đúng kỷ cương, kỷ luật.
“Tại sao Đà Nẵng làm được, vì dựa trên cơ sở luật đã có”, ông Hà dẫn thực tế. Nhưng lãnh đạo Bộ Tài nguyên cũng cho rằng, với những trường hợp thực hiện theo quy định của Nhà nước trước khi có Luật thì cần được xem xét nhiều yếu tố; trường hợp từ khi có luật thì phải thực hiện nghiêm theo luật.
Ông cũng khẳng định theo quy định hiện hành, toàn dân đều có quyền hưởng môi trường biển. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền của dân cần thiết sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
-
8h15
Chưa có công nghệ xử lý rác thải phù hợp với Việt Nam
Trả lời chất vấn về xử lý chất thải rắn, ông Trần Hồng Hà cho biết, vừa qua Bộ Tài nguyên Môi trường đã tham mưu lãnh đạo Chính phủ ban hành chiến lược, quy hoạch và tổ chức thanh tra. Bộ Xây dựng được phân công phê duyệt thiết kế các nhà máy xử lý rác, phân cấp một phần cho địa phương. Bộ Khoa học & công nghệ chịu trách nhiệm về công nghệ xử lý.
"Chúng ta đang có khoảng trống là chưa hướng dẫn được công nghệ thích hợp. Thời gian qua sự phối hợp giữa các bộ không tốt. Nếu để một bộ làm sẽ không đủ năng lực xử lý, cần có sự phối hợp tốt hơn", ông Hà thừa nhận.
Bộ trưởng Hà cũng cho hay, rác thải Việt Nam khác với thế giới. Nhiều công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến sang Việt Nam chạy 3-4 tháng không đáp ứng nhu cầu. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên, với thành phần rác hiện nay thì công nghệ đó là chưa phù hợp. Trong khi đó, công nghệ xử lý rác thải trong nước cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vận hành, chỉ tiêu kỹ thuật, môi trường.
"Nhiều nhà máy rác đưa vào đầu tư kinh phí lớn song thực tế không vận hành được, lãng phí. Chúng ta phải thống nhất khi ký hợp đồng với các công ty, ngoài thoả thuận về giá thì doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường; nếu không đáp ứng thì buộc phải đóng cửa số nhà máy này", ông Hà nói.
Phần trả lời của Bộ trưởng Hà chưa làm hài lòng đại biểu. Ông Trương Trọng Nghĩa tranh luận, doanh nghiệp trong nước cho biết có công nghệ xử lý rác tiên tiến không cần phân loại, không tốn công sức, thậm chí có thể sản xuất điện từ rác,... nhưng lại gặp sự cạnh tranh của công ty nước ngoài trong khi công nghệ của nước ngoài không bằng.
Bộ trưởng Hà thừa nhận, việc xử lý rác thải đang gặp vướng mắc. 60% rác thải ở địa phương là rác thải hữu cơ có thể xử lý trong khuôn viên hộ gia đình. Rơm rạ có thể xử lý thành phân bón cho đất.Tuy nhiên, rác thải ở Việt Nam không chỉ là rác hữu cơ, còn có pin, thuỷ ngân,... nên cần công nghệ xử lý phù hơp.
Ông cho biết đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ về nguồn lực để làm sao "sớm có công nghệ xử lý rác thải Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn, kỹ thuật".