-
08h43
Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế tê liệt
Từ 5h, đoạn qua khu vực Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) ngập nặng, nước tràn qua quốc lộ 1A, sâu gần một mét. CSGT phải chốt chặn ở xã Lộc Thủy và thị trấn Phú Lộc không cho phương tiện qua lại. Hàng trăm xe kẹt cứng kéo dài nhiều km.
Hành khách phải xuống đường kiếm đồ ăn nhưng cũng rất khó khăn do mưa lớn. Nhiều hành khách có việc gấp phải thuê tăng bo bằng xe ôm đi theo quốc lộ 49B để về thành phố Huế.
Đại úy Phan Bảo Trung, Trạm trưởng CSGT Phú Lộc cho biết, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, trạm CSGT Phú Lộc đã đặt rào chắn, cấm phương tiện qua lại. Hàng trăm ôtô nối đuôi nhau nằm trên quốc lộ 1A chờ nước rút để thông đường.
Hiện nước lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế lên nhanh, một số vùng thấp trũng như huyện Quảng Điền, Phú Vang đã ngập hơn một mét, chia cắt khu dân cư.
Hành khách phải xuống đường kiếm đồ ăn nhưng cũng rất khó khăn do mưa lớn. Nhiều hành khách có việc gấp phải thuê tăng bo bằng xe ôm đi theo quốc lộ 49B để về thành phố Huế.
-
09h00
Cố đô Huế ngập sâu
Mưa lớn khiến các tuyến phố khu vực nội thị TP Huế như Bà Triệu, Lê Quy Đôn, Nguyễn Lộ Trạch, Lê Hồng Phong, Hùng Vương… bị ngập 0,5-0,7 m. Đường Tố Hữu, đoạn qua khu vực gần cầu Phát Lát, ngập sâu chừng 1,2 m, nước chảy siết ở các cống.
Các tuyến đường liên xã dọc theo sông Ô Lâu, sông Bồ của Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà cũng đang ngập khoảng một mét.
Trong 12 tiếng, từ 16h ngày 4/11 đến 4h sáng nay, Thừa Thiên Huế mưa lớn dồn dập, tổng lượng mưa khoảng 100-400 mm. Trong đó các trạm như Khe Tre 394 mm, Bạch Mã 684 mm, Thượng Nhật 346 mm, A Lưới 326 m. Nước sông Hương đã lên báo động 3 - mức nguy hiểm nhất.
-
9h20
Thành phố Hội An (Quảng Nam) nhiều nơi ngập một mét
Quảng Nam từ tối qua đến nay mưa to liên tục, cộng với hồ thủy điện xả lũ khiến mực nước các sông dâng cao. Sáng nay, nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa vượt báo động 3 là 0,47 m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu trên báo động 2 là 0,28 m; tại Hội An trên báo động 2 là 0,22 m.
Tại thành phố Hội An, nước sông tràn bờ khiến đường Bạch Đằng ngập trên một mét, đường Nguyễn Thái Học và một số tuyến đường phố cổ ngập vài chục cm. Người dân Hội An đang cấp tập di chuyển đồ đạc lên cao tránh lũ.
Tại thị trấn Ái Nghĩa, rạng sáng nay nước đã tràn vào thôn xóm, đường sá có nơi ngập hơn một mét.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có công văn yêu cầu các thủy điện điều tiết giảm lũ vào đêm 4/11. Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 được lệnh vận hành giảm lũ với lưu lượng xả tràn và chạy máy thấp hơn 475 m3/s. Mực nước hồ lớn nhất cho phép là 222,5m. Khi đạt mức này, thủy điện được xả qua tràn và chạy máy bằng lưu lượng nước về hồ.
Mực nước lớn nhất cho phép ở thủy điện Sông Tranh 2 là 175 m, lưu lượng nước về hồ dự báo 1.450-2.500 m3/s. Thủy điện này cũng buộc phải điều tiết giảm lũ bằng cách xả thấp hơn lưu lượng nước về hồ, đến cao trình cho phép thì xả bằng lưu lượng nước về hồ.
Trước đó thủy điện Sông Bung 4 xả lũ về sông Vu Gia với lưu lượng 4.270 m3/s; thủy điện Sông Tranh 2 xả về sông Thu Bồn 2.198 m3/s; thủy điện Đăk Mi 4 xả qua tràn 3.349 m3/s.
-
9h25
Nước sông ở Đà Nẵng tiếp tục dâng cao
Tại Đà Nẵng, suốt đêm qua và sáng nay có mưa lớn, kèm gió. Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, mưa lớn cộng với thủy điện ở Quảng Nam xả lũ đã khiến mực nước tại các sông tiếp tục dâng cao.
Nhiều nhà dân ven sông Túy Loan, Cu Đê, sông Yên và một số xã của huyện Hòa Vang như Hòa Tiến, Hòa Khương đã bị ngập. Ở nội thành, một số tuyến đường ở quận Liên Chiểu đã chìm trong nước.
Ông Hoàng Thanh Hòa - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, cho biết đang cập nhật tình hình để tham mưu lãnh đạo thành phố lên phương án ứng phó cụ thể.
Hai ngày qua, nhiều cây xanh và cổng chào, pano, áp phích quảng bá về APEC tại Đà Nẵng bị gió làm hư hại. Hàng trăm nhân viên cây xanh đang đi chống lại những cây ngã đổ, cắt tỉa những cây bị gãy. Cổng chào lớn trên đường Võ Nguyên Giáp đã được dọn dẹp.
Tối qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã gửi thư kêu gọi công chức, các lực lượng vũ trang TP Đà Nẵng ra quân dọn dẹp vệ sinh khi trời tạnh mưa gió, để kịp đón các đoàn đại biểu dự APEC (từ ngày 6 đến 11/11).
-
9h30
Nha Trang ngổn ngang cây ngã sau bão
Tại Khánh Hòa, Chủ tịch tỉnh Lê Đức Vinh cho biết, bão khiến 16 người tử vong, gần 700 ngôi nhà đổ sập hoàn toàn, khoảng 30.000 nhà tốc mái và hàng nghìn hecta hoa màu bị phá huỷ; 112 tàu thuyền hư hại.
“Địa phương đang hỗ trợ người dân xử lý, khắc phục hậu quả bão”, ông Vinh nói.
Sáng 5/11, Khánh Hòa nắng ráo. Tại Nha Trang, nhiều tuyến phố còn ngổn ngang cây ngã, mái tôn, rác. Mức nước tại sông Cái 5,94 m dưới mức báo động một; sông Dinh ở Ninh Hòa là 5,82 m trên mức báo động 3 và đang có xu hướng giảm dần...
-
9h35
Đường sắt tê liệt đoạn qua đèo Cả
Từ sáng qua, đèo Cả giữa Phú Yên và Khánh Hòa bị sạt lở, đường sắt tê liệt.
Ngành đường sắt điều tàu từ Sài Gòn ra Khánh Hòa, đưa ôtô ra Phú Yên đón khách của hai tàu bị kẹt vào Khánh Hòa tiếp tục hành trình.
Lúc 11h30, ông Trân Hữu Thế - Phó chủ tịch tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh đã cho hơn 20 xe hỗ trợ ngành đường sắt đưa khách từ Phú Yên qua đèo Cả sang huyện Đại Lãnh, Khánh Hòa. Hiện ngành ngành đường sắt đang điều động nhân sự khắc phục. Ngoài đèo Cả, đường sắt qua Phú Yên bị ngập, sạt lở làm tê liệt ở huyện Đồng Xuân, Tuy An.
-
10h00
4 tỉnh đối diện nguy cơ ngập lụt kéo dài, sạt lở đất ở miền núi
Theo cơ quan khí tượng, từ 19h ngày 4/11 đến 7h hôm nay, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to, riêng Thừa Thiên Huế mưa đặc biệt to. Một số trạm ở Thừa Thiên Huế có lượng mưa lớn như: A Lưới 446 mm, Nam Đồng 354 mm, Thượng Nhật 212 mm. Trà My (Quảng Nam), Ba Tơ (Quảng Ngãi) trên 200 mm.
Trong 6-12 giờ tới, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định tiếp tục có mưa rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh trên, trong đó nguy hiểm nhất là Phú Lộc, Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Hiệp Đức, Núi Thành, Phước Sơn (Quảng Nam); Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Bình Sơn (Quảng Ngãi) và các huyện Hoài Nhơn, An Lão (Bình Định).
Mưa sẽ lan ra cả Quảng Trị, Hà Tĩnh trong hôm nay. Dự báo mưa to sẽ kéo dài đến ngày 7/11.
Mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam và khu vực nam Tây Nguyên đang lên nhanh; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định và khu vực bắc Tây Nguyên dao động ở mức đỉnh; các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa đang xuống.
-
10h05
Huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bị nước lũ bao vây
Sáng nay, các tuyến đường vào thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc bị nước lũ vây quanh. Nhà chức trách cắt cử lực lượng lập chắn barie, cấm phương tiện giao thông qua lại.
Đường 609B từ Ái Nghĩa đi Đà Nẵng ngập 1,5 m, hàng loạt xe máy, người đi bộ không thể di chuyển do nước chảy xiết.
Ông Trần Ngọc Long, công an viên xã Đại Hiệp cho biết: "Rạng sáng nay nước lũ đổ về khiến các tuyến đường ngập sâu, có chỗ hơn một mét, nước bắt đầu tràn vào nhiều nhà dân trên địa bàn".
Đến 11h, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó chủ tịch huyện Đại Lộc, cho biết 15.000 hộ dân trên địa bàn bị ngập, trong đó 4.000 nhà ngập sâu từ một mét.
Nước lũ đang ở mực báo động ba, trên 50 cm. Huyện Đại Lộc đã sơ tán 32 hộ dân xã Đại Phong và bảy hộ xã Đại Cường. “Tất cả các tuyến đường huyện lộ đã bị ngập hoàn toàn, thủy điện vẫn chưa ngưng xả lũ và nước đang dâng lên”, ông Mẫn nói.
-
10h15
Khách du lịch "chạy" nước lũ ở Hội An
Đến 10h ngày 5/11, nước lũ đã chia cắt phố cổ Hội An và người dân di chuyển bằng thuyền. Chính quyền địa phương cấm các hoạt động chèo thuyền chở du khách đi dạo trong khu phố cổ.
"Từ 21h đêm qua, nước bắt đầu dâng lên ở khu vực phố cổ. Nặng nhất là đường Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng.... Hiện nhiều nơi nước ngập gần 0,5 mét, có điểm ngập đến 1,5 m. Khách du lịch được khách sạn di dời bằng thuyền, họ chuyển đến các khách sạn vùng cao hơn ở đường Tôn Đức Thắng, Lý Thái tổ, Trần Cao Vân", chị Đinh Thị Xuân Hòa (chủ một khách sạn ở Hội An) cho biết.
Tại biển Cửa Đại, nhiều đoạn bị sóng biển đánh gây sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền có nơi đến khoảng 20 m. Lãnh đạo TP Hội An cho biết, các lực lượng sẵn sàng tham gia khắc phục, hạn chế việc sạt lở, xâm thực ở bờ biển, tuy nhiên hiện sóng còn khá to nên công việc này chưa triển khai được.
-
11h30
Đường Hồ Chí Minh qua Quảng Trị ngập gần một mét
Ông Lê Đắc Quỳ - Chủ tịch UBND huyện Đăkrông (Quảng Trị), cho hay lượng mưa từ tối qua đến sáng nay ở huyện này lên mức 370 mm. Hiện một số xã như A Vao, Ba Nang... bị cô lập vì cầu tràn ngập sâu từ 0,5 đến 1,5 mét. Trong đó, đường vào xã Ba Nang bị sạt lở khoảng 500 m3 khiến xã này bị cô lập hoàn toàn.
Ngoài ra, Km24 đường Hồ Chí Minh nhánh tây bị ngập 0,7 mét, khiến một số phương tiện bị ùn ứ. Người dân địa phương tranh thủ mang thuyền ra để vận chuyển người và xe máy với giá 50.000 đồng mỗi lượt.
Một số người dân địa phương cho hay, nhiều đoạn đường Hồ Chí Minh qua Quảng Trị bị sạt lở đất, đá; nước đổ mạnh trên đồi xuống rất nguy hiểm.