-
11h40
Ông Phong (phải) sau buổi làm việc. Ảnh: Trần Duy.
Trước khi kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói sẽ tiếp thu ý kiến của các hộ dân, dù có một số người "quá bức xúc".
Liên quan khu tái định cư 160 ha, ông Phong cho biết: "Từ sáng tới giờ có rất nhiều ý kiến bức xúc. Hiện, Chính phủ đã thành lập tổ công tác để làm rõ vấn đề này, kết quả thế nào sẽ thông báo đến cô bác".
Người dân chưa được làm việc với lãnh đạo thành phố vây quanh ôtô của tổ công tác, cố nói với theo các bức xúc. Ảnh: Hữu Công.
Về việc một số hộ dân đề nghị thành lập đoàn Thanh tra Chính phủ để thanh tra toàn diện lại dự án; hay 5 khu phố (khu phố 1 phường Bình An; khu phố 5, 6 phường An Khánh; khu phố 1, 2 phường Bình Khánh) người dân cho là nằm ngoài ranh quy hoạch, ông Phong hứa sẽ báo cáo lại với Chính phủ.
"Chúng tôi xác định rất rõ trách nhiệm của mình là giải quyết chuyện Thủ Thiêm trên cơ sở đảm bảo lợi ích cho người dân. Còn ai sai phạm phải xử lý theo pháp luật", người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh.
Người dân nắm tay, che nắng cho ông Nguyễn Hồng Điệp sau buổi làm việc, bày tỏ sự tin tưởng vào Chính phủ cùng giải quyết bức xúc liên quan dự án Thủ Thiêm. Ảnh: Hữu Khoa.
-
11h20
Sau khi lắng nghe tất cả ý kiến, ông Nguyễn Hồng Điệp (Trưởng ban tiếp dân - Thanh tra Chính phủ) nói rằng, Chính phủ rất quan tâm vấn đề ở Thủ Thiêm. Sau 3 buổi tiếp xúc với các hộ dân, ông ghi nhận bà con có ý kiến là "không chỉ 4,3 ha Khu phố 1 phường Bình An mà 5 phường khác cũng nằm ngoài ranh quy hoạch", yêu cầu được đền bù thoả đáng. Nếu thành phố xác định họ trong ranh quy hoạch phải chỉ rõ 160 ha tái định cư ở đâu như Quyết định 367 của Thủ tướng.
"Sự việc đã diễn ra nhiều năm, rất khó sửa được như cũ nên rất mong bà con hợp tác. Khuyết điểm của chính quyền mà bà con tha thứ được thì mong bà con bỏ qua, hợp tác cùng chính quyền để giải quyết câu chuyện Thủ Thiêm", ông Điệp nhắn gửi.
Còn về phía TP HCM, ông Điệp đề nghị: "Cố gắng làm sao giải quyết cơ bản quyền lợi cho dân trước Tết Âm lịch, nhất là ổn định nơi ở, đảm bảo cuộc sống tối thiểu".
-
11h00
Hát một bài về tương lai tươi sáng của vùng đất Thủ Thiêm trước khi phát biểu, bà Lê Linh ở phường An Lợi Đông cho biết, người dân có quyền hy vọng ở một chính sách đô thị hóa đem lại cho họ cuộc sống đẩy đủ hơn.
Theo bà, 100% người Thủ Thiêm đồng thuận việc xây dựng khu đô thị mới chứ không phải đồng thuận với chính sách bồi thường giải tỏa. Lãnh đạo thành phố phải hiểu điều này để từ đó có cách giải quyết đúng.
Bà Linh hát khi trình bày quan điểm. Video: Trần Huy.
"10 nội dung mà thành phố đề xuất có 3 điểm cần suy nghĩ, hình như thành phố mới chỉ nói đến đất ở mà bỏ qua phần đất nông nghiệp, đất xen cài khu dân cư nằm trong địa giới hành chính phường, vì vậy cần phải nghiên cứu để hỗ trợ cho người dân", bà Linh là người duy nhất đề cập.
Bà cho rằng, thành phố nên chú ý trên một mảnh đất có thể có nhiều thế hệ gia đình vì chia cho con cái. Vì thế khi giải quyết chính quyền không được xác định là "một hộ khẩu" để đền một suất tái định cư - rất bất hợp lý.
Ngoài ra, thành phố chỉ nói đến mốc thời gian ngày 10/5/2002 nhưng có rất nhiều nhà làm sau thời điểm này và trước 1/7/2004 (Luật đất đai 2003 có hiệu lực) thì phải công nhận là đất ở. Chính sách mới chưa đề cập các trường hợp này là thiếu sót.
-
10h30
Ông Đảng (ngồi xe lăn) trước buổi làm việc.
Ông Nguyễn Đình Đảng (ngụ phường An Khánh) thẳng thẳn nói không đồng tình với thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ vì "không toàn diện". UBND TP HCM thời điểm đó đã tự ý thay đổi diện tích, điều chỉnh ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thanh tra Chính phủ không đưa ra được những bằng chứng thể hiện 5 khu phố ở trong ranh hay ngoài ranh, trong khi người dân có bằng chứng, đủ căn cứ pháp lý, để chứng minh các khu vực này nằm ngoài ranh quy hoạch.
"160 ha đất tái định cư ban đầu đang nằm ở đâu, đề nghị TP HCM phải nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết, trả lại đất của 5 khu phố cho người dân. Tôi nói thật là không có bà con nào ủng hộ chính sách bồi thường tái định cư ở Thủ Thiêm nên lãnh đạo thành phố đừng nói là được sự ủng hộ của bà con nên đã giải tỏa được hơn 99%", ông Đảng nói.
Hướng mắt lên về tổ công tác, ông Đảng xưng "anh", gọi Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong bằng "em" và đề nghị phải khởi tố hình sự những lãnh đạo thành phố đã gây ra sai phạm.
-
10h00
Dù các hộ dân không đề cập đến các nội dung TP HCM đưa ra lấy ý kiến, ông Nguyễn Thành Phong và tổ công tác vẫn chăm chú lắng nghe.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ (ngụ phường An Lợi Đông) cho biết nhà bị cưỡng chế năm 2009 và không hề được bồi thường một đồng nào vì bị cho là "nhà không số".
"Nhà tôi là đất thổ cư, diện tích 540 m2 và có đóng thuế hàng năm. Chúng tôi có bằng khen gia đình văn hóa, mẹ liệt sĩ... mà đến khi giải tỏa thì bảo "nhà không số" rồi không bồi thường. Chính việc cưỡng chế trái luật này đã đẩy gia đình tôi vào con đường cùng, không còn nhà để ở, con cái không được đi học", bà Mỹ khóc và đề nghị Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phải giải quyết để trả lại công bằng cho gia đình bà.
Ông Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Hồng Điệp (Trưởng ban tiếp dân - Thanh tra Chính phủ) tại buổi làm việc. Ảnh chụp qua màn hình.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân (ngụ phường An Khánh, hiện ở chung cư Thạnh Mỹ Lợi) nói về khu tái định cư 160 ha đã được phê duyệt, cho rằng "giấc mơ của Thủ tướng về cuộc sống an cư lạc nghiệp cho người dân Thủ Thiêm đã không thành hiện thực" vì lãnh đạo thành phố nhiệm kỳ trước đã làm sai.
"Tôi khiếu nại từ khi tóc còn xanh, giờ đã trắng hết rồi. Nếu các đồng chí không giải quyết nhanh, trả lại quyền lợi cho người dân thì khi tôi ra đi tôi vẫn oán trách các đồng chí lắm. Tôi không cần xử lý người gây ra những tội ác này, chính cuộc sống sẽ dạy họ và họ phải nhận hậu quả với những gì đã làm", ông Xuân nói giọng gay gắt. "Nếu lãnh đạo thành phố thật sự mong muốn giải quyết, chịu hiểu và đừng né tránh thì chắc chắn sẽ làm được vì người dân sẵn sàng hợp tác", ông nói.
Còn bà Lê Thị Bạch Tuyết (trước đây ở phường Thủ Thiêm - trong ranh quy hoạch) đề nghị thành phố "trả lại 160 ha tái định cư" cho người dân, để gia đình bà và hàng nghìn người khác có đất xây nhà, không phải sống tạm bợ, lang thang.
"Nhà tôi có 56 m thôi nhưng họ vẫn ép xuống còn 36 m. Tôi không đồng ý nhưng vẫn bị cưỡng chế rồi gửi tiền bồi thường vào ngân hàng, bồi thường và hỗ trợ cả 3 đợt chỉ được 18 triệu đồng một m2 - không đủ tiền để mua căn hộ mới. Khu đất của tôi bây giờ người ta xây nhà, bán 350 triệu đồng/m2. Vậy có công bằng hay không", bà Tuyết đặt câu hỏi.
Nhiều người muốn vào trong nhưng không được phép. Ảnh: Hữu Khoa.
Bên ngoài hội trường, nhiều người dân vẫn đề nghị lực lượng kiểm soát an ninh cho vào trong sảnh theo dõi buổi làm việc qua màn hình. Không được chấp thuận, một số người trèo qua hàng rào, la hét cho rằng ban tổ chức làm trái với thông báo trước đó.
-
9h00
Người dân Thủ Thiêm không quan tâm 10 vấn đề thành phố xin ý kiến
Mở đầu phần phát biểu ý kiến, không đề cập 10 nội dung thành phố đề xuất hỗ trợ bổ sung, ông Hoàng Thăng Long ngụ đường Lương Định Của (phường An Khánh) khẳng định đất của mình là một trong những trường hợp ở ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị cưỡng chế trái luật.
Cho rằng thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ chỉ nêu được một phần nhỏ "mảng tối trong nhiều mảng tối" tại dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, ông Long nói các nội dung này chỉ mang tính chất nội bộ, không đủ tính chất pháp lý giải quyết khiếu nại, tố cáo.
"Nó cũng không phải là kết luận thanh tra giải quyết các vấn đề mà người dân Thủ Thiêm hàng chục năm qua kiên trì đi khiếu nại", ông Long nhấn mạnh và kiến nghị Thủ tướng lập đoàn Thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện các nội dung người dân phản ánh. "Nhất là vấn đề toàn bộ cả 5 khu phố ở 3 phường đều nằm ngoài ranh quy hoạc chứ không phải chỉ có 4,3 ha ở Khu phố 1, phường Bình An".
Bà Trần Thị Mỹ (77 tuổi, ngụ phường An Khánh) giới thiệu mình có 14 năm thâm niên khiếu nại và là một trong những thành viên của "Làng Thủ Thiêm giữa Hà Nội" cho biết, sau từng ấy năm chờ đợi, thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ đã đề cập đến một số vấn đề.
"Chúng tôi thấy rằng đây cũng là sự dũng cảm vì lần đầu tiên chỉ ra một số sai phạm và thành phố cũng đã thừa nhận sai trước dân. Nhưng chúng tôi không mong đợi thông báo này mà là một kết luận toàn diện về tất cả các vấn đề người dân khiếu nại", bà Mỹ nói.
Trước buổi làm việc, bà Mỹ được một số hộ dân (đã làm việc lần trước với lãnh đạo thành phố) gửi gắm các kiến nghị. Ảnh: Hữu Khoa.
Theo bà Mỹ, sau kết luận thanh tra, người dân sẵn sàng góp ý giải quyết nhưng "có vẻ lãnh đạo thành phố không sẵn sàng". Đất tái định cư của dân (khu 160 ha) đã bị giao cho doanh nghiệp nên UBND TP HCM thời điểm đó đã chỉ đạo tìm kiếm 160 ha đất ở nhiều nơi thế vào, đẩy người dân phải tứ tán nhiều nơi tận Rạch Chiếc, Cát Lái cách xa trung tâm Thủ Thiêm đến 15 km.
"Ai là lãnh đạo TP HCM thời kỳ đó chịu trách nhiệm về việc này?", bà Mỹ chất vấn và cho rằng thành phố đừng bao giờ nhắc đến tỷ lệ hơn 99% diện tích đã đã được giải tỏa, di dời để xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm nữa, vì rất nhiều trường hợp đã bị ép buộc và phải ngậm ngùi ra đi chứ không hề tự nguyện.
Bên ngoài hội trường, rất đông người dân ngồi bệt dưới đất. Một số người đến cổng rào an ninh yêu cầu được vào nghe ý kiến của lãnh đạo TP HCM qua màn hình như thông báo trước đó nhưng không được chấp nhận.
-
8h30
Sau khi Chánh Thanh tra thành phố công bố nội dung buổi làm việc, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đang thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, là tập trung vào hai nội dung: lắng nghe ý kiến người dân; hoàn chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường.
Liên quan đến khu vực tái định cư 160 ha, Thanh tra Chính phủ đã lập tổ công tác cùng nhiều bộ ngành đang kiểm tra. Về chính sách bồi thường tái định cư, thành phố đã gặp bà con ở phường Bình An và Bình Khánh (khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch) để trao đổi.
"Hôm nay có 10 vấn đề xin ý kiến các cô bác", ông Phong nói và yêu cầu Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng thông báo ngắn gọn các nội dung thành phố xem xét hỗ trợ cho người dân.
Phía ngoài hội trường, người dân căng nhiều bản đồ, cho rằng đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm nhưng vẫn bị thành phố cưỡng chế thu hồi. Ảnh: Hữu Khoa.
Thay mặt tổ công tác, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng đưa ra 10 trường hợp nhà đất (trong tổng số 2.000 hộ) sẽ được thành phố hỗ trợ bổ sung:
1. Điều chỉnh thời điểm để tính bồi thường thiệt hại cho người dân Thủ Thiêm, không tính thời điểm Nghị định 34 có hiệu lực nữa, mà tính theo thời điểm thu hồi đất.
2. Bồi thường hỗ trợ đối với đất do dân tự khai phá, canh tác. Mức hỗ trợ về chi phí bồi thường và tái định cư, đưa về thời điểm 1997.
3. Hỗ trợ các trường hợp có nguồn gốc lấn chiếm, sông, kênh rạch từ năm 1993 đến 1998.
4. Hỗ trợ đối với đất lấn chiếm sông, kênh rạch từ có nguồn gốc từ 1998-2002.
5. Xem xét chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp thuê đất do Nhà nước quản lý để kinh doanh.
6. Các trường hợp thuê đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, thời điểm 15/10/1993 đến năm 2002.
7. Các trường hợp nhà đất ở bị giải tỏa một phần.
8. Các trường hợp đã chuyển thành đất ở nhưng không trực tiếp ở, làm kho, chuồng trại... Đất nông nghiệp không dùng để ở cũng được xem xét điều chỉnh.
9. Điều chỉnh đơn giá đất nông nghiệp xen trong khu đất ở.
10. Đất tự chuyển đất nông nghiệp thành đất ở trước ngày 10/5/2002
-
8h15
Lần thứ ba lãnh đạo TP HCM làm việc với người dân Thủ Thiêm sau khi bị chỉ ra sai phạm. Video: Trần Huy.
Mở đầu buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Long Tuyền (Chánh Thanh tra TP HCM) đọc thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ về kết quả giải quyết khiếu nại tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm với các nội dung như: 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch; thành phố đã không có phương án đền bù, làm không đúng quyết định của Chính phủ. Ngoài ra, đối với 160 ha tái định cư, thành phố cũng không trình quy hoạch 1/5.000 mà chỉ trình quy hoạch 42 ha...
Khi ông Tuyền đang thông báo kế hoạch "sửa sai" của UBND TP HCM như gặp gỡ các hộ dân, đề xuất các giải pháp hỗ trợ bổ sung, bồi thường cho khu vực 4,3 ha... thì nhiều giọng bức xúc vang lên: "Đề nghị làm rõ vấn đề trong ranh hay ngoài ranh quy hoạch".
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và ông Nguyễn Hồng Điệp phải giải thích, đề nghị người dân giữ bình tĩnh thì trật tự mới lắng xuống. Ông Tuyền tiếp tục đọc kế hoạch của UBND TP HCM.
-
08h00
Như những lần trước, rất đông người dân có mặt từ rất sớm tại Trung tâm bồi dưỡng Chính trị quận 2. Họ thuộc các hộ được cho là có nhà, đất nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thuộc phường An Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm nhưng chưa đồng ý với chính sách bồi thường.
Nhân viên an ninh kiểm tra giấy tờ người dân. Ảnh: Hữu Khoa.
Chỉ những người có thư mời được vào bên trong Trung tâm bồi dưỡng Chính trị quận 2 - nơi diễn ra buổi gặp nhưng không xảy ra căng thẳng. Để vào được bên trong, họ phải qua 3 chốt kiểm soát.
Ngoài 50 hộ được mời lên dự trực tiếp ở hội trường, những người còn lại được mời vào ngồi dưới sảnh để theo dõi trực tiếp qua màn hình. An ninh quanh khu vực vẫn được tăng cường chặt chẽ như những lần trước.
Ông Phong có mặt khá sớm trước buổi làm việc. Ảnh: Hữu Công.
Ngoài Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, buổi làm việc còn có ông Nguyễn Hồng Điệp (Trưởng ban tiếp dân - Thanh tra Chính phủ) và lãnh đạo các sở ngành.
Ông Điệp nói chuyện với người dân Thủ Thiêm trong hội trường. Ảnh: Hữu Công.
-
Sau 4 tháng vào cuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng, hôm 4/9 Thanh tra Chính phủ kết luận: TP HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ có nhiều sai phạm trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm, phá vỡ quy hoạch Thủ tướng phê duyệt; thể hiện sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất. UBND TP HCM được yêu cầu làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân.
Ngày 18/10, trong lần đầu gặp người dân Thủ Thiêm sau kết luận thanh tra, ông Nguyễn Thành Phong đã làm việc với khoảng 30 hộ ở Khu phố 1, phường Bình An. Đây là các trường hợp có đất ở khu 4,3 ha - được Thanh tra Chính phủ xác định nằm ngoài ranh quy hoạch.
Thành phố đề xuất giải pháp bồi thường hỗ trợ là hoán đổi đất ngang giá trị, cùng mục đích. 3 khu đất đối diện tiếp giáp cầu Bình Khánh, rộng khoảng 18.000 m2 đã được chọn để thẩm định, làm căn cứ hoán đổi.
Người dân dán bản đồ khu vực nhà nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm trước nơi diễn ra buổi làm việc sáng 14/11. Ảnh: Hữu Khoa.
Hiện, thành phố đã xác định được ranh quy hoạch khu 4,3 ha trên bản đồ và sẽ xin ý kiến Thường vụ Thành ủy, Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý. Sau đó thành phố họp dân để thông báo và cắm mốc cụ thể toàn khu, xác định ranh cụ thể của từng trường hợp.
Với những cá nhân và tập thể liên quan sai phạm như: UBND thành phố, UBND quận 2, các phường và lãnh đạo Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua các thời kỳ... UBND thành phố báo cáo Thành ủy, hoàn tất việc kiểm điểm trong tháng 11.
Đối với người dân khu vực 1.080 căn hộ tái định cư đang còn "mắc nợ" do không đủ tiền mua căn hộ, phải thuê hoặc mua trả góp, Chủ tịch UBND TP HCM cũng sẽ có hai cuộc gặp để trao đổi, lấy ý kiến.
Trong lần gặp 40 hộ phường Bình An và Bình Khánh hồi tuần trước, đoàn công tác cũng trao đổi về chính sách hỗ trợ bổ sung. Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng (Tổ trưởng tổ công tác rà soát, hỗ trợ tái định cư cho người dân Thủ Thiêm) đưa ra 10 nội dung thành phố xem xét hỗ trợ, song người dân không chấp thuận bởi cho rằng không thuộc đối tượng "trong ranh quy hoạch".
Các hộ dân gay gắt yêu cầu lãnh đạo thành phố trả lời khiếu kiện. Họ thuộc 5 khu phố và 3 khu dân cư (gồm Khu phố 1 phường Bình An; Khu phố 5, 6 phường An Khánh; Khu phố 1, 2 phường Bình Khánh) và tất cả đều "nằm ngoài ranh quy hoạch" chứ không chỉ khu 4,3 ha (Khu phố 1 phường Bình An) như kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Ban Thời sự