-
16h45
Năng lực quản lý đất ở đô thị còn yếu
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chất vấn về quản lý đất ở đô thị gây lãng phí, không có quỹ đất xây dựng các bãi đỗ xe. Nhưng thực tế điều tra có hơn 400 điểm trông giữ xe, nhiều trường học biến thành điểm trông xe ngày, đêm.
Ông Trần Hồng Hà khẳng định, ở góc độ môi trường không đồng tình khi biến sân trường học thành các bãi trông xe ngày - đêm như đại biểu Cương nêu.
Ông Hà cho rằng vai trò quản lý đất đô thị thuộc UBND các tỉnh, thành. Lỗi của Bộ Tài nguyên trong trường hợp này là "chưa bố trí quy hoạch đất đai của địa phương". Cụ thể, quỹ đất bố trí cho các công trình giao thông tĩnh, ngầm tại các đô thị lớn hiện rất hạn hẹp, tại Hà Nội chỉ có 7%.
Trong khi nhu cầu xây dựng các bãi đỗ xe ở đô thị rất lớn, việc sử dụng quỹ đất lại chưa phù hợp, năng lực quản lý ở địa phương với đất đã giao cho các đơn vị sự nghiệp còn kém.
"Ở đây có vấn đề triển khai cụ thể hoá quy hoạch, quản lý chưa tốt việc thu hồi đất doanh nghiệp sau cổ phần hoá, dự án doanh nghiệp để treo và sử dụng không đúng mục đích", ông Hà nhận diện. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Hà nói cần thu hồi những khu đất này để đưa việc sử dụng đúng mục đích và các cấp thẩm quyền cần có giải pháp căn cơ hơn về vấn đề bãi đỗ xe trong đô thị.
-
16h10
Sốt đất ở 3 nơi sắp thành đặc khu là do tầm nhìn
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu chất vấn về hiện tượng đầu cơ đất đai tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang), 3 địa phương được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế. Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, ở đây có vấn đề tầm nhìn. Thông thường khi có kỳ vọng về tương lai phát triển hạ tầng tại khu vực nào thì quy luật thường thị trường đất đai tại đây sẽ thay đổi, sốt nóng.
"Chúng ta biết quy luật này nhưng chưa có giải pháp căn cơ ngăn ngừa, ngoài việc ban hành biện pháp hành chính để ngăn chặn", ông Hà nói. Nhắc lại câu chuyện sốt đất cách đây 5 năm xảy ra tại Long Thành (Đồng Nai), ông Hà nêu, chính quyền địa phương thời điểm đó chỉ thị hành chính ngăn chặn hoạt động chuyển nhượng đất nhưng thực tế giao dịch chuyển nhượng ngầm vẫn diễn ra.
Với 3 địa phương sắp thành đặc khu, theo ông Hà, sốt đất chủ yếu nghiêm trọng ở việc chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp... trái phép. Những giao dịch này được tiến hành ngầm, trái pháp luật, trong khi năng lực quản lý chưa theo kịp thời.
Trước thông tin Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế, giá đất tại 3 nơi này tăng 2-3 lần, cá biệt có nơi tăng 5-6 lần so với trước. Trong động thái gần đây chính quyền 3 địa phương trên đã có quyết định tạm dừng chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm kiểm soát cơn sốt đất.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói thêm, việc UBND các tỉnh dừng chuyển nhượng đất đai tại 3 địa phương trên là đúng, song nội dung chỉ thị lại không phù hợp pháp luật. Thay vào đó, ông đề nghị, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết có quy định mang tính đặc thù về quản lý đất đai để giải quyết vấn đề này, lâu dài hơn phải có quy định trong Luật Đất đai.
Liên quan ý kiến đại biểu nêu về tranh chấp, khiếu kiện đất đai gia tăng, ông Hà thừa nhận, 70% khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực này. "Giá đất có vấn đề. Giá thường thấp hơn giá thị trường. Khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa đồng bộ. Có trường hợp người dân được đền bù nhưng tiền đó không mua nổi căn nhà ở khu tái định cư mới", Bộ trưởng Hà nói.
Ông đề nghị, phải xem lại cách xác định giá, quỹ phát triển quỹ đất để chuẩn bị đất sạch; có sự trao đổi dân chủ với người dân để đạt sự đồng thuận trong giải quyết tranh chấp liên quan tới đất đai.
-
15h20
"Chúng tôi nắm rất rõ ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc"
Đại biểu Phạm Tất Thắng đề cập tới việc Trung Quốc xây dựng 3 nhà máy điện hạt nhân khá gần biên giới Việt Nam, từ 50 km đến 200 km. Theo đó, giả sử các nhà máy này có vấn đề trong hoạt động thì nguy cơ ô nhiễm phóng xạ với Việt Nam rất lớn. Bộ Tài nguyên có giải pháp gì ứng phó với nguy cơ đó?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải đáp, vấn đề liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã được "chúng tôi nắm rất rõ". Chính phủ giao Bộ Khoa học & Công nghệ xây dựng các trạm quan sát hoạt động thường xuyên; làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để có các đoàn thanh tra, kiểm soát an toàn tại khu vực này.
Ông Hà nói thêm, không riêng Bộ Khoa học & Công nghệ, thành phố Hà Nội vừa qua cũng đưa vấn đề này vào dự báo để lên kịch bản cần thiết.
Năm 2016, ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vận hành thương mại, gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam). Các nhà máy này đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam, gần nhất là Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50 km, cách Hà Nội dưới 500 km. Ngay thời điểm các nhà máy trên đi vào hoạt động, một số chuyên gia cho rằng người dân không nên hoang mang vì với các nhà máy điện hạt nhân, tiêu chuẩn an toàn luôn đặt lên hàng đầu, tuy nhiên cũng cần chuẩn bị kỹ các phương án phòng ngừa sự cố.
Cuối tháng 5/2018, thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội”. Theo đó, thành phố dự báo một trong 10 rủi ro có thể trở thành thảm hoạ là rò rỉ phóng xạ nếu có sự cố từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc. Thành phố giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa rò rỉ chất phóng xạ, sự cố hạt nhân; tham mưu cho thành phố các nhiệm vụ liên quan đến các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ về phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa.
-
15h16
Ô nhiễm không khí "không tới mức nghiêm trọng"
Đại biểu Nguyễn Anh Trí và đại biểu Trịnh Ngọc Phương cùng đề cập tới ô nhiễm bụi tại các thành phố lớn. Người dân Hà Nội cứ 10 ngày thì 9 ngày phải hít thở không khí có mức độ bụi quá mức cho phép.
Ông Hà không đồng tình với số liệu đại biểu nêu, vì đó là công bố từ trạm quan trắc của một tổ chức nên "phản ánh mang tính cục bộ". Kết quả từ các trạm quan trắc của Bộ Tài nguyên không ghi nhận tình trạng như vậy, dù có ghi nhận ô nhiễm từ hoạt động giao thông.
Bộ đã tham mưu Chính phủ kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường không khí, qua đó sẽ biết nguồn ô nhiễm ở đâu, khi nào. "Tình hình ô nhiễm không khí hiện có song chưa đáng quan ngại như đại biểu phản ánh", ông Hà khẳng định.
-
15h15
Bộ Tài nguyên đã vượt qua được những khó khăn "tưởng chừng không thể vượt qua"
Có 5 phút báo cáo trước khi trả lời các chất vấn cụ thể, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà dành lời đầu tiên cảm ơn Quốc hội đã tạo điều kiện cho ông có cơ hội lần thứ 2 tham gia giải trình trên nghị trường.
Nhớ lại lần chất vấn đầu tiên (tháng 11/2016), ông Hà nói, thời điểm đó ngành tài nguyên môi trường gặp phải những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được. Nhưng sau khi được Quốc hội chất vấn, nhận các ý kiến đóng góp sâu sát, cụ thể của nhiều vị đại biểu thì Bộ đã vượt qua được các khó khăn.
Tháng 11/2016, trong lần đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, ông Trần Hồng Hà nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến sự cố ô nhiễm biển miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra.