Tác phẩm tham gia Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng, được Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ phục dựng từ kịch bản của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, dựa theo Chuyện người con gái Nam Xương trong Truyền kỳ mạn lục do Nguyễn Dữ sáng tác. Vở có nhiều nét mới trong kịch bản và dàn dựng, không còn sử dụng nhiều chất liệu thần thoại, bi lụy, khắc họa nhân vật thiếu phụ với các phẩm chất kiên cường, dũng cảm.
Thiếu phụ Nam Xương diễn ra trong hai tiếng, kể về Mai Hương (Lộc Huyền) - người có tấm lòng thủy chung, tần tảo nuôi con để chồng - Trịnh Lang (Mạnh Linh) - yên tâm ra trận. Mỗi đêm, bên ngọn đèn, nàng đều chỉ vào cái bóng của mình in trên tường, thay chồng vỗ về con, đồng thời vơi bớt nỗi nhớ chàng. Tuy nhiên, khi Trịnh Lang trở về, nhìn diện mạo khác với chiếc bóng, con của chàng đã không nhận cha. Cho rằng vợ không chung thủy, Trịnh Lang ghen tuông mù quáng và đuổi Mai Hương đi. Nàng đau khổ tìm đến chùa, gieo mình xuống hồ nước để giải nỗi hàm oan.
Khác với câu chuyện Vũ Nương ở bản gốc, Mai Hương được thiền sư Thiện Tâm cứu và truyền đạo võ. Nghe lời nhà sư, nàng hóa thân thành nam nhi, lấy tên chồng là Trịnh Lang, gia nhập đội quân của Tổng trấn Lê Trung để bảo vệ đất nước, được tín nhiệm trở thành phó tướng. Trong cuộc chiến ở biên cương, tướng Trần Mỹ đã phản bội và đầu độc Tổng trấn Lê Trung, cướp công của Mai Hương. Trở về triều đình, nàng được các bậc tôi trung là thiền sư Thiện Tâm, lão tướng Trần Dinh minh oan, khiến nhà vua hài lòng, giao cho chức quan Tổng trấn.
Còn Trịnh Lang sau khi biết nghi oan cho vợ đã cùng con phiêu bạt khắp nơi tìm nàng. 10 năm xa cách, gia đình họ hội ngộ lúc Mai Hương đã trở thành Tổng trấn. Trịnh Lang ân hận nhận sai, mong muốn gửi con lại còn bản thân về quê. Nhà vua xuất hiện, ngỏ ý để ba người được đoàn tụ, khẳng định: ''Gia đình êm ấm thì đất nước mới bình yên, hạnh phúc''.
Gần 400 khán giả ngồi kín khán phòng của rạp Hồng Hà, trong đó phân nửa là người trẻ. Họ tập trung theo dõi tác phẩm, dành những tràng pháo tay cổ vũ các nghệ sĩ theo các tình tiết. Kết thúc vở, nhiều người nán lại chụp ảnh, trò chuyện cùng diễn viên.
Ngọc Trâm, 18 tuổi, sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội đi xem với các bạn cùng lớp. Lần đầu thưởng thức loại hình nghệ thuật này, Trâm cho biết có nhiều cảm xúc. Khán giả thích cảnh nhân vật Mai Hương gặp lại người thân, khâm phục nỗ lực của diễn viên khi kết hợp giữa hát và các chuyển động hình thể.
''Ban đầu, tôi khá hồi hộp, chưa hình dung một tác phẩm tuồng sẽ như thế nào. Về sau, tôi bất ngờ vì diễn biến hay, dễ hiểu, thu hút tôi từ đầu đến cuối'', khán giả nói.
Theo Ngọc Trâm, giới trẻ luôn mong muốn tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống của nước nhà, trong đó có tuồng. Khán giả Anh Thư, 18 tuổi, đồng quan điểm, cho rằng loại hình này không khó tiếp nhận, hào hứng chờ đợi được xem các tác phẩm tiếp theo.
Đạo diễn Lê Tiến Thọ cho biết hạnh phúc khi "giữ chân'' được người xem đến cuối vở diễn. Ở bản phục dựng, nghệ sĩ chú trọng cách bài trí sân khấu với những bức tranh Đông Hồ, đèn kéo quân, đèn lồng đỏ. Ông đẩy tiết tấu nhanh hơn nhờ liên tục đổi bối cảnh nhưng không làm mất tính ước lệ của nghệ thuật tuồng. Nghệ sĩ cho rằng điều này giúp sân khấu truyền thống tiếp cận gần lớp trẻ. Theo ông, dù câu chuyện đã cũ, cách xây dựng kịch bản sẽ giúp người xem có những góc nhìn mới.
Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng diễn ra từ ngày 1 đến 9/11, thuộc chuỗi hoạt động mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Sự kiện quy tụ 11 nhà hát trên địa bàn và các tỉnh, thành phố lân cận tham gia, gồm Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hải Phòng, Nhà hát Chèo Bắc Giang, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Sân khấu LucTeam.
Phương Linh