Theo Ancient Origins, lưu vực sông Shalmala được gọi là Sahasralinga, có nghĩa "hàng nghìn Shiva Linga" vì ở đây có rất nhiều tượng Linga được khắc trên đá dưới lòng sông.
Vào ngày lễ Mahastrashivaratri tháng 12 hàng năm, các tín đồ Hindu giáo tập trung tại khu vực này để thờ cúng thần Shiva. Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện lễ cúng vì mực nước khá thấp, chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ Linga và cả Yoni.
Theo Sott.net, mỗi tượng Linga có một tượng thần bò Nandi đi kèm. Các nhà nghiên cứu chưa rõ tác giả của những tượng Linga này cũng như thời gian chúng ra đời. Một giả thuyết cho rằng vua Sadashivaraya của Sirsi đã cho xây dựng những tượng đá này trong thời gian trị vì năm 1678 - 1718.
Trong Hindu giáo, Shiva cùng với Brahma và Vishnu hợp thành Trimurti (Tam thần Hindu giáo). Truyền thuyết kể rằng, trong một cuộc giao tranh giữa Brahma và Vishnu, thần Shiva đã hóa thân thành một Linga khổng lồ. Ông thách thức Brahma và Vishnu đo kích cỡ của Linga khổng lồ này. Trong khi thần Brahma hóa thành thiên nga bay lên cao thì thần Vishnu lại hóa thành một con lợn đi xuống trần gian. Họ tìm kiếm hàng nghìn dặm nhưng không thể tìm thấy giới hạn của Linga khổng lồ.
Ngày thần Shiva hóa thân thành Linga được gọi là ngày Mahastrashivaratri. Trong ngày này, các tín đồ Hindu giáo sẽ nhịn ăn cả ngày và cầu nguyện vào ban đêm. Họ hy vọng thần Shiva sẽ đem lại cho họ thịnh vượng và hạnh phúc.
Shiva Linga là một trong những tượng sinh thực khí nam giới lớn và nổi tiếng nhất thế giới. Bên cạnh đó, nhiều nền văn hóa khác cũng thờ cúng biểu tượng sinh sản của nam giới. Theo Từ điển Thần thoại Hy lạp và La Mã, người cổ đại thường đặt tượng sinh thực khí nam trong vườn để thúc đẩy ra hoa và kết quả. Người Hy Lạp sử dụng tượng sinh thực khí nam bằng đá để thờ thần Dionysus và Hermes. Các lễ thờ cúng tượng sinh thực khí nam thường diễn ra ở Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, châu Phi và một số quốc gia khác trên thế giới.
Thùy Dương