Đây là sáng kiến của nhà tâm lý học người Thụy Sĩ có tên Daniela Späth. Năm 2011, Daniela đã nghiên cứu và tạo ra sắc hồng mát dịu – màu sắc thường gắn liền với sự nữ tính và dịu dàng – đem đi thử nghiệm tại nhiều buồng giam thuộc 10 nhà tù trải khắp Thụy Sĩ.
Đã bốn năm qua, nhà tù thành phố Pfäffikon thuộc bang Zurich (Thụy Sĩ) đã tiến hành thử nghiệm sơn màu hồng cho buồng giam của các nam phạm nhân với niềm tin rằng việc này có thể xoa dịu tâm trạng hung hăng của tù nhân.
Trong bốn năm thử nghiệm, cán bộ quản ngục ghi nhận hành vi hung hăng của tù nhân vốn rất bạo lực bắt đầu có xu hướng giảm đi khi ở trong buồng giam màu hồng. Phạm nhân cũng có dấu hiệu thư giãn nhanh hơn trong những nhà giam đặc biệt, bằng chứng là huyết áp của họ giảm xuống trong vòng từ 1-5 phút.
Cũng từ đây, nhiều nhà tù tại Thụy Sĩ như nhà tù Lenzburg, Wauwilermoos, Sugiez... bắt đầu ứng dụng màu hồng mát dịu này trong một số buồng giam dành cho tù nhân hay gây rối. Liệu pháp tâm lý này còn đã lan sang một số nhà tù ở Đức tại Dortmund, Hagen, Kleve... Bên cạnh ứng dụng trong buồng giam, Daniela đề xuất dùng màu hồng mát dịu cho phòng an ninh tại sân bay, trường học, và cơ sở trị liệu.
Theo tờ The Telegraph, các cán bộ quản ngục tại Thụy Sĩ rất vừa ý với hiệu quả của những buồng giam màu hồng, nhưng tù nhân lại ít hào hứng hơn. Một số người nói thấy xấu hổ khi phải ở tại nơi giống như "phòng ngủ của bé gái". Bên cạnh đó, một số người phản đối cách sử dụng màu hồng trong nhà tù vì cho rằng nó thể hiện thái độ phân biệt giới tính. Một số người còn lập luận nhà tù được sơn tường màu hồng có mục đích chủ yếu để làm nam phạm nhân xấu hổ, bất kể nó có tác dụng làm giảm căng thẳng hay không.
Trên thực tế, ý tưởng dùng màu sắc để làm tâm trạng tù nhân hòa hoãn không mới và đã được một nhà khoa học ở Mỹ tên Alexander Schauss nghiên cứu từ những năm 1960. Sau nghiên cứu với 153 người tham gia vào năm 1979, Alexander thấy rằng khi người tham gia thí nghiệm nhìn vào màu hồng do ông pha trộn, sức lực cơ bắp của họ giảm đi đáng kể, trong khi màu xanh không có tác dụng.
Sau khi Alexander đem màu sơn này dùng cho một phòng giam biệt lập cho tù nhân mới (những người này có xu hướng hung hăng và bạo lực với bạn tù) trong 223 ngày, cán bộ quản ngục thấy rằng chỉ cần 15 phút trong buồng giam màu hồng, "không tù nhân nào có hành vi bạo lực khi mới bị giam".
Tuy nhiên, một vài năm sau, Alexander một lần nữa thực hiện thí nghiệm này nhưng phát hiện ra màu hồng của mình hoàn toàn không có tác dụng xoa dịu tâm lý tù nhân và thậm chí còn làm họ bạo lực hơn vì quá gắt và chói.
Lấy ý tưởng từ nghiên cứu thất bại của Alexander, màu hồng mát dịu được Daniela cho ra đời vì bà tin rằng sắc hồng của Alexander quá chói gắt nên không đạt được kết quả mong muốn. Dù gây ra nhiều tranh cãi, Hồng Mát Dịu vẫn tiếp tục được dùng tại nhà tù Thụy Sĩ và lan sang cả Đức, hiệu quả giảm bớt căng thẳng của nó vẫn chưa bị bác bỏ.
Quốc Đạt (Theo The Telegraph, The Conservation, Color Motion)