Sau nghi thức dâng hương trước tượng đài Sơn Mỹ, dòng người dành một phút mặc niệm tưởng nhớ linh hồn những người dân vô tội đã mất.
Năm nay, nhiều cựu binh Mỹ trở lại Quảng Ngãi dự lễ tưởng niệm với tâm nguyện chuộc lỗi và hàn gắn vết thương chiến tranh sau hơn hai năm đi lại khó khăn vì Covid-19.
Trong diễn văn tưởng niệm, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Quảng Ngãi, nói rằng Sơn Mỹ không phải là vụ việc duy nhất nhưng là điển hình cho những tội ác mà các thế lực hiếu chiến đã gây ra cho nhân dân Quảng Ngãi, nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.
Theo ông Dũng, sau ngày hòa bình, người dân Sơn Mỹ đã vượt qua nỗi đau để mở vòng tay bao dung tha thứ, chân tình đón tiếp những cựu binh Mỹ tìm về nơi đây như một chốn hành hương. Qua đó, họ đối diện sự thật, đối diện với chính mình, tìm thấy sự thanh thản ở một miền đất đang hồi sinh; cùng khép lại quá khứ, hướng đến tương lai.
Dịp này, tỉnh Quảng Ngãi và ông Ronald Haeberle - tác giả bộ ảnh về Thảm sát Mỹ Lai cũng thống nhất về quyền sử dụng bộ ảnh do cựu phóng viên chiến trường Mỹ chụp. Theo đó, Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ được trưng bày vô thời hạn các bức ảnh của tác giả Ronald Haeberle.
Buổi sáng 16/3 vào 55 năm trước, quân đội Mỹ xả súng sát hại 504 thường dân ở Sơn Mỹ, trong đó 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, 89 trung niên, 247 ngôi nhà chìm trong biển lửa.
Vụ thảm sát được đưa ra ánh sáng sau khi phóng viên ảnh Ronald Haeberle công bố các bức ảnh chụp được. Điều này đã tiếp thêm lửa cho cuộc đấu tranh phản chiến của người Mỹ và người yêu hòa bình khắp thế giới. Mỹ Lai trở thành biểu tượng tố cáo tội ác chiến tranh.
Phạm Linh