Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ, VnExpress phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
- Ngày 11/7/1995 Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hoá quan hệ, liệu có thể nêu ra các dấu mốc nào trong hợp tác quốc phòng 20 năm qua thưa ông?
- Rất khó phân ra các giai đoạn phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ từ 1995 đến nay. Thực tế quan hệ Việt - Mỹ được phát triển một cách vững chắc, từng bước, theo nhịp độ vừa phải và kết quả theo từng giai đoạn đều làm hài lòng cả hai bên. Nói như vậy có nghĩa là mối quan hệ Việt - Mỹ nói chung và trong đó có quan hệ quốc phòng hết sức đặc biệt, nhạy cảm vì hai nước là cựu thù, chúng ta không thể xúc tiến mối quan hệ như tất cả các nước khác. Chúng ta phải đi từng bước, từ chỗ xóa dần mặc cảm của cuộc chiến tranh, xóa dần thái độ thù địch, rồi đi đến những tìm hiểu, hiểu biết, từng bước xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác, phát triển.
Tuy nhiên, tôi có thể dẫn ra vài thời điểm đáng nhớ. Đó là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà vào năm 2003. Chuyến thăm để lại dấu ấn nền tảng trong quan hệ quốc phòng hai bên. Hai là, Việt - Mỹ ký Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2011, vạch ra những khuôn khổ, mức độ, nhịp độ hợp tác và gần đây nhất là Tuyên bố chung về tầm nhìn của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.
- Nếu nói một cách cô đọng nhất về nguyên tắc trong quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ, ông sẽ nói gì?
- Nguyên tắc trong quan hệ Việt – Mỹ (cũng như đối với tất cả các nước khác) là tôn trọng độc lập, tự chủ, chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng chế độ chính trị, lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và mối quan hệ ấy không gây phương hại, không gây quan ngại cho bất kỳ một quốc gia nào. Hơn thế mối quan hệ đó sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nguyên tắc này đã được nhấn mạnh trong bản ghi nhớ 2011. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter cũng đã mạnh mẽ khẳng định lại nguyên tắc này khi ký tuyên bố về tầm nhìn quốc phòng Việt - Mỹ vừa qua.
- Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đang ở tầm đối tác toàn diện, vậy hợp tác quốc phòng giữa hai nước phản ánh mối quan hệ này như thế nào?
- Tôi cho rằng, mọi sự hợp tác đều cần đến lòng tin. Không có lòng tin thì không có hợp tác thực chất, kể cả về chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ... Quan hệ quốc phòng càng cần đến lòng tin. Việt Nam và Mỹ cũng vậy, chúng ta bắt đầu bình thường hóa quan hệ từ năm 1995, nhưng hợp tác quốc phòng đi sau, chậm hơn, thận trọng nhưng vững chắc. Có thể nói, hai bên đã đạt được sự thống nhất không còn muốn là kẻ thù của nhau, không xâm phạm, xâm hại những lợi ích chiến lược của nhau và đặc biệt là cam kết không bao giờ đem chiến tranh đến cho nhau.
- Việt Nam từng là nạn nhân của những thoả hiệp giữa các nước lớn. Điều gì khiến ông tin rằng, Mỹ sẽ không xâm hại Việt Nam?
- Tôi sẽ trả lời câu hỏi này bằng một câu chuyện. Tại Đối thoại Shangri-la năm 2010 ở Singapore, ông Sergei Ivanov, Phó Thủ tướng Nga, đã bày tỏ quan ngại và cho rằng Nga có trách nhiệm với hòa bình, ổn định ở Afghanistan. Các học giả đã đặt câu hỏi: "Nga có định đưa quân trở lại Afganishtan một lần nữa không?" Ông Ivanov trả lời: "Muốn biết điều này hãy hỏi ông Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang ngồi phía dưới, liệu Mỹ có định bao giờ gửi quân sang Việt Nam nữa không?". Ông Gates lúc ấy chỉ đứng lên và nói đúng một câu: "Never" (không bao giờ). Với những gì đã trải qua trong quá khứ và những gì 2 bên đã nỗ lực đạt được hôm nay, tôi tin Mỹ đã hiểu hậu quả và cái giá phải trả khi đem chiến tranh đến một đất nước yêu chuộng hòa bình và có lòng yêu nước cao độ như Việt Nam.
- Gần đây ông có nói rằng hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ đã đi vào thực chất, cụ thể thực chất ở đây là gì?
- Hợp tác quốc phòng nói chung, đặc biệt là giữa Việt Nam và Mỹ có tính chất tiệm tiến, nó không có bước ngoặt. Đừng nghĩ hợp tác thực chất là hợp tác quân sự hay là về cái gì to tát mà là những nội dung hai bên tìm được cái chung để cùng thực chất thực hiện.
Ví dụ như hợp tác về khắc phục hậu quả chiến tranh, vấn đề tìm kiếm lính Mỹ mất tích (MIA), hay việc Mỹ cung cấp thông tin để chúng ta tìm những chiến sĩ đã hy sinh. Vấn đề khắc phục hậu quả chất độc dioxin, bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Ví dụ như Dự án Mỹ hợp tác với khoản hỗ trợ 84 triệu USD để làm sạch dioxin tại Đà Nẵng, Biên Hòa...
Khắc phục hậu quả chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam - hai quốc gia từng đối đầu trong quá khứ là một ví dụ rất điển hình. Các chính khách ở Quốc hội, Chính phủ, quân đội, ngoại giao Mỹ đều nói rằng, đó là hình mẫu trên thế giới về sự hợp tác khép lại quá khứ, hướng tới tương lai của hai cựu thù. Hợp tác hoạt động gìn giữ hòa bình thế giới, hay nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cũng là hoạt động thực chất. Thực chất ở đây có nghĩa là hai bên đã nói với nhau cái gì thì làm cái đó và làm đúng cái mà mình nói.
- Vì sao ông không nhắc đến việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam như là một minh chứng cho quan hệ thực chất?
- Tôi không cho là như thế. Mặc dù đây là động thái tích cực của Quốc hội và Chính phủ Mỹ, nhưng tôi cũng không thể không nói rằng điều này là quá muộn. Mỹ còn chưa dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm thì đó một điều bất hợp lý trong mối quan hệ giữa hai nước. Việc Mỹ duy trì một phần còn lại lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam chính là nhân tố "chưa thực chất".
- Theo ông, sức mạnh quốc phòng của Việt Nam sẽ được tăng cường như thế nào sau khi Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm này?
- Nếu nói Việt Nam tăng sức mạnh vì có thể mua vũ khí của Mỹ là không chính xác. Chúng ta có sức mạnh nếu chúng ta giữ được độc lập, tự chủ, đồng thời chúng ta có mối hợp tác đa phương, trong đó có cả đa phương về quốc phòng. Về trang bị vũ khí, chúng ta sẽ tự do chọn lựa những gì chúng ta muốn, chúng ta cần. Vấn đề là chúng ta cần có một môi trường rộng lớn hơn để lựa chọn cái chúng ta cần khi cần thiết, nhưng quan trọng hơn, chúng ta có lòng tin rộng lớn hơn của tất cả các quốc gia, theo như chúng ta từng tuyên bố rất nhất quán Việt Nam là bạn của tất cả các nước. Cái đó mới là nhân tố cực kỳ quan trọng để bảo vệ đất nước, chứ không phải là chuyện mua vũ khí.
- Vây còn giá trị của hợp tác Việt Nam và Mỹ trên khía cạnh thực thi pháp luật trên biển?
- Hợp tác giữa cảnh sát biển Việt Nam và Mỹ đang tiến hành tốt, phía Mỹ cùng chia sẻ những kinh nghiệm để thực thi pháp luật trên biển, hỗ trợ chúng ta một số trang bị như xuồng cao tốc, các khóa đào tạo về luật pháp quốc tế, về luật biển, đây là những cái Mỹ có nhiều kinh nghiệm.
Chúng ta hợp tác với Mỹ về thực thi pháp luật trên biển trên cơ sở chính sách nhất quán của chúng ta, là đảm bảo rằng lãnh hải cũng như thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam là vùng an toàn cho các hoạt động tự do hàng hải và luôn được kiểm soát theo đúng pháp luật của Việt Nam, luật pháp quốc tế.
Vùng biển Việt Nam không có cướp biển, có chăng là cướp biển ở vùng khác chạy vào chúng ta bắt được và giao trả lại. Cái đó không phải tự nhiên mà có, mà phải là do sức mạnh của chính chúng ta, chúng ta quan tâm đến bảo vệ an toàn không chỉ cho tàu bè của mình, ngư dân mình, mà còn đảm bảo an toàn cho đường vận tải hàng hải quốc tế.
- Việc hợp tác này có ý nghĩa thế nào với việc bảo đảm chủ quyền trên biển của Việt Nam thưa ông?
- Việc bảo đảm an toàn trên vùng biển của chúng ta vừa thể hiện trách nhiệm quốc tế của ta và đồng thời cũng khẳng định đây là vùng biển của Việt Nam. Quốc tế tôn trọng sự quản lý, quyền tài phán của chúng ta, trên các vùng biển của Việt Nam. Việc bảo vệ an toàn, an ninh hàng hải, tự do thương mại, tự do đi lại trên các vùng biển của các quốc gia, vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của mọi quốc gia.
- Từ những diễn biến thực tế có thể nhận định, tình hình phức tạp trên Biển Đông chính là chất xúc tác đẩy mạnh hợp tác Việt - Mỹ. Ông nghĩ sao?
- Nếu nói Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ vì tình hình căng thẳng ở Biển Đông thì không đúng. Diễn biến trên Biển Đông không phức tạp thì chúng ta vẫn sẽ hợp tác như thế. Nhưng điều kiện khách quan đẩy mối quan hệ đến mức nào thì không tùy thuộc vào ý chí của chúng ta. Có những cái không có quan hệ mà lại là đồng quan điểm, không bàn bạc gì với nhau nhưng lại cùng lợi ích, thì những cái "đồng" đó tạo ra một mối quan hệ có tính chất tự nhiên hơn.
Vì sao Mỹ lại can dự vào tình hình Biển Đông như thế? Trước hết là vì chính lợi ích chiến lược của Mỹ. Mỹ đã tốn rất nhiều công sức để bảo vệ tự do thương mại trên các vùng biển quốc tế, trên cơ sở luật pháp quốc tế vì nền kinh tế của họ phụ thuộc vào điều đó, đó là chưa kể các hoạt động của lực lượng quân sự Mỹ trên toàn cầu, trên không, trên biển... Việt Nam, cũng như Mỹ và đa số các quốc gia khác trên thế giới đều dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ tự do thương mại, tự do hàng hải trên biển, trên không, đồng nghĩa với việc bảo vệ thềm lục địa 200 hải lý của các nước. Cái đó là cái đồng tự nhiên, chứ Mỹ, Việt Nam hay rất nhiều nước khác không bàn để cùng lên tiếng về việc đó. Chúng ta đã nói nhiều lần, Việt Nam ủng hộ Mỹ và các quốc gia khác tăng cường can dự ở khu vực nếu điều đó phù hợp với mục tiêu bảo đảm hòa bình, ổn định của khu vực, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Chúng ta cần làm cho thế giới hiểu rằng Việt Nam minh bạch trong quan hệ quốc phòng với các nước, trong đó có Mỹ. Chúng ta đã nói là làm, không chỉ riêng với Mỹ, mà với tất cả các nước. Nếu hợp tác mà không bình đẳng, không có lợi và không tôn trọng nhau thì không hợp tác. Hợp tác mà phương hại đến một quốc gia nào thì chúng ta cũng sẽ không làm. Đây là lập trường của chúng ta. Minh bạch, không mập mờ.
Việt Anh thực hiện