- Ông vừa bàn giao nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng cho người kế nhiệm. 12 năm đảm nhiệm cương vị này, điều gì là đáng nhớ nhất đối với ông?
- Trước khi đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng phụ trách đối ngoại quốc phòng vào 12 năm trước, tôi làm tình báo. Và cũng vì thế, tôi được chứng kiến giai đoạn trăn trở, tìm tòi để đổi mới tư duy về bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới cuối những năm 1990, chúng ta tuyên bố với thế giới "Việt Nam mong muốn là bạn của tất cả các nước, là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế". Nhưng suốt nhiều năm, chúng ta quan niệm rằng một quốc gia là bạn khi họ hoàn toàn đứng về phía mình, ngược lại tức là thù. Tư duy này vào năm 2000 cơ bản đã lỗi thời, lý do quan trọng nhất là bức màn sắt đã bị gỡ bỏ, thế cục hai phe trên thế giới không còn nữa.
Việc định nghĩa lại khái niệm bạn - thù là nhiệm vụ đặt ra cho Hội nghị TW8 (Khóa IX). Khi đó, Tổng cục 2 chúng tôi có nhiệm vụ đóng góp ý kiến, phục vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo cấp trên. Dù đã có chính kiến, nhưng tôi rất phân vân, không thể tự đánh giá được. Tôi tìm đến người mà tôi tin cậy nhất cả về mặt tình cảm, trí tuệ lẫn tầm nhìn chiến lược là Đại tướng Lê Đức Anh. Thời điểm đó, các ông Lê Đức Anh, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đều không còn làm cố vấn, nhưng họ vẫn là chỗ dựa tinh thần và là những người thầy lớn của tôi.
Khi đặt câu hỏi với ông Lê Đức Anh: "Thưa chú, bức màn sắt đã rơi xuống rồi, không còn hai phe nữa, thì xác định bạn - thù thế nào đây?", tôi đã chuẩn bị sẽ nghe ông la rầy, rằng tôi đã đánh mất quan điểm, mà với người làm tình báo, mất quan điểm là hỏng hết. Trái với lo ngại của tôi, ông trả lời rất mạnh mẽ: "Chuyện nào có lợi cho đất nước thì mình làm, sự hợp tác nào đem lại lợi ích cho đất nước thì mình bắt tay, còn cái gì có khả năng xâm hại đến quốc gia, dân tộc thì mình phải chống, phải hóa giải". Rồi ông giải thích cặn kẽ từng điểm, chúng ta cần làm gì để "làm bạn với bốn phương, nhưng không đánh mất mình". Ông Sáu khuyên tôi gặp ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt. Ông Đỗ Mười nói: "Đúng quá rồi còn gì. Nhưng phải xác định rõ thế nào là có lợi, thế nào là không có lợi cho đất nước mình". Tôi vào TP HCM, đem chuyện này hỏi ông Võ Văn Kiệt, ông trả lời không chút do dự: "Bây giờ mới đặt vấn đề này là chậm rồi".
Cả ba "Ông già lớn" đều cho rằng vấn đề trên là cấp bách. Sự ủng hộ này tiếp thêm động lực để chúng tôi có chính kiến mạnh mẽ báo cáo cấp trên. Tôi nhắc lại câu chuyện với sự biết ơn ba ông cố vấn, và cũng để thấy tầm nhìn xa, sự nhạy bén và thái độ quyết tâm đổi mới của các ông. Dĩ nhiên tham gia vào việc này còn nhiều cơ quan khác và nhiều người khác, nhưng theo những gì tôi biết, đó là những người đầu tiên ủng hộ cách tiếp cận mới về kế sách Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
- Còn những ý kiến phản đối thì sao?
- Khi đó, vấn đề xác định bạn - thù đã tạo ra những ý kiến khác nhau trong nội bộ, Quân đội cũng không ngoại lệ. Có những tướng lĩnh lão thành phản ứng với sự thay đổi, phần vì tín điều quá nặng, phần vì chưa đủ thông tin. Cũng có những người băn khoăn vì chưa thực sự tin tưởng thế hệ tiếp theo sẽ có quyết sách chính xác và vững vàng. Nhưng việc ông Sáu Dân (tên gọi thân mật của ông Võ Văn Kiệt), người đã mất bạn đời và hai con trong một ngày vì bom Mỹ mà còn thấy cần phải thay đổi, thì nhiều người buộc phải hiểu rằng sự thay đổi là tất yếu.
Cuối cùng thì Nghị quyết TW8, Khóa IX được thông qua. Đó có thể coi là dấu mốc lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khi lần đầu tiên chúng ta hình thành khái niệm mới: thay "phân chia bạn - thù" bằng "Không có kẻ thù, chỉ có đối tượng và đối tác". Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là vừa phải hợp tác, vừa phải đấu tranh với mọi quốc gia có quan hệ với Việt Nam.
Bây giờ nhìn lại mới thấy, nhận định đó vô cùng đúng đắn, sáng suốt và đặc biệt kịp thời. Nhờ đó mà gần 20 năm qua, thế giới có bao nhiêu biến động, khiến nhiều quốc gia chao đảo, nhưng đất nước ta vẫn đứng vững, ổn định và phát triển. Nếu gọi Nghị quyết 15 khóa III là Nghị quyết của chiến thắng, của chiến tranh giải phóng dân tộc, thì tôi cho rằng có thể coi Nghị quyết 8 khóa IX là Nghị quyết của hòa bình, ổn định và của kỷ nguyên phát triển đất nước.
- Điều gì đã thôi thúc ông đưa ra câu hỏi về khái niệm bạn-thù trong một thế giới mới, khi mà ông biết đó có thể là cấm kỵ với người làm tình báo?
- Năm 2000, tôi được bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tình báo vào thời điểm đất nước và quân đội có những bước chuyển mạnh mẽ về tư duy bảo vệ Tổ quốc. Năm đó, Tổng cục Tình báo tổ chức lễ trao quyết định nghỉ hưu cho ba "cây át chủ bài" của tình báo quốc phòng là các Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Hai Trung, Hai Nhạ, Ba Quốc. Buổi lễ ấy có rất nhiều chuyện để kể, nhưng ở đây tôi chỉ nhắc lại câu nói của đồng chí Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn): "Tình báo giờ phải mở mạnh ra ngoại quốc, phải coi thế giới họ thay đổi như thế nào. Đương nhiên tình báo phải đi tìm địch, nhưng thời đại hiện nay tình báo cũng phải tìm bạn mà chơi, thậm chí phải chơi được cả với kẻ thù, để không cho nó đánh mình". Tôi nhớ mãi câu nói ấy của nhà tình báo lỗi lạc, và đến giờ vẫn chính xác với những gì đang diễn ra.
Cũng trong năm 2000, có lần tôi tháp tùng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đi công tác nước ngoài, một chuyến đi đầy khó khăn nhưng đặc biệt thành công. Trong bữa tiệc chiêu đãi trước khi về nước, lãnh đạo nước bạn đi chúc rượu, đột nhiên dừng lại bên tôi và hỏi: "Đồng chí là cán bộ tình báo, sao lại phục vụ đồng chí Tổng Bí thư trong công tác đối ngoại?". Tôi đáp: "Thưa đồng chí, trong thời chiến thì tình báo tìm địch để đánh thắng, còn trong thời bình tình báo tìm bạn để có hòa bình và hữu nghị". Hai đồng chí lãnh đạo cùng cười vui vẻ.
Ba tôi (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) từng nói với mẹ tôi khi từ chiến trường miền Nam ra: "Trước mỗi chiến dịch, Thanh (ông thường xưng hô với mẹ tôi như thế) không nghĩ đến việc mình có thể hy sinh, không nghĩ đến khó khăn phải đối mặt, mà cái khó nhất là biết được anh em mình có thể sẽ không tránh khỏi hy sinh mà vẫn phải đánh". Đưa người chiến sĩ ra chiến trường, đối mặt với hòn tên mũi đạn nhưng không thể không hạ lệnh: "Đánh!" là điều thế hệ ba tôi đã làm, vì khi đó chúng ta chẳng còn lựa chọn nào khác. Nhưng khi đã có hòa bình mà phải làm như thế thì là điều muôn vàn cẩn trọng và phải cố gắng cao nhất để nó không xảy ra.
Thế hệ chúng tôi sau này trưởng thành trong hòa bình và hội nhập, không có được những kinh nghiệm dày dặn và quá khứ hào hùng trong chiến tranh, nhưng lại có khát khao bảo vệ Tổ quốc bình yên, đất nước giàu mạnh. Đó là những người đã chứng kiến sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, chứng kiến ranh giới hòa bình - chiến tranh sụp đổ chỉ trong chớp mắt. Nên sự thay đổi nhận thức là tất yếu. Mấy chục năm trời, hình ảnh của Quân đội Việt Nam luôn gắn liền với chiến tranh. Nhưng trong bối cảnh thế giới thay đổi mạnh mẽ thì quân đội cũng phải thay đổi, phải hội nhập, phải hợp tác, phải tham gia vào các công việc quốc tế và khu vực, đó là xu thế, là yêu cầu bắt buộc.
- Những bước đi đầu tiên của đối ngoại quốc phòng diễn ra như thế nào?
- Công tác đối ngoại quốc phòng được xúc tiến ngay khi quân đội mới thành lập, đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nhưng trong các giai đoạn ấy, chúng ta chủ yếu chỉ tập trung vào quan hệ với Lào - Campuchia và các nước thuộc phe XHCN. Với các nước bạn láng giềng, thì chủ yếu là "ta giúp bạn", còn với các nước phe XHCN thì ngược lại, chủ yếu là "bạn giúp ta". Bên cạnh đó, quân đội đã tham gia rất tích cực vào nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao với Pháp, Mỹ... để góp phần đem lại hòa bình cho đất nước sau chiến tranh.
Sau những năm 1990, tình hình đã thay đổi căn bản, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã, nên "bạn" chỉ còn những người anh em láng giềng và Cu Ba xa xôi. Chính những bước đi đầu tiên đánh dấu bằng những chuyến thăm cấp cao quốc phòng đến với các nước, đặc biệt là nước lớn đã hình thành nền móng cho những mối quan hệ song phương đa dạng và thực chất như hiện nay, với hơn 80 quốc gia có quan hệ quốc phòng với Việt Nam.
Tôi nhớ khi đó anh Ba Kiên (Thượng tướng Phan Trung Kiên, Anh hùng LLVTND) là Thứ trưởng Quốc phòng tham gia Đoàn của Bộ trưởng Phạm Văn Trà thăm Mỹ. Khi qua cổng từ kiểm tra an ninh, máy kêu, anh Ba Kiên quay lại bỏ hết đồ trong túi ra, máy vẫn kêu. Hải quan Mỹ hỏi: "Trong người ông có kim loại không?". Anh Ba Kiên thản nhiên đáp: "Có! Nhiều lắm. Đều là mảnh bom đạn của Mỹ", nói xong anh ngẩng đầu đi thẳng trước sự sững sờ của người Mỹ. Các tướng thắng trận của chúng ta thể hiện tâm thế hiên ngang như thế, để khẳng định một thông điệp là Việt Nam mong muốn hợp tác và chung sống trong hòa bình, nhưng cũng sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc bằng mọi biện pháp, dù có phải chiến đấu một lần nữa.
- Những quyết sách nào, theo ông, đã mang lại sự thay da đổi thịt thực chất cho đối ngoại quốc phòng?
- Tôi nhớ lại mùa thu năm 2009 tại Bangkok, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tuyên bố: "Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức ADMM+ đầu tiên vào mùa thu năm 2010". Đấy là một tuyên bố rất mạnh mẽ, quyết đoán, nhưng cũng đầy thách thức. Vì lúc đấy ta vẫn tay trắng, nội dung, thành phần, thể thức còn chưa có gì cả. Cần biết rằng ADMM+ là ước mong của nhiều nước trong ASEAN, việc này đã được nêu ra từ mấy năm trước, nhưng chưa nước nào đủ tự tin, và Việt Nam là nước đầu tiên làm được. Tổ chức một Hội nghị có sự tham gia của 18 bộ trưởng quốc phòng (10 nước ASEAN và 8 cường quốc lớn) là không hề đơn giản, nhưng chúng ta đã thành công khi tìm ra được điểm chung chiến lược của chừng đó nước, đồng thời phù hợp lợi ích nước mình. Bài học rút ra là nếu chỉ nghĩ đến lợi ích của mình thì sẽ thất bại, nhưng nếu ta không bảo vệ lợi ích của mình thì sẽ có hại cho đất nước. Công thức đối ngoại thành công nhất là khi cả hai bên cùng thắng.
Sau sự kiện này, đối ngoại quốc phòng vốn từ hoạt động mang tính hình thức chuyển sang thực chất. Từ đây, số người không ủng hộ hoạt động đối ngoại, nghi ngờ tính phi quân sự của quốc phòng... đã thay đổi thái độ. Nhiều người vẫn mang tâm lý, quân đội súng ống đầy người mà chăm chăm vào hoạt động phi quân sự là thiếu dũng cảm, là "hòa bình chủ nghĩa". Nhưng thế giới bây giờ, người ta nói: "Luyện quân tốt để không phải đánh, mua vũ khí hiện đại để không phải bắn". Nếu thiếu dũng cảm để đem lợi ích cho đất nước, thì người lính như tôi sẵn sàng mang cái tiếng xấu ấy.
Sau đó một thời gian chúng ta bắt đầu đưa quân tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Hơn mười năm chuẩn bị, nhiều vấn đề vẫn chưa ngã ngũ, như: Làm việc này lợi ích gì cho đất nước? Chúng ta có làm được không? Cấp trên giao tôi dẫn đầu một đoàn cán bộ đi nghiên cứu thực tiễn ở Châu Phi và Liên Hợp Quốc. Và câu trả lời của đoàn công tác là: cần phải làm nếu chúng ta muốn thật sự là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và chúng ta có thể làm được.
Thực tế đã chứng minh, chúng ta đã chọn đúng thời điểm, đúng nội dung, đúng cách thức để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với mục tiêu đem lại lợi ích cho đất nước, tôn thêm hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Việc đó đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
- Thế hệ của cha ông (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), chọn chiến tranh để giải phóng đất nước. Nhưng đến đời ông, ông lại lựa chọn bảo vệ đất nước bằng con đường hòa bình, chọn đối thoại để giải quyết xung đột. Hai con đường đó có mâu thuẫn với nhau?
- Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, cũng như chiến tranh bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, thế hệ trước như cha tôi và đồng chí của ông không có lựa chọn nào khác là phải đánh. Khi đó chúng ta bị xâm lược, không thể có một sự lựa chọn khác ngoài việc dùng một cuộc chiến chính nghĩa để chống lại chiến tranh xâm lược phi nghĩa. Dù là khi ấy hay bây giờ, không thể có tiếng nói khác, vì như thế là hèn nhát và phản bội.
Nhưng cần nhớ rằng, thế hệ cha anh chúng ta đánh giặc thì mục đích cao nhất luôn là "Đánh để có độc lập tự do", "Vì hòa bình mà đánh". Trong tuyên bố chiến thắng ngày 1/5/1975, được soạn thảo dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đảng và Nhà nước ta đã gửi lời chào đến nhân dân Mỹ, bày tỏ mong muốn có quan hệ hữu nghị với nước Mỹ và kêu gọi hãy cùng bước ra khỏi đau thương của chiến tranh để tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp trong hòa bình.
Sự nghiệp mà tôi theo đuổi những năm qua, chính là tiếp nối sự nghiệp của các thế hệ đi trước, bảo vệ những gì họ đã đem lại cho đất nước. Đó là độc lập tự do, là toàn vẹn lãnh thổ, là lợi ích quốc gia dân tộc, là hòa bình. Họ đã đánh thắng rồi, nhân dân ta đã hy sinh xương máu rồi, bây giờ làm sao để đừng phải đánh nữa mà vẫn giữ được thành quả của cha ông, để công sức họ không đổ xuống sông, xuống biển. Vì vậy, thế hệ cha tôi không thể không chọn chiến tranh, nhưng chúng tôi thì không thể không bảo vệ nền hòa bình của đất nước trong độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ.
- Cha ông làm Tướng quân đội thời chiến, ông làm Tướng quân đội thời bình, ông nghĩ Tướng thời nào khó hơn?
- Lứa tuổi chúng tôi bố mẹ đều ở chiến trường, hầu như gia đình nào cũng có người trong quân ngũ, nên danh từ "Ông Tướng" luôn là niềm ngưỡng mộ của mọi người, từ trẻ đến già. Cả triệu quân, chỉ có vài mươi tướng, thế mà vẫn đánh thắng hết cường quốc này đến cường quốc khác. Vì vậy, "Tướng" của những năm tháng chiến tranh can trường, tài giỏi, cao đẹp, vĩ đại vô cùng... Nói đến "Tướng" là phải cầm quân và đánh thắng. Sự khốc liệt của chiến tranh sẽ không dung thứ sự hèn nhát, không cho phép thất bại, không được sai lầm. Nếu chỉ huy kém thì hoặc là hy sinh, hoặc là phải rời vị trí. Thế nên cha tôi mới nói, làm Tướng là cái nghiệp xả thân.
Làm Tướng thời bình có cái khó của Tướng thời bình, nhưng cuối cùng vẫn là hoàn thành nhiệm vụ. Với riêng tôi, tôi chưa dám nhận mình là Tướng, mà chỉ là người được mang quân hàm Tướng. Để xứng đáng với nó, tôi phải không ngừng cống hiến cho đất nước và quân đội, dù ở bất kỳ vị trí nào.
Từ khi 4 tuổi, tôi đã được cha mình thêu trên ve áo hai miếng dạ màu đỏ không sao, không gạch, gọi tôi là "Binh bét" và bảo rằng sau này con đường của tôi là trở thành bộ đội. Giờ sắp nghỉ hưu rồi, tôi chỉ có thể đứng trước bàn thờ cha mình mà nói rằng, với tư cách là một người lính, tôi đã làm tốt từng nhiệm vụ được giao. Chỉ như vậy thôi. Tôi biết ơn Đảng, Chính phủ, Quân đội với quân hàm Thượng tướng mà tôi được trao, nhưng niềm tự hào theo suốt đời tôi là quân hàm "Binh bét" mà cha trao tặng.
- Điều ông trăn trở nhất suốt đời bình nghiệp là...
- Là còn nhiều lắm những hài cốt liệt sĩ trong chiến tranh, kể cả trên đất mẹ cũng như đất khách, là hài cốt các liệt sĩ ở Gạc Ma chưa đưa về được. Trước lúc Đại tướng Lê Đức Anh mất, di nguyện của ông là phải đưa bằng được họ về quê nhà. Đó cũng là điều mà tôi day dứt vì chưa làm được...
Tô Lan Hương
Bài 2: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: 'Nếu mất Biển Đông là có tội'