"Nếu một quốc gia tự khu biệt mình, tự áp đặt ý chí của mình lên các vấn đề chung của thế giới thì chúng ta sẽ có một thế giới hỗn loạn, nhất là khi thế giới có rất nhiều phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, xã hội và văn hóa, nhưng đồng thời cũng phát triển vô cùng mạnh mẽ những vũ khí giết người hàng loạt, các phương tiện quân sự tối tân", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại một hội nghị về chính sách đối ngoại đa phương tại Hà Nội hôm nay.
Ngày nay, để đối phó với các thách thức và tận dụng cơ hội, các nước có nhiều công cụ như chính trị, kinh tế, pháp luật, quốc phòng, quân sự nhưng hiện nay công cụ ngoại giao là quan trọng hàng đầu để giải quyết các mối quan hệ quốc tế, ông Vịnh nói.
Theo tướng Vịnh, trong các tranh chấp, diễn đàn đa phương rất thích hợp để giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, được quốc tế thừa nhận. Các diễn đàn đa phương tạo cho các nước, nhất là các nước nhỏ có tiếng nói bình đẳng. Diễn đàn đa phương cũng giúp những người có lẽ phải có điều kiện công khai minh bạch lẽ phải của mình, yêu cầu mọi quốc gia, tổ chức tham gia các diễn đàn tuân thủ luật pháp quốc tế.
"Nước nào cũng thế, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc của mình là trên hết, nhưng các nước cũng phải tôn trọng và quan tâm đến lợi ích quốc gia của các nước khác một cách chính đáng, trên cơ sở luật pháp quốc tế", ông Vịnh nhấn mạnh.
Lấy ví dụ về ảnh hưởng tích cực của các diễn đàn đa phương, ông Nguyễn Chí Vịnh nhắc lại hồi năm 2010, Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cùng các 8 đối tác (ADMM+). Việc bộ trưởng quốc phòng của 18 nước, trong đó có những nước có tiềm lực quân sự lớn nhất thế giới, là "điều chưa từng thấy", ông Vịnh đánh giá. Thành quả của ADMM+ là các thế lực mạnh nhất cũng như nhỏ hơn đã cùng cam kết không sử dụng vũ lực.
Việt Nam đã có những bước đi thể hiện trách nhiệm chung với cộng đồng quốc tế, chú trọng hợp tác quốc phòng đa phương ở khu vực và thế giới. Tháng 5 vừa qua Việt Nam thành lập Trung tâm Gìn giữ Hòa bình của Liên Hợp Quốc và cử hai sỹ quan đến Nam Sudan làm nhiệm vụ. Sắp tới Việt Nam sẽ tiếp tục cử lực lượng công binh, lực lượng của bệnh viện cấp hai đi tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ.
Hội nghị Đối ngoại Đa phương thế kỷ 21 và Khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam diễn ra trong ngày hôm nay là hội nghị lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc, có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu.
Có ba diễn giả nước ngoài là chuyên gia hàng đầu quốc tế về đối ngoại đa phương, gồm cựu tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) Pascal Lamy, cựu phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Jayantha Dhanapala, cựu bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo.
Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan, cựu bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển, cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh cũng tham gia trao đổi về các kinh nghiệm của Việt Nam trong xử lý các vấn đề đa phương.
Việt Anh