Tổng thống Philippines Benigno Aquino đang có chuyến thăm chính thức tới Mỹ. Ảnh: AFP |
Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, người vừa có chuyến thăm Philippines hồi đầu tuần này, cho biết Philippines "phải tập trung vào các vấn đề chống khủng bố và đôi khi là những cuộc nổi dậy trong nước trong hàng thập kỷ, do đó sức chiến đấu của quân đội có phần bị ảnh hưởng". "Chúng tôi nghĩ rằng họ cần được hỗ trợ, đặc biệt là vấn đề an ninh biển", Dempsey phát biểu tại Washington sau cuộc gặp với Aquino.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino, đang ở Washington, sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong ngày hôm nay. Philippines là nước đồng minh lâu năm của Mỹ và mối quan hệ này càng chặt chẽ trong thời gian gần đây khi ông Aquino cam kết chống tham nhũng và tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, AFP cho hay.
Một quan chức khác trong chính phủ Mỹ cho biết hai nhà lãnh đạo hôm nay sẽ nhìn lại sự hợp tác quốc phòng chặt chẽ trong thời gian qua và nói về việc mở rộng hợp tác trong tương lai. Mỹ đã hỗ trợ Philippines nhiều trong việc nâng cấp quân đội và Philippines đồng ý tăng số lượng quân Mỹ triển khai ở nước này, dù không phải là đóng quân lâu dài.
Việc tăng cường hợp tác Mỹ - Philippines diễn ra trong bối cảnh Philippines có những căng thẳng với Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham tại Biển Đông. Khu vực này có vị trí chiến lược và được cho là giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên, vốn tồn tại các tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc.
Tướng Dempsey cho biết ông và tổng thống Philippines không bàn bạc về những tranh chấp cụ thể nhưng "kêu gọi các bên có liên quan giải quyết các vấn đề thông qua các cơ chế hợp tác quốc tế hiện có và tránh xảy ra xung đột". Hai bên cũng đã thảo luận và thống nhất về sự cần thiết của việc "đảm bảo tự do hàng hải" ở vùng Biển Đông, ông Demsey cho hay.
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Obama cũng cam kết sẽ tăng cường sự tập trung vào châu Á với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta rằng Mỹ sẽ tăng tỷ lệ các tàu hải quân tại Thái Bình Dương lên 60% vào năm 2020, thay vì 50% như hiện nay.
Trung Quốc lên tiếng chỉ trích các động thái trên của Mỹ, cho rằng chiến lược này nhắm đến Trung Quốc và Mỹ đang muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Ông Dempsey phủ nhận các suy nghĩ trên và tuyên bố chiến lược này chỉ nhắm đến việc mang lại ổn định cho châu Á.
"Tôi khẳng định với tất cả mọi người rằng chiến lược của chúng tôi về việc phân bố lại lực lượng trên Thái Bình Dương không nhắm đến Trung Quốc", Dempsey nói.
Ông Obama cũng dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế với Aquino, trong đó có việc Philippines cần tham gia đối thoại trong cơ chế hợp tác thương mại mới là hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Ernie Bower, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, dự đoán rằng Mỹ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho Philippines trong các về đề tại Biển Đông. Tuy nhiên, các vấn đề kinh tế cũng là một nội dung lớn để cân bằng sau những lo lắng trong khu vực rằng Mỹ tập trung quá nhiều vào quân sự ở châu Á.
"Mỹ đặt rất hy vọng vào ông Aquino, ông ấy có những tham vọng về phát triển kinh tế và có những mong muốn phát triển cả về chính trị và quân sự", Bower nói.
Vũ Hà