Ngày 4/10, đã nghỉ hưu nhưng thiếu tướng Phan Anh Minh - nguyên Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM - vẫn được mời đến hội nghị về thực trạng tội phạm ma tuý và bàn về các giải pháp phòng chống. "Tội phạm ma tuý quy mô ngày càng lớn. Hồi xưa khi chúng ta bắt, đơn vị tính tang vật là bánh, là kg heroin, nhưng bây giờ phải tính bằng tấn", ông nói.
Tướng Minh cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tội phạm ma tuý hoạt động mạnh tại TP HCM là lượng người nghiện ở đây rất nhiều - hơn 24.000 người; trong đó ngành chức năng chỉ quản lý hơn 10.000 hồ sơ, 14.000 người nghiện đang ở ngoài xã hội.
Người nghiện gia tăng, chủng loại ma tuý được sử dụng ngày càng nhiều gây ra hậu quả về trật tự xã hội, thậm chí người nghiện cuồng sát người thân. Bằng kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề, tướng Minh khẳng định "người nghiện là yếu tố trung tâm, tiêu cực và nguy hiểm nhất" bởi không chỉ là nguồn tiêu thụ ma tuý, nuôi sống tội phạm buôn ma tuý, mà chính người nghiện sẽ trở thành nhân lực tiếp tay, làm an ninh xã hội xấu hơn.

Thiếu tướng Phan Anh Minh tại hội nghị. Ảnh: Quốc Thắng.
Ông kể, trong hai năm 2008 và 2013 phạm pháp hình sự tại TP HCM tăng. Soi lại vấn để, ông đánh giá nguyên nhân là bế tắc về giải quyết người nghiện theo Nghị Quyết 16 - thí điểm quản lý sau cai nghiện được huỷ bỏ, luật xử lý vi phạm hành chính chuyển đổi từ quyết định của UBND sang toà án khiến xử lý tồn đọng.
Hơn 10 năm qua nhà nước giảm dần các quy định chế tài đối với người nghiện, công khai ngày càng nhiều trên các diễn đàn chính thức, nhân danh quyền con người để coi người nghiện là bệnh nhân cần chăm sóc, chữa trị.
"Tôi không phản bác điều đó, nhưng nói như vậy là không đủ, thiếu đi vế bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng", ông Minh nói và cho rằng phải nhìn một cách toàn diện. Tức là, người nghiện là người có lỗi nhiều lần sử dụng trái phép chất ma tuý, tự gây khuyết tật lệch lạc nhân cách, có nguy cơ cao đối kháng với lợi ích xã hội và vi phạm pháp luật. Do đó họ phải được chữa trị và quản lý đặc biệt.
Ông Minh cũng đề xuất nên có quy định xử lý nghiêm hơn đối với vũ trường, bar, karaoke, dịch vụ lưu trú... để xảy ra tình trạng sử dụng trái phép chất ma tuý. Có thể liên tục kiểm tra, xử lý các cơ sở này mà không bị ràng buộc bởi quy định chỉ kiểm tra doanh nghiệp một lần một năm.
Trước việc TP HCM trở thành nơi trung chuyển ma tuý, nguyên Phó giám đốc Công an TP HCM cho rằng, các đường dây tội phạm ma tuý nước ngoài chọn thành phố vì có giao thông kết nối nhanh với các nước khác, thuận tiện giao thương và đặc biệt là do việc tương trợ tư pháp giữa các nước với Việt Nam có nhiều hạn chế. Phát hiện tội phạm đã khó mà khi xử lý cũng khó.
"Có lần hỏi cung, đối tượng trả lời tôi rằng 'mấy anh hội nhập kinh tế mà pháp luật không hội nhập thì dại gì mà không trung chuyển qua Việt Nam'", ông Minh kể.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho là cần tập trung lực lượng "đánh" có trọng tâm vào tệ nạn ma túy. Lực lượng công an, hải quan, biên phòng... cần phối hợp ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào thành phố. Ông giao Ban Nội chính Thành ủy nghiên cứu dự thảo quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện, phải thêm các thành viên của Sở Công thương, Sở Y tế vào thành phần đoàn kiểm tra liên ngành. Những trường hợp để xảy ra sai phạm lặp lại nhiều lần phải kiên quyết xử lý.
Người đứng đầu Thành uỷ TP HCM đề xuất nghiên cứu gắn camera giám sát tại những tụ điểm nghi vấn, nếu được sẽ cho thí điểm ở các khu vực phức tạp ở quận 1, quận 3.
Quốc Thắng