Akshay Kumar Singh, chồng của Punita, và ba bị cáo khác ngày 13/9 bị tòa tuyên án tử hình vì các tội danh giết người, cưỡng hiếp và bắt cóc. Cuối tháng 12/2012, 4 người này và hai kẻ khác đã cưỡng hiếp tập thể một nữ sinh 23 tuổi trên một chiếc xe buýt. Cô gái này sau đó qua đời vì những vết thương quá nặng.
Án tử hình cho kẻ thủ ác giúp gia đình nạn nhân khép lại một ký ức đau thương. Nhưng với Punita, người mẹ trẻ còn đang trong độ tuổi đôi mươi, và đứa con trai mới hai tuổi, bản án dành cho người chồng Akshay lại mở ra cho cô một tương lai đầy bất định.
Punita có thể sẽ bị gia đình nhà chồng hắt hủi và phải đối diện với sự kỳ thị bởi những con người bảo thủ ở nơi đây. Cô bị kỳ thị không phải vì đã lấy một kẻ giết người mà vì cô là người phụ nữ không có chồng. "Tôi sẽ mất tất cả danh dự nếu là một góa phụ", cô nói.
Những ngôi làng nhiều hủ tục
Punita sống cùng gia đình nhà chồng ở ngôi làng Karmalahang, phía đông bang Bihar, Ấn Độ. Phụ nữ nơi đây luôn che kín mặt, sống khá tách biệt và chỉ được phép ra ngoài khi có một người họ hàng là nam giới đi cùng. Cô thậm chí còn phải đợi đến khi trời tối chỉ để ra sau nhà đi vệ sinh.
"Để người phụ nữ ra ngoài làm việc không phải là truyền thống của chúng tôi", Vinay Singh, anh trai của Akshay nói.
"Trong gia đình chúng tôi, phụ nữ gần như chết ở nhà. Họ không được phép đi ra ngoài", Malati Devi, mẹ chồng Punita nói thẳng.
Những quan điểm như vậy thật khó tin là còn tồn tại ở Ấn Độ. Quốc gia này có nữ tổng thống đầu tiên ngay từ những năm 60 và vẫn đang tự hào về tỷ lệ nữ giới tham gia hoạt động chính trị, kinh tế. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, nơi 70% dân số của Ấn Độ đang sinh sống, người phụ nữ lại bị hạn chế quyền lợi và phải chịu một cuộc sống thiếu tự do.
Tại một số ngôi làng, các tội danh liên quan đến người phụ nữ không được báo cảnh sát. Thay vào đó, những người lớn tuổi sẽ thực thi quy định của họ, theo quan điểm "phép vua thua lệ làng".
Punita lớn lên trong một ngôi làng nhỏ, cách Karmalahang, Bihar khoảng 130 km. Gia đình cô có một trang trại rộng nửa hecta trong khu vực quanh năm hạn hán ở huyện Jharkhand. Punita cho biết mình mới 21 tuổi, dù học bạ ở làng cho thấy cô đã 24 tuổi.
Cô có ba chị gái và một em trai. Sau khi học hết lớp 6, gia đình buộc Punita phải nghỉ học để chăm sóc người mẹ bị ốm. Những người chị của cô đều sớm rời nhà để đi lấy chồng. Cha mẹ cô cho rằng cậu em trai cần được đi học hơn là các chị em gái.
Ở Ấn Độ, tỷ lệ mù chữ của nữ giới cao hơn nam giới. Theo số liệu điều tra dân số đối với khu vực nông thôn, khoảng 60% phụ nữ biết chữ trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 80%. Punita chỉ có thể viết được tên mình, một vài từ Hindi và đọc được chút ít. Cô cho biết từ nhỏ đã phải học những kỹ năng nuôi dạy con cái và chăm sóc việc nhà để lấy chồng sau này.
Nhiều phụ nữ ở nông thôn sử dụng "Devi" thay cho họ của mình. "Devi" trong tiếng Hindi có nghĩa là "nữ thần". "Đối với chúng tôi, người chồng mới là thần", Sudha Devi, một nhân viên y tế của chính phủ ở Karmalahang và không có họ hàng với Punita Devi, cho biết. "Tôi không nghĩ là có sự bình đẳng giới ở đây".
Giữa năm 2010, cha mẹ Punita đồng ý gả cô cho Akshay Kumar Singh nhờ sự mai mối từ vợ một người anh họ của Akshay. "Tôi không bị buộc phải làm thế, nhưng đó là một quyết định mà cha mẹ tôi đã đưa ra. Ở vùng quê này, đó là cách mọi việc diễn ra", Punita nói. "Trong đời người phụ nữ, hôn nhân và đức lang quân là tất cả".
"Đó là cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối", Lilavati Devi, mẹ của Punita, nói. Tháng 5/2010, bà cho cho con gái đi lấy chồng với của hồi môn giản dị: một cái giường gỗ và vài đồ dùng trong bếp. "Tôi nói với nó rằng hãy sống tốt và hòa thuận với gia đình mới", Lilavati kể.
Hai năm đầu trong cuộc sống hôn nhân của Punita diễn ra bình lặng. Tuy nhiên, cô không chỉ phải chăm sóc cha mẹ chồng mà còn phải chăm sóc anh chị của Akshay, vì chồng cô là con út.
Ngôi làng mới Karmalahang của Punita không phải là miền đất hứa. Tình trạng khô hạn khiến việc trồng trọt và chăn nuôi phục vụ cho cuộc sống của gần 1.500 người ở đây rất khó khăn. Các thanh niên trong làng, bao gồm cả anh em Singh, đều vào các khu công nghiệp trong thành phố kiếm sống. Họ trích ra từ 30 USD đến 45 USD mỗi tháng tùy theo thu nhập bản thân để gửi về nhà.
"Tôi chẳng bao giờ hỏi anh ấy đã ở đâu hoặc đang làm gì", Punita kể. "Tôi biết anh ấy đi để kiếm tiền".
Giữa năm 2011, Punita sinh đứa con trai đầu lòng. Đứa bé bị nhiễm trùng phổi ngay sau khi ra đời, nhưng thu nhập của chồng cô đủ để lo cho việc chữa bệnh.
Trong chuyến về thăm nhà vào tháng 8 năm ngoái, Singh đưa cho vợ một chiếc điện thoại di động, vì thế họ có thể nói chuyện khi anh này đi xa. Singh nói rằng anh ta đang làm cho một cửa hàng rượu ở thành phố Dhanbad của bang Jharkhand.
Trước khi lại rời nhà đi làm ăn (lần này là tới thủ đô New Delhi), Singh đưa cho vợ 20 USD. Punita dùng khoản tiền này để mua một cái áo, hoa quả và nhiều thứ khác cho con trai.
Sau lần đó, cô không gặp chồng mình thêm lần nào nữa cho tới tháng 12/2012.
Tương lai bất định của người vợ trẻ
Ngày Punita gặp lại chồng sau gần nửa năm xa cách cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi đầu tháng trước, Punita và cha chồng nói Singh về nhà hôm 21/12/2012, tức là một ngày sau khi cảnh sát đến tìm anh này vì vụ cưỡng hiếp tập thể tại Delhi hôm 16/12.
Thông tin về vụ hiếp dâm tập thể lan truyền trên khắp các phương tiện truyền thông Ấn Độ. Tuy nhiên, ngôi làng Karmalahang vẫn không hề hay biết vì nguồn điện và báo chí chưa tiếp cận đến nơi đây. Theo Punita, chồng cô, lúc đó đã để râu, về nhà và chẳng có vẻ gì là lo lắng hay căng thẳng.
Kể từ đây, Punita và các thành viên khác trong gia đình của Singh đã thay đổi lời khai của họ về việc anh này trở về nhà. Họ khai trong một phiên tòa hồi tháng 8 rằng Singh thực ra về làng vào ngày 15/12, trước khi vụ tấn công ở Delhi xảy ra. Luật sư của Singh, ông A.P. Singh (không có quan hệ họ hàng) coi đó là cách họ bảo vệ thân chủ của ông.
Thẩm phán Yogesh Khanna đã bác bỏ chứng cớ ngoại phạm nêu trên. Trong phán quyết của mình, ông trích dẫn những điểm mâu thuẫn trong lời khai của người nhà Singh. Lời khai của họ trái ngược với các điều tra của cảnh sát, lời khai của nhân chứng và bằng chứng liên quan tới Singh tại hiện trường vụ án. Anh này là phụ xe trên chính chiếc xe buýt được dùng để gây án.
Kể từ khi Singh bị bắt, gia đình anh ta đã chìm trong biến động. Các anh em trai Vinay và Abhay, những người làm việc quanh Delhi, đã bỏ việc khiến tình hình tài chính của gia đình càng thêm căng thẳng. Danh tiếng của gia đình này cũng bị hủy hoại.
"Họ coi chúng tôi như những tiện dân", Abhay, người làm việc trong một nhà máy sơn ở ngoại ô Delhi, nói.
"Chúng tôi trở về nơi chúng tôi sinh ra, và những gì diễn ra sau đó là một vết trượt dài không có đoạn kết", Vinay, người làm việc trong một nhà máy may, nói.
Hồi tháng 4, Punita bắt một chuyến tàu đêm để lần đầu tiên lên thủ đô Delhi vì muốn thăm chồng trong trại giam. Ngay ở cái nhìn đầu tiên qua cửa kính ở khu thăm viếng, cô đã òa khóc.
"Hãy tự giữ sức khỏe của mình và con", Singh nói. "Tôi sẽ về nhà. Tôi vô tội".
Nhưng không có đồng lương của chồng, Punita không thể chi trả cho việc điều trị của con trai. Bữa ăn của đứa bé cũng bị ảnh hưởng, khi hai mẹ con phải sống nhờ vào đồ bố thí từ các anh em của Singh và vợ của họ.
"Tôi cảm thấy mệt mỏi", Punita nói. "Chẳng ai nghĩ tốt về một người phụ nữ không có chồng ở bên để đỡ đần".
Trong một lời nhắn mà Singh nhờ luật sư gửi cho vợ, anh này nhắn nhủ: "Cô ấy nên mạnh mẽ. Cô ấy nên tìm việc. Tôi muốn cô ấy sống. Tôi muốn cô ấy dạy dỗ con của chúng tôi thành một người tốt. Khi nó lớn, tôi muốn nó biết sự thật về tôi, rằng tôi vô tội".
Nhưng lời nhắn nhủ ấy chẳng giúp gì được cho Punita. Những người thân nói rằng họ chẳng thể tiếp tục giúp đỡ hai mẹ con cô. Các anh em của Singh thì nói rằng những gì họ kiếm được cũng chỉ đủ để nuôi vợ con.
Dùng chính chiếc điện thoại mà chồng đưa cho hồi năm ngoái, Punita gọi cho mẹ đẻ: "Con có thể làm gì?". Bà Lilavati vừa khóc vừa nói rằng bà chẳng có câu trả lời nào cho con gái.
"Nếu nó được ăn học đầy đủ, nó lẽ ra đã có thể tự kiếm sống", Lilavati nói khi ngồi gần một bức ảnh con gái bà trong bộ sari màu xanh. Trong bức ảnh đó, Punita đang đứng trước một khu vườn với nụ cười mỉm.
Raj Mohan Singh, cha của Punita, nói rằng con gái ông không thể về nhà, vì cha mẹ cô đang cùng sống ở đây với gia đình của người con trai. "Chúng tôi sẽ không thể để mắt đến nó", ông nói. "Anh trai nó cũng không giúp được gì. Nó còn chẳng tự lo cho bản thân được, thì làm thế nào mà lo cho Punita?"
Punita lúc này không biết phải về đâu. "Có ai nghĩ cho tôi không?", cô hỏi trong nước mắt sau khi biết về án tử hình của chồng. "Tôi còn sống và có một đứa trẻ bằng xương bằng thịt".
Nguyễn Tâm (theo WSJ)