"Ngậm thìa đất" mà Choi nói mang nghĩa đối nghịch với thành ngữ "ngậm thìa vàng", chỉ những người sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu có, quyền lực.
Vợ chồng Choi tốt nghiệp đại học với khoản vay sinh viên đến nay chưa trả hết. Bố mẹ họ cũng không có khoản tích cóp nào cho tuổi nghỉ hưu. Hiện, họ thuê căn hộ nhỏ ở tỉnh Gyeonggi, vừa cố tiết kiệm, vừa gửi tiền cho bố mẹ. Để mua được một căn nhà cùng diện tích ở Seoul, họ cần nhịn ăn tiêu hơn 10 năm.
"Bố mẹ thường mong con có cuộc đời tốt hơn mình nhưng chúng tôi không kỳ vọng phi thực tế như vậy", Choi nói.
Choi cho rằng sinh ra trong gia đình nghèo thì khó vượt lên hoàn cảnh, thậm chí còn có thể truyền cái nghèo cho con cái. Vì vậy, vợ chồng anh quyết định không sinh con.
Anh không phải người duy nhất bi quan về tương lai. Khảo sát của Viện Phát triển Hàn Quốc năm ngoái cho thấy chỉ 30% người tin con họ sẽ có cuộc đời tốt hơn bố mẹ.

Một người mua sắm tại cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc năm 2024. Ảnh:Yonhap
Giáo sư Shin Kwang-yeong ở Đại học Chung-Ang nhận định, câu nói "không ai khó ba đời" không còn đúng trong xã hội Hàn Quốc ngày nay. Thất vọng với con đường thăng tiến thông qua học hành, Gen Z dần chuyển sang đầu tư chứng khoán và tiền điện tử.
Trong thời kỳ kinh tế Hàn Quốc phát triển mạnh, nhiều người tin rằng dù xuất thân nghèo khó, chỉ cần học giỏi và vào được đại học danh tiếng thì vẫn có thể đổi đời, đặt chân vào tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu.
Nhưng hiện, bậc đầu tiên của nấc thang xã hội đã gãy vì cơ hội vào các trường hàng đầu phần lớn phụ thuộc vào tài sản của bố mẹ.
Dữ liệu từ văn phòng đại biểu Kim Hoi-jae thuộc Đảng Dân chủ cho thấy gần một nửa sinh viên tại ba đại học danh giá nhất Hàn Quốc gồm Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei (nhóm trường SKY) có bố mẹ nằm trong nhóm 20% thu nhập cao nhất.
Khi cuộc đua vào đại học ưu tú ngày càng khốc liệt và bắt đầu từ rất sớm, nhiều phụ huynh Hàn Quốc chi mạnh cho học trường tư và gia sư để con có lợi thế.
Năm 2023, tổng chi cho giáo dục tư nhân của trẻ em trong độ tuổi đi học lên tới 27,1 nghìn tỷ won, tương đương 19,5 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Kim, 37 tuổi, một chuyên gia tài chính, thừa nhận cuộc sống ổn định hiện tại của anh phần lớn nhờ bố mẹ. Anh từng sống khoảng ba năm ở Mỹ khi còn là thiếu niên, thời điểm bố anh theo học thạc sĩ ở Boston.
Khi trở về Hàn Quốc, bố mẹ Kim thuê gia sư người Mỹ giúp anh giữ vững khả năng tiếng Anh, đồng thời mời thêm gia sư đắt tiền để luyện thi đại học. Anh tốt nghiệp một trong ba trường SKY và lấy chứng chỉ kế toán công chứng AICPA tại Mỹ.
"Lúc 20 tuổi, tôi nghĩ thành tựu của mình là nhờ nỗ lực cá nhân. Tôi thực sự đã học và làm việc chăm chỉ", Kim nói. Nhưng khi lớn hơn, tiếp xúc với nhiều người hơn, tôi mới hiểu không phải ai cũng có bố mẹ giàu có.
Ngay cả với những người đỗ vào đại học danh tiếng, tấm bằng từng là nấc thang vững chắc để tiến thân nay không còn đảm bảo con đường sự nghiệp như trước.
Park Da-jung, 27 tuổi, tốt nghiệp ngành truyền thông ở Đại học Seoul, từng làm thực tập sinh và nhân viên ở nhiều công ty nhưng không thể có được vị trí ổn định tại tập đoàn lớn. Cô đạt điểm tuyệt đối, GPA trên 4.0 và TOEIC 990 và có nhiều chứng chỉ chuyên ngành, nhưng vẫn bị loại từ vòng hồ sơ.
Park cảm thấy cay đắng khi thấy bạn bè có bố mẹ giàu dễ tìm được thực tập và nhanh chóng có việc làm. "Họ dường như nổi bật hơn cả về ngoại hình lẫn tính cách", cô nói. "Nhiều người thậm chí sang Mỹ học thạc sĩ khi thất nghiệp trong nước, họ có nhiều lựa chọn hơn".
Ngay cả khi đã tìm được việc, những người "ngậm thìa đất" vẫn khó tích lũy tài sản nếu chỉ dựa vào lương.
Năm ngoái, căn hộ ba phòng ở Seoul đã có giá trung bình khoảng một tỷ won. Với mức lương trung bình, người lao động phải dành toàn bộ thu nhập trong 20 năm mới đủ mua, theo Chỉ số chất lượng cuộc sống 2022 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc.
Hong Ki-won, 35 tuổi, tin rằng cách khả thi nhất để cải thiện vị trí xã hội ở Hàn Quốc là đầu tư bất động sản. Anh chứng minh điều đó bằng việc mua căn hộ bán trước cách đây 5 năm.
Theo lời khuyên của bố mẹ, anh duy trì tài khoản tiết kiệm nhà ở hơn 10 năm, loại hình tài khoản giúp người mua được ưu tiên khi phân bổ nhà mới. Anh học cách đầu tư từ việc quan sát bố mẹ liên tục đổi nhà, từ Mokdong sang Gangnam, trong thời kỳ bùng nổ nhà đất thập niên 2000.
Nhờ tài khoản này, anh mua được căn hộ trong một dự án tái định cư tại Seoul. Hai năm sau, giá trị căn nhà tăng hơn gấp đôi. "Số tiền lãi tôi kiếm được còn nhiều hơn cả thu nhập cả đời", anh nói. "Tôi thấy rõ bất động sản có thể thay đổi đời người".
Tuy nhiên, những "nấc thang" mang tên nhà ở giờ đã quá cao với giới trẻ, do giá tăng vọt và quy định vay vốn siết chặt theo thu nhập.
Tháng 2, ba căn hộ 59 m2 ở quận Gaepo-dong, Gangnam-gu (Seoul) được mở bán với giá gần 1,3 tỷ won. Người mua phải đặt cọc 10%, thanh toán 90% còn lại sau bốn tháng, không được dùng căn hộ làm tài sản thế chấp.
Ba căn hộ này đã thu hút hơn một triệu người đăng ký, tương đương khoảng 1/9 dân số Seoul.
Với giới trẻ Hàn, đầu tư chứng khoán và tiền điện tử hiện là con đường hiếm hoi để cải thiện địa vị kinh tế.
Seo Min-jung, nhân viên công ty tiếp thị, từng mất hàng chục triệu won khi đầu tư tiền điện tử. Sau khi bỏ lỡ cơ hội đầu tư cổ phiếu hậu Covid-19, cô không muốn chậm chân thêm lần nữa.
"Tôi lao vào tiền điện tử nhưng kết quả không như kỳ vọng", cô nói. Dù vậy, Seo vẫn khó dừng lại khi các diễn đàn liên tục chia sẻ câu chuyện thắng lớn từ tiền ảo.
"Hồi nhỏ, tôi được dạy rằng lao động là giá trị cốt lõi. Nhưng khi lớn lên, tôi thấy người ta giàu lên nhờ nhà đất, cổ phiếu và tiền ảo, còn công sức thì ít được ghi nhận", cô giải thích.
Giáo sư Shin nói người ta không thể tích lũy tài sản hay cải thiện vị trí xã hội bằng cách chính đáng, họ sẽ tìm lối đi khác. Trước kia là xổ số, giờ là cổ phiếu và tiền điện tử.
"Một xã hội mở là nơi người ta có thể tiến thân bằng nỗ lực", ông nói. "Nhưng hiện, dù học hay làm chăm chỉ, họ vẫn không thể leo lên những nấc thang thăng tiến, buộc phải đi đường tắt".
Ngọc Ngân (Theo Korea Herald)