Tìm về gia đình anh chị tại xóm Đạc 9, Cụm 5, Thọ Xuân, Đan Phượng, Hà Nội giữa buổi chiều đứng bóng, chúng tôi mới hình dung được cuộc sống bi đát và khốn khổ này. Trước mắt chúng tôi hiện ra chỉ vỏn vẹn là căn nhà hai gian cấp 4 lụp xụp với nhiều mảnh ván, thanh tre ghép lại thành cửa và bức tường đã ngả màu hoen ố. Khu bếp là bức tường chồi ra ngoài dùng mảnh ván lợp lại. Căn nhà dẹo dặt ấy như đã nói nên thảm cảnh của những con người đang sinh sống bên trong.
Lấy nhau từ năm 1984, sau 10 năm, vợ chồng anh Đông, chị Xuân sinh được 3 đứa con, nhưng hai trong số đó đều bị tật nguyền từ khi sinh ra. Người con trai đầu tên Trần Đình Hưng (1985) khỏe mạnh phát triển bình thường, nhưng do suy nghĩ nhiều về hoàn cảnh gia đình nên mắc chứng trầm cảm và thường xuyên bỏ nhà đi.
Hai đứa con gái của anh chị là Trần Thị son (1990) và Trần Thị Thành (1993) đều bị tật nguyền từ nhỏ chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân cũng đều cần người giúp đỡ. Son và Thành cũng mắc một số bệnh khác nên thường xuyên phải nằm điều trị tại bệnh viện.
Kể về bệnh tình của hai đứa con thiệt thòi chị Xuân rớt nước mắt: “Lúc mới sinh ra, Son và Thành đều khỏe mạnh bình thường. Son nặng 3kg còn Thành 2,8kg nhưng càng lớn thân hình chúng càng teo đi, còi cọc không biết lê, không biết ngồi... Với Son thì anh chị nghĩ rằng đó là sự chẳng may, nhưng đến khi Thành cũng bị như người chị hơn 3 tuổi của mình thì anh chị đã sợ và không còn nghĩ đến việc con cái nữa”.
Cũng từ đó, hai vợ chồng anh Đông, chị Xuân luôn mang trong mình ý nghĩ: “Mình có tội khi đẻ con ra không lành lặn để chúng phải khổ”. Để rồi từ bao giờ trong suy nghĩ của người cha, người mẹ này là “sẽ hy sinh cả đời mình cho con cái mong được bù đắp số phận không may mắn cho chúng”.
Bác sĩ Trần Thị Thu Lan, Trưởng khoa nội bệnh viện đa khoa Đan Phượng cũng là người trực tiếp điều trị cho biết: “Son và Thành là hai bệnh nhân đặc biệt, các em mắc bệnh bại não bẩm sinh và thường xuyên phải nhập viện điều trị khoảng 2-3 lần mỗi tháng. Ngoài ra các em còn mắc rất nhiều bệnh khác như dạ dày, viêm gan, thần kinh…”
Thường ngày vợ chồng anh Đông, chị Xuân phải hoán đổi thay nhau ở nhà trông con. Một người đi làm nuôi ba miệng ăn không đủ. Hơn một năm trở lại đây vì Son và Thành thường xuyên phải nhập viện điều trị dẫn tới kinh tế gia đình quá khó khăn, có bữa anh Đông, chị Xuân phải nhịn đói đi làm. Thương con, thương cháu nên bà Lê Thị Ty (mẹ anh Đông) dù đã 90 tuổi vẫn sang nhà hầu hạ 2 đứa cháu để vợ chồng anh Đông rảnh tay đi làm. Tuy nhiên thêm một mẹ già, gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai của vợ chồng anh lại thêm phần khắc nghiệt.
Những khi Son và Thành đau ốm phải nhập viện vợ chồng anh Đông, chị Xuân lại đành gửi gắm hai đứa con tật nguyền cho mẹ già 90 tuổi chăm sóc để đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền trang trải thuốc men, viện phí.
Nói về kinh tế, gia đình anh Đông cho biết: “Nhà chỉ có một sào ruộng, hơn nữa ở đây hệ thống mương máng kém nên nước không đủ phục vụ cấy trồng, lúa hầu như năm nào cũng đều mất trắng. Dù đã phải đi rất xa để thuê ruộng làm nhưng cũng chỉ đủ trả chủ ruộng và hầu như phải đi làm thuê đong ăn từng bữa. Làm bất cứ công việc gì…”
Có hai đứa con tật nguyền nên anh chị phải thay phiên nhau ở nhà chăm sóc chúng. Khi người này yếu thì ở nhà trông con người kia đi kiếm tiền. Cứ thế cuộc sống tủi hờn khó khăn nay trôi qua được hơn 20 năm với bao nỗi vất vả của anh chị. Nhiều khi anh chị muốn buông xuôi nhưng thương con thương khúc ruột mình đẻ ra, nên trong lòng lại nhắc nhở phải phấn đấu.
Anh Sơn hiện 55 tuổi, sức khỏe cũng đã suy kiệt nhưng hai vợ chồng vẫn phải quần quật làm việc cả ngày lẫn đêm không từ bất cứ việc gì mà người khác thuê, từ bốc gạch, cấy thuê, đội đá… dù sớm hay khuya. Tuy vậy mà vẫn cứ lo ăn từng bữa vì tất cả tiền làm về đều lo tiền viện, tiền thuốc cho các con.
Còn chị Xuân ngậm ngùi trong nước mắt: “Chúng tôi chẳng dám nghĩ tới chuyện xa xôi, chỉ biết sống được ngày nào thì phải lo lắng cho con ngày đó. Số phận đã vậy biết phải làm sao. Chỉ mong khi chúng tôi không còn trên đời sẽ có người thay chúng tôi chăm sóc chúng”.
Đạc 9 là một thôn nghèo hiện có tới 14 hộ nghèo nhưng gia đình anh Đông, chị Xuân là nghèo nhất và là một hộ đặc biệt khó khăn. Năm kia, nhờ dự án nuôi bò lai sim của Thụy Điển, thôn đã kiến nghị với xã - huyện và đã cấp cho gia đình một con bò, nhưng do không may mắn con bò đã ốm và chết. Ngoài ra thôn còn có nhiều hình thức hỗ trợ gia đình như cấp sổ hộ nghèo, tổ chức thăm nom và vận động ủng hộ thường xuyên cho gia đình anh chị, cho vay vốn để làm ăn...
Trước đây, có nhiều tổ chức từ thiện về ngỏ ý muốn đưa 2 đứa con ấy đi. Cũng có nhiều cá nhân không rõ lai lịch, khi 2 cháu nằm viện, đến nói với vợ chồng anh chị rằng họ sẽ mua 2 đứa và trả anh chị một số tiền là 10 triệu đồng. Tuy nhiên, vì nghĩ thương con và chúng sẽ ra sao khi xa cha mẹ, nên anh chị quyết định cả đời mình giành để chăm sóc chúng.
Từ nhiều tháng nay, cụ bà Lê Thị Ty, 90 tuổi (trú tại Xóm Đạc 9, Cụm 5, Thọ Xuân, Đan Phượng, Hà Nội ) tuy đã gần đất xa trời, nhưng hàng ngày vẫn chăm nom cho hai đứa cháu Son và Thành. Chứng kiến cảnh bà lão già yếu mà vẫn phải vào viện chăm nuôi hai đứa cháu tật nguyền, không ít bệnh nhân cùng người nhà không cầm được lòng, rơi nước mắt.
Bà Ty có 5 người con nhưng do thương vợ chồng Đông Xuân, thương 2 đứa cháu Son, Thành mà bà về ở cùng để chăm nom chúng. Bà nhớ có lần vào nuôi cháu rồi bà cũng lăn ra đổ bệnh luôn, vậy là phải nhờ những người bên cạnh giúp đỡ. Thấy hoàn cảnh bà cụ đáng thương, ai cũng vui lòng giúp đỡ và không nỡ từ chối.
Tuy sinh ra bị tật nguyền và chưa từng một lần đặt đôi chân bước đi bằng chính sức lực của mình, nhưng Son và Thành cũng được đi học. Son học hết lớp 1, còn Thành học hết lớp 6. Ngày ngày, các em di chuyển trên đôi bánh của chiếc xe lăn có người thân đưa đón. Tay và chân của các em dường như teo hết không thể cử động nhưng nói chuyện với các em chúng tôi vẫn thấy toát lên ở các em một niềm yêu đời đáng nể. Có lẽ sự yêu đời ấy là do cha mẹ, người thân truyền cho các em bằng tấm lòng yêu thương, sự chăm sóc tận tình.
Hiện tại em Thành chỉ mong sao cho ba mẹ bớt khổ, riêng em mong có chút tiền để mở cửa hàng bán sim thẻ điện thoại giúp đỡ gia đình.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. |
Nguyễn Văn Báo