Hàng nghìn lệnh trừng phạt đã được hàng chục quốc gia áp đặt lên các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân ở Nga kể từ khi Moskva phát động chiến sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022.
Hiện nay, sau hơn 1.000 ngày, khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị nhậm chức, câu hỏi về hiệu quả cũng như tương lai của loạt lệnh trừng phạt chưa từng có này sẽ được xem xét lại.
Ông Trump từng tuyên bố "tôi muốn sử dụng càng ít lệnh trừng phạt càng tốt" và ông cũng nói rõ rằng sẽ có thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Ukraine, sau khi cam kết sẽ chấm dứt xung đột.
Các chuyên gia tin rằng lệnh trừng phạt và viện trợ quân sự từ phương Tây sẽ là con bài mặc cả quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga. Vậy những con bài trừng phạt mà ông Trump nắm giữ có giá trị thế nào?
Câu trả lời đang được tranh luận sôi nổi.
Những dự đoán trong những tháng đầu chiến sự rằng sức ép từ lệnh trừng phạt kinh tế sẽ sớm làm suy yếu chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin hoặc khiến đồng rouble sụp đổ đã không thành hiện thực. Kinh tế Nga vẫn đứng vững và quân đội nước này đang đạt được những bước tiến đáng kể trên chiến trường Ukraine.
Tuy nhiên, theo Sergei Guriev, nhà kinh tế người Nga đã rời đất nước vào năm 2013 và hiện là hiệu trưởng Trường Kinh doanh London, ý tưởng cho rằng các lệnh trừng phạt kinh tế có thể nhanh chóng chấm dứt xung đột luôn mang tính kỳ vọng nhiều hơn hiệu quả thực tế.
Theo ông, thước đo thành công tốt hơn là đặt câu hỏi liệu các lệnh trừng phạt có cản trở hiệu quả khả năng tiến hành chiến sự của Nga hay không. Guriev cùng một số nhà phân tích cho rằng câu trả lời là "có".
Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ, châu Âu và các đồng minh đã phản ứng với tốc độ và quy mô chưa từng có, khiến ngay cả những người tham gia cũng cảm thấy ngạc nhiên. Họ hạn chế quyền tiếp cận của Moskva đối với hệ thống tài chính toàn cầu và đồng USD, làm suy yếu khả năng bán dầu của Nga, mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất đối với nước này.
Các ngân hàng phương Tây đã đóng băng hơn 300 tỷ USD tài sản của Nga. Chính phủ cấm mua bán nhiều loại dịch vụ, hàng hóa với Nga, trong đó có một số vũ khí công nghệ tiên tiến.
Châu Âu, trước đây nhập 40% khí đốt từ Nga, đã dần thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ này. Lượng khí đốt Nga bán sang châu Âu giảm đi đáng kể sau khi Ukraine hôm 1/1 từ chối gia hạn thỏa thuận cho phép vận chuyển khí đốt Nga bằng đường ống đi qua lãnh thổ nước này.
"Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu các lệnh trừng phạt không được áp dụng, hoạt động ngoại thương của Nga không bị hạn chế và họ có thể tiếp cận toàn bộ dự trữ ngoại hối bị đóng băng của mình", Guriev nói.
"Rõ ràng các lệnh trừng phạt đã gây ra vấn đề cho Tổng thống Putin, làm giảm lượng tài nguyên của Nga và từ đó mang lại lợi ích cho Ukraine", ông nhấn mạnh. "Nếu không có chúng, Nga có thể đã đánh bại Ukraine rồi".
Nền kinh tế Nga thực tế cũng đã cảm thấy sức ép từ loạt lệnh trừng phạt của phương Tây. Lạm phát tăng vọt thúc đẩy ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất tiêu chuẩn lên 21%.
Mặc dù chính phủ Nga đã chi rất nhiều tiền để tài trợ cho chiến dịch ở Ukraine, tăng trưởng kinh tế nói chung đang chậm lại. Nhiều sản phẩm và linh kiện không có sẵn, đắt hơn hoặc được thay thế bằng các sản phẩm kém chất lượng hơn.
Theo Elina Ribakova, phó chủ tịch phụ trách chính sách đối ngoại tại Trường Kinh tế Kiev và là học giả không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, tổ chức nghiên cứu tại Washington, khi ông Trump ngồi vào bàn đàm phán với ông Putin, các lệnh trừng phạt sẽ là "quân bài cực kỳ có giá trị".
Giới chuyên gia phương Tây đánh giá rằng các lệnh trừng phạt hiệu quả nhất là những biện pháp liên quan đến hệ thống tài chính toàn cầu, một đấu trường mà Mỹ có thể thể hiện sức mạnh áp đảo.
USD là thứ gần nhất với một loại tiền tệ chung mà thế giới có, và chỉ các ngân hàng Mỹ mới có thể xử lý giao dịch bằng USD. Kết quả là, nhiều tài sản tài chính của thế giới, trong đó có bất kỳ tài khoản USD nào do các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài sở hữu, đều nằm trong tầm kiểm soát kỹ thuật số của Mỹ.
Washington không chỉ cắt đứt hầu hết quyền truy cập của Moskva vào hệ thống này mà còn đe dọa làm điều tương tự với bất kỳ ngân hàng nào trên thế giới vi phạm quy tắc của mình. Đây là rủi ro mà ngay cả nhiều tổ chức tài chính ở Trung Quốc, nước đã thể hiện lập trường ủng hộ Nga, cũng không muốn chấp nhận.
Việc Nga bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT), hệ thống nhắn tin cho phép thanh toán quốc tế, cũng làm tăng đáng kể chi phí, độ phức tạp và thời gian của mọi giao dịch quốc tế, từ mua dược phẩm và máy móc điện đến bán dầu hay phân bón.
"Nó thực sự vô hiệu hóa mọi hệ thống thanh toán", Andrew Shoyer, đối tác tại công ty luật Mỹ Sidley Austin, chuyên tư vấn cho các công ty về việc tuân thủ lệnh trừng phạt, nhận xét.
Tuy nhiên, tác động của lệnh trừng phạt lại không như nhiều người ở phương Tây kỳ vọng. Theo thời gian, Nga, với hỗ trợ từ các đối tác, đã tìm ra nhiều cách để làm giảm tác động từ sức ép này.
Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp Nga tăng nguồn thu bằng cách mua rất nhiều dầu thô và khí đốt. Rất nhiều mặt hàng lưỡng dụng phương Tây, có thể sử dụng cho mục đích dân sự lẫn quân sự, đã lách được lệnh trừng phạt và đến Nga qua các quốc gia thứ ba không tham gia lệnh trừng phạt, như Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Một số nhà quan sát cho rằng phương Tây đã không đi đủ xa hoặc phản ứng đủ nhanh với những thay đổi về điều kiện để tăng sức ép trừng phạt lên Nga.
Mối lo ngại về nguy cơ mất nguồn cung năng lượng khi giá dầu tăng vọt, cùng lạm phát gia tăng, đã khiến Mỹ và châu Âu nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu năng lượng của Nga.
Thay vì ngừng giao dịch dầu mỏ hoàn toàn với Nga, châu Âu lại áp mức trần giá dầu, đồng nghĩa Moskva vẫn có thể tiếp tục kiếm được doanh thu khổng lồ từ xuất khẩu năng lượng.
Dần dần, Nga đã phát triển thêm nhiều cách khác để lách lệnh trừng phạt, như phát triển đội tàu của riêng mình để vận chuyển dầu sau khi có lệnh hạn chế nước này sử dụng tàu chở dầu phương Tây.
Và Liên minh châu Âu (EU) vẫn mua gần 50% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng mà Nga xuất khẩu.
Jeffrey Schott, thành viên cấp cao tại Viện Peterson, đánh giá Nga đã có thể bán quá nhiều khí đốt và dầu với giá quá cao. "Các lệnh trừng phạt được áp dụng với một cánh tay bị trói sau lưng", ông ví von.
Schott và những người chỉ trích khác cho rằng các lệnh trừng phạt chỉ được áp dụng từng phần và việc thực thi chúng thường thiếu quyết liệt cũng khiến áp lực kinh tế lên Nga bị giảm nhẹ đáng kể.
Nhiều nhà phân tích chính trị và quân sự cho rằng việc chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh quan trọng của Nga ở Trung Đông, sụp đổ, có thể khiến Tổng thống Putin có lập trường cứng rắn hơn về Ukraine và ngay cả những con bài mặc cả giá trị nhất thu được từ lệnh trừng phạt cũng khó lòng khiến ông thay đổi.
Bởi vậy, giới quan sát cho rằng khi ông Trump lên nắm quyền, các lệnh trừng phạt sẽ khó có thể "đánh gục" được nền kinh tế Nga như các nước phương Tây từng kỳ vọng. Quân bài trừng phạt có phát huy được hiệu quả trong các cuộc đàm phán hay không vẫn phụ thuộc vào chính đánh giá của Tổng thống Putin, người đã tuyên bố rằng ông sẽ không bao giờ khuất phục trước sức ép từ phương Tây.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, Euronews)