CEO Toshiba - Satoshi Tsunakawa tuần này cho biết sẽ cân nhắc bán phần lớn, hoặc thậm chí toàn bộ, mảng chip nhớ. Điều này hoàn toàn trái ngược so với quan điểm trước đây, khi Toshiba khẳng định chỉ bán khoảng 20%.
Sự thay đổi này đang khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi về tương lai dài hạn của Toshiba, nếu không có mảng chip nhớ. Toshiba hiện là hãng sản xuất chip NAND lớn nhì thế giới, chỉ sau Samsung Electronics.
"Thường thì khi cứu công ty, các lãnh đạo sẽ giữ lại mảng có sức cạnh tranh lớn nhất, và bán những mảng không tốt", Masayuki Kubota - kinh tế trưởng tại Công ty chứng khoán Rakuten cho biết, "Vậy nên việc này khiến nhà đầu tư không có mấy hy vọng vào tương lai Toshiba".
Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc) là một trong những công ty đang đấu giá mua cổ phần mảng này, Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết. Những cái tên khác còn có SK Hynix, Micron Technology và Bain Capital.
Foxconn có thể dễ chiến thắng hơn các đối thủ, do họ không phải là hãng sản xuất chip nhớ lớn, và sẽ tránh được các thủ tục kiểm tra về chống độc quyền. Năm ngoái, Foxconn cũng đã mua cổ phần kiểm soát trong Sharp.
Tin tức Toshiba có thể bán thêm mảng chip được công bố trong bối cảnh họ không đưa ra được báo cáo tài chính đúng hạn hôm 14/2. Hãng cho biết cần thêm thời gian để nghiên cứu vấn đề tại mảng nhà máy hạt nhân ở Mỹ. Giá trị mảng này được dự báo sẽ giảm 6 tỷ USD.
Toshiba được gia hạn đến ngày 14/3 để nộp báo cáo đã kiểm toán. Họ sẽ bị rút niêm yết, nếu sau 8 ngày kể từ thời hạn đó vẫn không nộp được số liệu.
Cổ phiếu Toshiba hôm nay đã mất 3,3% và đã giảm liên tục từ ngày 14/2. Việc này đã kéo vốn hóa của hãng xuống gần 859 tỷ yen - chưa bằng nửa giữa tháng 12 năm ngoái - thời điểm tin tức về thiệt hại tại mảng điện hạt nhân Mỹ mới được công bố. Chỉ cách đây một thập kỷ, giá trị của Toshiba còn là gần 5.000 tỷ yen.
Lãnh đạo Toshiba cũng đã có một cuộc gặp với các chủ nợ hôm qua, để bàn về vấn đề nợ nần của hãng này. Hiện Toshiba nợ các ngân hàng và hãng bảo hiểm khoảng 800 tỷ yen, tính đến cuối tháng 9. Hai chủ nợ lớn nhất của họ là Sumitomo Mitsui Banking và Mizuho Bank.
Dù hai nhà băng này và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản vẫn tỏ ý ủng hộ Toshiba, các chủ nợ khác lại cần thuyết phục nhiều hơn trong tình hình này. Họ cho rằng việc ủng hộ còn tùy thuộc vào các nỗ lực cứu mình của Toshiba, trong đó có bán phần lớn mảng chip nhớ.
Một chủ nợ nghi ngờ: "Toshiba có thể khôi phục sự vững mạnh cho bảng cân đối kế toán hay không, sau khi bán phần lớn mảng chip nhớ? Vấn đề là, bán xong thì kiếm tiền bằng cách nào?".
Dù vậy, Chính phủ Nhật Bản vẫn coi Toshiba là công ty có tầm quan trọng chiến lược. "Mảng chip nhớ của Toshiba là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Nhật Bản. Mảng điện hạt nhân trong nước của Toshiba cũng quan trọng với việc ngừng hoạt động các lò phản ứng và dọn dẹp nguồn nước bị ô nhiễm", người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản - Yoshihide Suga cho biết.
Toshiba là tập đoàn đa ngành của Nhật Bản, sản xuất mọi thứ, từ hàng điện tử tiêu dùng đến công nghệ năng lượng hạt nhân. Hãng thành lập năm 1875 và nhanh chóng có tên tuổi nhờ các công nghệ tiên tiến trong nhiều sản phẩm, từ máy giặt đến tủ lạnh và sau này là TV màu đầu tiên trên thế giới. Họ hiện là một trong những thương hiệu điện tử tiêu dùng dễ nhận diện nhất thế giới.
Toshiba cũng là công ty sản xuất laptop đại trà đầu tiên trên thế giới năm 1985. Nhưng sau đó, mảng điện tử tiêu dùng của hãng dần đuối do cuộc cạnh tranh giá của các đối thủ châu Á.
Hà Thu (theo Fortune/Reuters)