5G là gì
Theo khái niệm đơn giản nhất, 5G là thế hệ mạng di động thứ năm, sau 4G, 3G, 2G và 1G. Thế hệ mạng mới luôn có tốc độ kết nối mạnh hơn thế hệ trước và thường có sức ảnh hưởng trong khoảng một thập niên. Về mặt lý thuyết, 5G có thể nhanh gấp 100 lần 4G. Trong thử nghiệm thực tế, tốc độ của mạng di động thế hệ mới cao hơn khoảng 20 lần so với thế hệ cũ.
Tuy nhiên so với 4G, 5G không chỉ nhanh hơn về tốc độ truyền mà có thể tái định nghĩa lại các kết nối truyền thống và định hình tương lai của thế giới công nghệ. Khi đặt trong kỷ nguyên IoT, AI, 5G sẽ phát huy sức mạnh không tưởng và các chuyên gia vẫn đang tìm cách khai thác tiềm năng của công nghệ này.
Sức mạnh của 5G
Sức mạnh của 5G không đơn thuần nằm trên những chiếc smartphone giống 4G hay 3G. Trong bối cảnh 4.0 với sự phát triển theo chiều dọc là sản xuất thông minh. 5G sẽ góp phần quan trọng trong việc tái cấu trúc ngành vận tải, tự động hoá trong công nghiệp và kiến tạo những thành phố thông minh.
Với tốc độ đường truyền nhanh, độ trễ thấp và độ ổn định cao. 5G sẽ cho phép AI tiếp nhận và xử lý được nhiều thông tin hơn trong cùng một thời điểm. Điều này sẽ giúp hoàn thiện hệ thống sản xuất tự động hoá với độ chính xác và năng suất cao hơn. Công nghệ mới giúp hàng triệu thiết bị IoT có thể dễ dàng kết nối. Nhà thông minh sẽ trở nên đơn giản hơn và việc vận hành một thành phố thông minh không còn là tương lai xa.
Ngành vận tải cũng hưởng lợi trực tiếp từ công nghệ 5G. Những thương cảng bận rộn của thế giới như Singapore, Hong Kong đã ứng dụng công nghệ mới vào xây dựng hệ thống vận tải thông minh. Trong tương lai, những chiếc xe tự lái có thể tự vận hành một cách an toàn dựa trên tín hiệu được cập nhật tức thì thông qua mạng 5G.
Sức mạnh của 5G không chỉ dừng lại trên những chiếc smartphone mà tác động đến mọi mặt cuộc sống. |
VR và AR trong kỷ nguyên mới cũng được dự báo sẽ có những bước tiến lớn nhờ đường truyền tốc độ nhanh. Những chiếc kính thực tế ảo có thể không cần đến bộ phát nội dung như hiện tại mà có thể lấy trực tiếp từ đám mây về. Điều này không chỉ làm thay đổi thiết kế của các thiết bị thực tế ảo mà có thể tác động tích cực đến ngành công nghiệp điện ảnh.
Viễn cảnh với ngành y tế trong tương lai là khoảng cách giữa bệnh nhân và bác sĩ sẽ được rút ngắn nhờ khả năng truyền tốc độ cao của 5G. Các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khoẻ tại nhà sẽ dễ dàng hơn thông qua các cuộc gọi video trực tiếp mọi lúc mọi nơi. Việc cấp cứu người bệnh từ xa hoặc đào tạo nghiệp vụ thông qua mô hình thực tế ảo trong thời đại 5G cũng được dự báo sẽ dễ dàng hơn nhiều so với hiện tại.
Hay đơn giản hơn trong ngành di động. Ưu điểm độ trễ cực thấp của 5G sẽ khiến các thiết bị IoT có thể kéo dài tuổi thọ đến 10 năm, bạn không cần phải đổi điện thoại liên tục để sử dụng những công nghệ mới. Các thiết bị cầm tay sẽ ngày càng nhẹ, không phải sạc pin hàng ngày vì chúng sẽ tiêu tốn rất ít điện năng.
Những chiếc điện thoại chỉ là bước khởi đầu khiêm tốn của 5G. Công nghệ này vẫn tiềm ẩn nhiều sức mạnh mà con người chưa khai thác hết. Điểm mạnh của kỷ nguyên 5G là nó đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, được sự ủng hộ của các tập đoàn công nghệ lớn và luôn nằm trong chiến lược phát triển của các chính phủ.
Mặt trái của 5G
Bên cạnh những lợi ích không thể chối bỏ, mạng 5G cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ các nhà nghiên cứu. Tại Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới 2019 diễn ra hồi cuối tháng 10 ở Ai Cập, các nhà khoa học thời tiết cảnh báo: Việc mạng 5G có dải tần hoạt động dưới 24 GHz có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc dự báo thời tiết. Đây là tần suất mà các phân tử hơi nước phát ra tín hiệu vô tuyến. Các nhà khoa học dự báo thời tiết đang dựa vào tần cố này thông qua một vệ tinh để cảnh báo về các hiểm hoạ thời tiết. Mạng 5G có thể làm nhiễu hoặc sai lệch những tín hiệu mà các nhà khoa học đang theo dõi.
Cuối cùng, Hội nghị đã thông qua các dải tần số được triển khai cho mạng 5G là: 24,25 - 27,5 GHz, 37 - 43,5 GHz, 45,5 - 47 GHz, 47,2 - 48,2 GHz và 66-71 GHz. Ngoài ra nhiều biện pháp cũng được đưa ra để bảo vệ các dịch vụ khí tượng và những dịch vụ thụ động khác trong các dải tần liền kề với mạng 5G sắp được triển khai.
Mặc dù chưa có nghiên cứu chính xác nhưng đã xuất hiện một số tin đồn về việc tần số 5G mạnh hơn cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. FCC (Uỷ ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ) đã phải nhiều lần khẳng định rằng chưa có bằng chứng thuyết phục sóng vô tuyến 5G là nguy hiểm. "Mặc dù chúng có tần số cao hơn sóng vô tuyến dùng cho 4G nhưng vẫn nằm trong giới hạn phổ vô tuyến không làm hỏng DNA của con người", thông cáo của FCC viết.
Mặt trái của mạng 5G khiến giới công nghê quan tâm là các cuộc tấn công an ninh mạng. Với khả năng kết nối nhiều thiết bị hơn, tin tặc có nhiều "cửa hậu" để tấn công vào hệ thống Internet và các thiết bị thông minh trong nhà. 5G có thể khiến Deepfake và các vấn nạn trên Internet diễn ra một cách nhanh chóng với quy mô lớn mà người dùng không kịp phòng thủ.
Việt Nam trước làn sóng 5G
5G đang phủ bóng toàn cầu và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Lợi thế của Việt Nam là có sẵn nền tảng 4G, có thể triển khai nhanh mạng 5G bằng tiếp cận DSS (Dynamic Spectrum Sharing) thời gian đầu và những nỗ lực nghiêm túc của chính phủ cũng như các công nghệ hàng đầu trong nước.
Trong năm 2019, Viettel, VNPT đã thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên. Các nhà sản xuất smartphone như BKAV, VinSmart hay IoT Homa Techs cũng cho thấy những động thái cụ thể trong việc đón đầu công nghệ 5G.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới trong cuộc đua 5G, không còn độ trễ 7-8 năm như với 3G, 4G. Việt Nam cũng dự định tắt sóng 2G để tập trung nguồn lực cho 5G và sẵn sàng để thương mại hoá trong 2020.
Tech Talks là diễn đàn nằm trong khuôn khổ ngày hội Tech Day của VnExpress. Bên cạnh chia sẻ của Michael MacDonald, ông Nguyễn Tử Quảng - CEO Bkav và các chuyên gia công nghệ khác cũng sẽ bàn về những nguy cơ bảo mật và cách hạn chế rủi ro trong kỷ nguyên kết nối.Để có những góc nhìn toàn diện và cập nhật mới nhất về xu hướng công nghệ mạng 5G của Việt Nam và thế giới. Ông Michael MacDonald - Giám đốc Kỹ thuật số, Tư vấn trưởng của Huawei Đông Nam Á sẽ chia sẻ những góc nhìn của mình trong Diễn đàn Tech Talks chủ đề "5G và bảo mật".
Tech Day sẽ bao gồm ba hoạt động chính gồm: Tech Talks, triển lãm Smart Living và lễ trao giải Tech Awards. Sự kiện diễn ra từ 13 đến 18h ngày 8/1 tại White Palace (quận Phú Nhuận, TP HCM).
Chương trình mở bán vé với mức giá 299.000 đồng một vé. Độc giả mua vé tại đây.
Đăng ký tham dự triển lãm Tech Expo tại đây.