Trung tướng Vũ Xuân Vinh, nguyên Cục trưởng Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), Tham mưu trưởng Trung đoàn 36 - Đại đoàn 308:
Trung tướng Vũ Xuân Vinh. Ảnh: T.D. |
Tôi đã gặp đại tướng nhiều lần, đặc biệt khi ông là Tư lệnh Sư đoàn giải phóng Đà Nẵng và Huế. Ngày 21/5/1975, khi ông vào chiến trường, chúng tôi bảo chúc mừng anh Cả nhân dịp 21 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và vừa giải phóng miền Nam. Ông xoa đầu tôi rồi bảo sao giờ tóc bạc nhiều vậy, trước vẫn còn trông như con nít. Tôi cười nói mình chỉ kém ông một giáp thôi chứ không trẻ lắm đâu.
Đại tướng oai phong nhưng rất nhân hậu. Ông thương chiến sĩ lắm. Thêm nữa, ông rất trí tuệ và nhiều lúc rất hài hước. Năm 1972, hôm đánh máy bay B52, ông xuống Sở chỉ huy tên lửa và bảo tôi: "Vinh ơi, hôm nay đánh bao nhiêu tên lửa?", tôi bảo: "Vừa mới được tiếp 100 đoạn tên lửa nhưng vẫn phải tiết kiệm”. Ông cười nói: "Cho hôm nay bắn thoải mái, nhưng không được bắn phát một nhé".
Làm công tác đối ngoại nên tôi tiếp xúc nhiều với bạn bè quốc tế và họ rất phục đại tướng, gọi ông là vị tướng huyền thoại. Algeria cũng phục đại tướng lắm bởi sau chiến thắng Điện Biên Phủ được 7 tháng, dù sợ Pháp nhưng nước này vẫn bắt chước Việt Nam để đánh Pháp và giành thắng lợi.
Một lần, Chủ tịch Liên đoàn Cựu chiến binh thế giới là người Pháp đến gặp đại tướng. Ông này có hai câu hỏi, thứ nhất đại tướng có chiến lược gì mà kẻ thù nào cũng đánh thắng. Đại tướng nói: "Đơn giản thôi, chỉ có chiến lược hòa bình. Tôi không đánh ai nhưng ai đánh tôi thì toàn dân từ già trẻ, gái trai bằng mọi phương tiện đánh đến cùng". Vừa nghe xong câu hỏi thứ hai rằng: "Đại tướng có phép màu gì mà 93 tuổi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn", ông liền nói: "Đó là chiến lược con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói 'Dĩ công vi thượng’ tức là bao giờ cũng lấy việc công là trên hết, việc nhỏ nhặt bỏ qua, thanh thản thì mới sống lâu được. Ngoài ra tôi tập thiền và tập xoa tay 100 lần mỗi ngày”.
Rồi đại tướng nói thêm: "Là Chủ tịch Liên đoàn Cựu chiến binh thế giới, ông phải nhắc thanh niên làm thế nào để giữ vững hòa bình, đoàn kết, không được làm 'luật rừng' nước lớn bắt nạt nước bé. Thứ hai là thanh niên phải gặp nhau ở giảng đường, sân thể thao... không được gặp nhau trên chiến trường". Nghe vậy, ông Chủ tịch Liên đoàn Cựu chiến binh liền nói thế thì phải phong đại tướng là đại tướng của hòa bình thế giới.
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không Không quân:
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt. Ảnh: T.D |
Nhiều lần gặp đại tướng nhưng lần làm tôi nhớ nhất là cách đây 3 năm, khi tôi đã nghỉ hưu. Hôm đó, tôi dẫn một đoàn anh hùng của Quân chủng Phòng không - Không quân lên gặp đại tướng nhân dịp bác 98 tuổi. Lúc đó bác đã yếu nhưng vẫn đi lại được.
Tôi có nói với bác "Lần này, các anh hùng của Quân chủng đến đây, đề nghị bác cho mỗi đồng chí chụp với bác một kiểu ảnh". Bác nói đùa rằng: "Tôi nhất trí, nhưng mà tôi chụp với anh hùng thật chứ tôi không chụp với anh hùng rởm đâu nhé". Câu nói đó thể hiện sự hài hước, vui vẻ của bác chứ không có ý gì. Sau đó, lần lượt từng đồng chí vào chụp một kiểu ảnh với bác. Giờ tôi vẫn còn giữ bức ảnh đó làm kỷ niệm.
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, nguyên Cục trưởng Văn hóa, phái viên Tổng cục Chính trị:
Trung tướng Phạm Hồng Cư. Ảnh: T.D |
Thế hệ trẻ Việt Nam cần biết rằng đất nước có nhiều cuộc chiến chống ngoại xâm. Trước đây, có nhiều vị tướng như Trần Hưng Đạo đánh thắng 3 lần quân Nguyên Mông. Với kỳ tích 2 lần đánh thắng 2 đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, đại tướng Võ Nguyên Giáp được xem như Trần Hưng Đạo của thế kỷ 20.
Thế hệ hiện nay biết ông từ một nhà giáo dạy sử trở thành đại tướng, hoàn toàn bằng sự tìm hiểu thực tiễn, lấy chiến tranh làm bài học, từ đó rút ra quy luật để dẫn đến thắng lợi. Bài học ấy rất thiết thực đối với thế hệ trẻ.
Trong chiến tranh chống Mỹ, sau chiến thắng năm 1971, tại đường 9 Nam Lào, đại tướng vào thăm chiến trường. Lúc đó tôi ở mặt trận, báo cáo với đại tướng tình hình chiến sự. Ấn tượng của tôi, ông là người gần lính, thương lính và đó là vị nhân tướng. Ở ông có đủ cả 6 chữ "Chí, Dũng, Nhân, Tín, Kiên, Trung".
Nhà báo Hoàng Kim Đáng, nguyên Ủy viên ban thư ký Hội Nhiếp ảnh Việt Nam:
Ông Hoàng Kim Đáng. Ảnh: T.D |
Tôi được tiếp xúc với ông khoảng 5 lần. Khi mới cầm máy, tôi được phân công đi theo đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Phạm Kiệt trong chuyến đi Sầm Sơn. Đại tướng hỏi tôi: "Phóng viên đã chụp được nhiều chưa?", tôi trả lời: "Thưa đại tướng, tôi chụp hỏng nhiều hơn được". Ông liền nói: "Vậy thì mình đứng lại cho bạn chụp". Rồi đại tướng cùng thiếu tướng Phạm Kiệt đứng nói chuyện và tôi chụp được rất nhiều ảnh.
Lần gần đây nhất, năm 2007, tôi cùng NXB Chính trị Quốc gia lên tặng đại tướng cuốn sách "Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh" in 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp. Tôi nói hôm nay tặng đại tướng một số ảnh tôi chụp ở chiến trường cách đây gần 40 năm. Nghe đến đó, đại tướng liền nói: "Hồi ấy chắc mình đẹp trai lắm nhỉ?", mọi người rộ lên cười. Tôi trả lời: "Không những thời ấy đại tướng đẹp trai mà đại tướng mãi mãi đẹp trai chứ không phải đẹp lão". Mọi người lại cùng cười và đại tướng ký vào bức ảnh.
Nghe bài hát "Tướng quân Võ Nguyên Giáp" của nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến |
Tiến Dũng thực hiện