Ảnh: Hbo.com. |
Ghen là một biểu hiện bình thường của con người khi yêu, nhưng khi sự nghi ngờ ấy không có bằng chứng, ghen tuông một cách thái quá, mù quáng lại trở thành một bệnh lý về tâm thần, theo tiến sĩ Lã Thị Bưởi, trưởng phòng khám Tuna (phố Vọng, Hà Nội).
Những ý tưởng ghen tuông được xây dựng thuần túy theo lôgic lệch lạc, không có bằng cớ chắc chắn, dựa vào những hiện tượng vô lý khẳng định người kia có quan hệ bất chính, và cho rằng mình bị cắm sừng. Có người chỉ cần nhìn thấy vợ cầm điện thoại là đã liên tưởng vợ đang liên lạc với một người đàn ông khác.
Thạc sĩ Trịnh Ngọc Tuân, trưởng phòng T5, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, những người mắc bệnh này chỉ lệch lạc về một nét nào đó, còn bình thường họ không có biểu hiện gì khác lạ. Vì thế nhiều người cũng không biết mình mắc bệnh. Những trường hợp ghen tuông bệnh lý như vậy không phải là hiếm gặp.
Bề ngoài chị Thơ, 40 tuổi là giáo sư giảng dạy tại một trường đại học tại Hà Nội là một người dễ gần, chăm sóc con cái, đối xử với mọi người hết sức đúng mực, không có gì để chê trách. Thế nhưng nếu có ai đã từng đến nhà mới biết chị có tính hay ghen mà ghen một cách vô lý. Lúc nào chị cũng bị ám ảnh rằng chồng mình lăng nhăng với bất cứ một ai chị có thể nghĩ ra, người giúp việc, đồng nghiệp cùng cơ quan...
Một lần, sáng sớm chồng chị đang mặc quần đùi, uống trà ngoài hiên, người hàng xóm cũng là đồng nghiệp đi qua trò chuyện vài câu. Vừa từ trong phòng bước ra, vẫn còn mắt nhắm mắt mở nhìn thấy cảnh đó, chị đã nổi cơn ghen, giận tái mặt đi, quát mắng chồng: "Mới sáng sớm mà ông đã tằng tịu rồi. Lớn tuổi rồi mà vẫn còn thích trăng hoa", khiến người chồng thấy rất xấu hổ.
Bác sĩ Tuân cho biết, ai cũng có thể mắc chứng bệnh này, cả nam lẫn nữ nhưng đa phần là nữ giới. Ghen là biểu hiện gốc của sự tự ty, mặc cảm, có thể được hình thành từ nhỏ nhưng đến một độ tuổi nhất định nó sẽ bộc phát. Ở những người trẻ, cơn ghen có sự lan tỏa dần, ban đầu là một đối tượng sau đó nhiều đối tượng, thậm chí là ghen với tất cả những người khác giới.
Ngoài ra những người người bệnh tâm thần phân liệt, loạn thần, loạn thần do sử dụng rượu, rối loạn hoang tưởng... cũng dễ mắc chứng hoang tưởng ghen tuông. Ngoài ra, trong quan hệ vợ chồng nếu đã từng có gì sứt mẻ cũng có thể là nguyên nhân nhưng ít gặp.
Việc điều trị cho những bệnh nhân này phải kết hợp thuốc và điều trị tâm lý, trị liệu nhận thức và hành vi, tuy nhiên thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ, thậm chí không cần dùng nếu điều trị tâm lý tốt.
Tuy nhiên, bác sĩ Tuân cũng cho biết, bệnh này rất khó chữa, thời gian chữa lâu đến hàng năm vì thế cần sự kiên trì của bệnh nhân, sự phối hợp và giúp đỡ của gia đình. Ghen tuông là một gia vị không thể thiếu trong tình yêu, nhưng khi những cơn ghen ảnh hưởng đến cuộc sống, gây cản trở rắc rối cho những người xung quanh thì họ nên tìm sự giúp đỡ từ các bác sĩ, chuyên gia tư vấn.
Nam Phương