Ông Dương Văn Minh. |
Ông Dương Văn Minh được lập làm tổng thống của chính quyền ở miền Nam Việt Nam vào ngày 28/4/1975 và chỉ tại vị được chưa đầy 72 giờ. Ngày 30/4, quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, tướng Dương Văn Minh đã chấp nhận đầu hàng, bị bắt, tạm giam, nhưng sau đó được phép di cư sang Pháp vào năm 1983. Vài năm sau đó, ông chuyển sang California sống với con gái.
Sinh năm 1916 tại tỉnh Mỹ Tho, ông Dương Văn Minh theo học một trường Pháp nổi tiếng ở Sài Gòn (Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk cũng từng là học sinh trường này). Đường binh nghiệp của tướng Dương Văn Minh bắt đầu vào những năm 1940, khi đó ông ta là một trong số 50 sĩ quan người Việt Nam được thăng cấp trong hàng ngũ quân đội Pháp. Sau khi Pháp rút quân khỏi Việt Nam (năm 1954), ông Dương Văn Minh gia nhập quân đội Việt Nam Cộng hòa (miền Nam VN) và được thăng tiến rất nhanh. Lính gọi ông là “Minh lớn” bởi viên tướng có chiều cao quá khổ - 1,83 m, ngoài ra còn để phân biệt với một sĩ quan khác cùng tên là tướng Nguyễn Văn Minh, "Minh nhỏ".
“Minh lớn” đóng vai trò chủ đạo trong vụ đảo chính họ Ngô (1/11/1963). Vụ đảo chính do Mỹ hậu thuẫn này đã chấm dứt chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm. Hồi đó, tướng Minh giữ vị trí số hai trong quân đội Sài Gòn. Hai tháng sau, tướng Nguyễn Khánh lật đổ chính quyền quân sự này và giành quyền cai trị miền Nam Việt Nam. Tướng Minh thất thế trong một thời gian ngắn.
Năm 1971, tướng Minh tái xuất chính trường và đối đầu với đương kim tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người được Mỹ ủng hộ trong cuộc chạy đua tranh chức tổng thống. Cuối cùng, ông Minh đã rút lui sau khi tuyên bố rằng cuộc bầu cử chỉ là trò múa rối. Cũng có thể, ông rút lui vì tự thấy mình sẽ thua. Nguyễn Văn Thiệu trở thành tổng thống mà không phải cạnh tranh với đối thủ nào cả.
Nhiều người trong chế độ Sài Gòn cho rằng rất có thể, tướng Minh là lãnh đạo của một “lực lượng thứ ba”. Lực lượng này có khả năng “dàn xếp” với miền Bắc để tránh một cuộc “chuyển giao quyền lực” có tiếng súng, nhưng nỗ lực của tướng Minh đã bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cản trở.
Lên làm tổng thống khi quân đội Sài Gòn đang liên tục thất bại trên chiến trường, nhận thấy tình hình không thể thay đổi được, ông Dương Văn Minh đã đưa cả gia đình ra nước ngoài, trừ vợ vì bà muốn ở lại cùng chồng. Trưa ngày 30/4/1975, tại Dinh Độc lập, ông Dương Văn Minh gặp đại tá Bùi Tín, khi đó là phó tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vị tổng thống thất thế uể oải: “Tôi đã đợi từ lâu để chuyển giao quyền lực cho ông”. Đáp lại, Bùi Tín nhấn mạnh: “Không có vấn đề chuyển giao quyền lực ở đây. Chế độ của ông đã sụp đổ. Người ta không thể chuyển giao cái mà người ta không có được”.
Tướng Minh đã chấp nhận đầu hàng vô điều kiện và ngay lập tức lên đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố chính thức. Về việc này, có nhiều cách giải thích khác nhau cho câu hỏi của sử gia, nhà báo Mỹ Stanley Karnow (tác giả bộ phim tài liệu Việt Nam - Thiên lịch sử truyền hình): “Tại sao ông Minh không ra quyết định tử chiến, điều mà ông có thể làm?”. Một sĩ quan Việt Nam trả lời: “Ông Minh là người Việt Nam, có thể vấn đề ở chỗ ấy”. Còn Trần Quang Thuận, thành viên quốc hội Sài Gòn cũ, hiện sống ở California, thì nhận định: “Có lẽ Dương Văn Minh nghĩ sẽ dàn xếp được với miền Bắc, vì ông có một người anh em làm cho phía bên kia. Dường như đó là chuyện phi thực tế. Quan hệ với một người không đủ tạo ra ảnh hưởng”.
Ông Trần Quang Thuận cũng cho biết, những năm sau này, ông đã có nhiều dịp nói chuyện với tướng Minh và viên tướng thường than thở rằng mình đầu hàng quá nhanh chóng. Tuy nhiên, theo ông Thuận, Dương Văn Minh cho rằng đầu hàng là cách lựa chọn tốt nhất cho người Việt Nam. “Ông nói với tôi: 'Chiến tranh sẽ kéo dài bao lâu? Một năm? Hai năm? Cuối cùng thì cũng phải đầu hàng thôi, không thể đánh mãi được, đầu hàng càng nhanh càng tốt’. Tốt cho người dân Sài Gòn. Ông Minh đã nói với tôi như vậy, rất thẳng thắn. Ông ấy muốn tránh đổ máu”.
Tướng Minh có ba con, một gái hai trai, và vài cháu nhỏ. Hiện con trai ông sống ở Paris. Con gái sống cùng cha tại California.
Đoan Trang (theo The Star, Reuters)