Ngày 11/7, bác sĩ Nguyễn Quang Hưng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, cho biết bệnh nhân tê bì chân tay trước nhập viện khoảng một tuần, tự mua thuốc uống, tình trạng ngày càng nặng. Bác sĩ một bệnh viện chẩn đoán đột quỵ, chuyển đến điều trị tại S.I.S Cần Thơ.
Các bác sĩ hội chẩn, nghi ngờ không phải đột quỵ thông thường mà nguyên nhân có thể do tủy sống nên khảo sát vùng này. Kết quả ghi nhận bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ lệch bên phải, gây chèn ép tủy sống và rễ thần kinh nặng, dẫn đến gần liệt nửa người phải.
Theo bác sĩ Hưng, đây là trường hợp chèn ép tủy sống nặng, không thể điều trị nội khoa đơn thuần, chỉ định phẫu thuật nội soi cột sống để giải phóng chèn ép thần kinh. Phương pháp này ít xâm lấn nhất hiện nay. Bác sĩ sẽ lấy hết các phần đĩa đệm vỡ qua vị trí vết mổ chỉ khoảng 0,8 mm, giúp bệnh nhân phục hồi chức năng mà không cần phải thay đĩa đệm và nẹp vít như mổ mở trước đây.
Sau mổ một ngày, các chức năng nửa người phải của bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn. Bác sĩ tiếp tục cho tập vật lý trị liệu để người bệnh sớm trở về bình thường.
"Trong thực tế, các trường hợp giả đột quỵ tương đối khó phân biệt", bác sĩ Hưng nói. Đây không phải là trường hợp đầu tiên bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu yếu liệt nửa người được các tuyến khác chẩn đoán nhầm là đột quỵ.
Bệnh nhân đột quỵ do vỡ mạch máu hoặc tắc nghẽn mạch máu gây tổn thương thần kinh, có ba dấu hiệu điển hình gồm: nói khó, mặt méo, yếu liệt tay chân. Với bệnh nhân có yếu liệt nửa người do tổn thương ở rễ tủy thần kinh vùng cột sống cổ thì ngoài dấu hiệu yếu liệt, bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng tại chỗ như đau cột sống cổ, đau nhức cơ cổ, vai gáy...
Lê Phương