Các nhà khảo cổ nghiên cứu đội quân đất nung nổi tiếng của Trung Quốc phát hiện một bức tượng lớn bằng người thật hiếm gặp của tướng lĩnh cấp cao. Bức tượng trang trí tỉ mỉ được phát hiện ở lăng mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, là tượng tướng lĩnh thứ 10 trong số hàng nghìn tượng đất nung từng khai quật cho tới nay, theo Live Science.
"Những chi tiết trang trí trên thân tượng tướng lĩnh cấp cao hé lộ địa vị đặc biệt của họ", Xiuzhen Janice Li, nhà khảo cổ học ở Đại học Oxford, cho biết. "Phong cách và màu sắc trang trí thể hiện khiếu thẩm mỹ và các biểu tượng địa vị xã hội ở thời đó".
Bức tượng mới được phát hiện bên cạnh dấu tích của hai cỗ xe ngựa, 3 con ngựa đất sét và hai bức tượng khác, cung cấp hiểu biết mới về cấu trúc tổ chức quân đội cổ đại. Theo Li, lối bố trí tướng lĩnh cấp cao trong hàng ngũ phản ánh chiến thuật quân sự cũng như hệ thống chỉ huy dưới thời nhà Tần. Số tượng vừa tìm thấy nằm ở hố số 2, được cho là chứa đội tượng kỵ binh. Tuy nhiên, Zhu Sihong, người đứng đầu dự án khai quật, cho biết tượng vị tướng này là hình mô tả cá nhân cấp bậc cao đầu tiên được phát hiện tại đây.
Các tướng lĩnh quân đội được phân biệt bởi chi tiết trên đầu và màu sắc, họa tiết áo giáp. Tay của họ luôn nắm chặt ở đằng trước, đồng thời cầu vai và áo giáp được trang trí bằng ruy băng. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp là "Ai là đại tướng điều khiển toàn bộ Đội quân đất nung".
Đội quân đất nung được phát hiện năm 1974 trong quá trình xây dựng một giếng nước ở tây bắc Trung Quốc. Đây là một trong những phát hiện khảo cổ lớn nhất thời hiện đại. Đội quân bao gồm hàng nghìn tượng đất sét lớn bằng người thật nằm ở 3 hố đất, có niên đại từ thế kỷ 3 trước Công nguyên.
5 năm sau phát hiện, các nhà khảo cổ đã khai quật khoảng 2.000 tượng đất nung, dù giới chuyên gia ước tính có tới 8.000 bức tượng trong di chỉ. Số tượng này được chôn cùng cung tên và gươm giáo, nhiều khả năng để bảo vệ hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng (năm 259 - 210 trước Công nguyên) ở thế giới bên kia.
An Khang (Theo Live Science)