Tướng Cao Ngọc Oánh. Ảnh: PV |
Vấn đề này sẽ được trình lên Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh trong thời gian sớm nhất để sau đó báo cáo Thủ tướng. Sau khi nghe kết quả của Cơ quan cảnh sát điều tra, đoàn thẩm tra, và đoàn kiểm tra Đảng uỷ công an trung ương, lãnh đạo Tổng cục nhận định, tướng Cao Ngọc Oánh không liên quan hành vi chạy án trong vụ PMU 18.
Vài ngày trước, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã kết luận như vậy sau nhiều tháng xác minh mối quan hệ của ông Oánh với Tôn Anh Dũng (người nhận tiền chạy án cho Bùi Tiến Dũng). Theo đó, Tôn Anh Dũng từng mang phong bì tiền tới nhà tướng Oánh nhưng lại không dám thực hiện hành vi đưa hối lộ vì gặp “thái độ nghiêm khắc” của Thủ trưởng cơ quan điều tra.
Cuối năm 2005 khi đang công tác ở Sóc Trăng, hay tin hành vi cá độ bóng đá với số tiền lên tới cả triệu USD bị bại lộ, tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng gọi điện thoại tới Tôn Anh Dũng (tức Dũng 'Huế') nhờ giúp đỡ chạy án. Tôn Anh Dũng nhận lời, “ra giá” 30.000 USD. Số tiền này sau đó Dũng "Huế" đã nhận từ 2 cấp dưới của Bùi Tiến Dũng là Vũ Mạnh Tiên (phó chánh văn phòng PMU 18) và Lương Mạnh Hoa (lái xe).
Tôn Anh Dũng khai, lợi dụng quan hệ đồng hương Dũng đã nhiều lần tiếp cận với thiếu tướng Cao Ngọc Oánh nhưng không dám đặt vấn đề chạy án. Có lần Dũng “Huế” mang phong bì tới nhà ông Oánh. Nhưng thái độ của ông khiến kẻ hối lộ sợ không dám đưa.
Không thực hiện được ý đồ, tuy nhiên Dũng không trả lại tiền cho Bùi Tiến Dũng. Dũng “Huế” khai, khoản 30.000 USD sử dụng vào việc đưa con đi chữa bệnh ở Thái Lan.
Theo cơ quan điều tra, đủ cơ sở kết luận hành vi của Tôn Anh Dũng cấu thành tội đưa hối lộ, nên đề nghị VKS truy tố Dũng “Huế” để toà xét xử về tội danh này. Đây cũng là tội danh cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự với Vũ Mạnh Tiên và Lương Mạnh Hoa với vai trò là đồng phạm với Tôn Anh Dũng. |
Trước đó, Dũng "Huế" tổ chức một bữa cơm tại khách sạn Melia trong đó có tướng Oánh, và một số cán bộ Văn phòng Chính phủ. Chính từ bữa cơm này, những nghi vấn về liên quan của tướng Oánh với những kẻ chạy án cho Bùi Tiến Dũng bị đặt ra.
Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, ngay thời điểm đó ông Oánh đã khẳng định, có mối quan hệ đồng hương với Dũng "Huế" nhưng ông "không dại gì mà một tay ra lệnh 'xích' Bùi Tiến Dũng, tay kia lại cầm tiền chạy án".
4 tháng sau khi Tôn Anh Dũng bị bắt, ngày 19/7/2006, lãnh đạo Bộ đã quyết định rút ông Oánh khỏi cương vị Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát và Thủ trưởng cơ quan điều tra. Theo yêu cầu của Thủ tướng, trước khi có kết luận điều tra về mối liên quan của thiếu tướng Cao Ngọc Oánh trong vụ án PMU 18, Bộ trưởng Công an không để ông Oánh giữ các cương vị trên. Tháng 8/2006, khi việc xác minh trường hợp của tướng Cao Ngọc Oánh đang gấp rút tiến hành, thiếu tướng Trịnh Văn Kiệm (Cục trưởng Cục chính trị cảnh sát) từng cho biết, ông Oánh nếu được xác minh không có khuyết điểm thì cần được khôi phục quyền lợi.
Năm 2000 ông Oánh được điều chuyển từ vị trí giám đốc CA tỉnh Quảng Bình ra làm Cục trưởng cục cảnh sát kinh tế. Một năm sau, ông giữ chức Tổng cục phó tổng cục cảnh sát phụ trách mảng chống buôn lậu. Thời kỳ đó, nhiều vụ án buôn lậu và tham nhũng lớn như Lã Thị Kim Oanh, Hang Dơi...các vụ về thuế VAT đã được triệt phá. Trước khi có những nghi vấn về vụ chạy án, tướng Oánh từng được dự kiến vào danh sách bầu Ủy viên trung ương khóa X và thứ trưởng Bộ Công an. |
Anh Thư