"Các công tố viên tìm thấy căn cứ phù hợp để truy tố Albayalde vì không trừng phạt các sĩ quan cấp dưới bị cáo buộc không nộp lại 163 kg ma túy cùng 9,7 triệu peso (191.000 USD) tiền mặt thu được trong cuộc đột kích ma túy tháng 11/2013 ở tỉnh Pampanga, phía bắc Manila", Bộ Tư Philippines hôm qua ra thông cáo cho biết.
Tướng cảnh sát Albayalde được cho là đã can thiệp để ngăn các sĩ quan dưới quyền khỏi bị truy tố liên quan đến sự việc này. Nếu bị kết án, cựu tư lệnh cảnh sát quốc gia Philippines có thể đối mặt án tù 10 năm.
Ngoài Albayalde, 13 cảnh sát Philippines cũng bị truy tố tội tham nhũng, nhận hối lộ trong vụ án ma túy ở Pampanga.
Các cáo buộc nhắm vào tướng Albayalde lần đầu được đưa ra xem xét tại phiên điều trần của thượng viện Philippines hồi tháng 10/2019, song ông phủ nhận. Albayalde sau đó đệ đơn từ chức và được chấp thuận, song tuyên bố rằng quyết định này của ông không liên quan tới các cáo buộc trên.
Trong tuyên bố hôm qua sau khi nhận được quyết định truy tố, Albayalde cho rằng đây là cơ hội để ông tự minh oan. "Cuối cùng cũng có ngày tôi được ra tòa", ông nói.
Đây không phải lần đầu tiên cảnh sát bị cáo buộc lạm quyền và tham nhũng trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines, nơi lực lượng cảnh sát có quyền nổ súng tiêu diệt tại chỗ nếu nghi phạm ma túy có hành vi chống trả hoặc chạy trốn. Quyền lực quá lớn này khiến nhiều người lo ngại cảnh sát Philippines có thể lợi dụng nó để trấn áp đối thủ chính trị hoặc lạm quyền để tư lợi.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng hai lần phải tạm ngừng chiến dịch vì cảnh sát quốc gia bị cáo buộc tham nhũng và giết người. Tuy nhiên, vụ án liên quan Albayalde bị xem là "đám mây đen" lớn nhất đối với lực lượng cảnh sát nước này trong chiến dịch chống ma túy.
Kể từ khi Tổng thống Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy năm 2016, cảnh sát quốc gia Philippines cho biết hơn 6.600 người đã thiệt mạng trong chiến dịch. Tuy nhiên, các giám sát viên độc lập Liên Hợp Quốc tin rằng trên thực tế có thể hơn 27.000 người đã bị cảnh sát bắn chết trong các chiến dịch mà không qua xét xử.
Mai Lâm (Theo AFP)