Tượng thánh tổ hoàng đế An Dương thờ tại hậu cung đền thượng (Chính pháp điện), thuộc di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, vừa được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia.
Thục Phán (An Dương Vương) là người thượng du, chuyên săn bắn, thạo cung nỏ. Lớn lên, ông làm thủ lĩnh bộ lạc Tây Âu, góp công lớn cùng tộc người Lạc Việt đánh bại quân Tần xâm lược, thế kỷ 3 trước Công nguyên. Sau đó, ông thay thế Hùng Vương, tự xưng An Dương Vương, lập nước Âu Lạc.
An Dương Vương giao tướng Cao Lỗ xây thành Cổ Loa làm kinh đô. Vua phát triển thủy binh, chế tạo nhiều vũ khí. Lẫy nỏ Cổ Loa là vũ khí tiêu biểu thời đó, với hàng nghìn mũi tên đồng. Tuy nhiên, do trúng kế nội gián của Triệu Đà từ quận Nam Hải (Quảng Đông, Trung Quốc), An Dương Vương thua trận, phải bỏ thành Cổ Loa và tự tử.
Nước Âu Lạc tồn tại thời gian ngắn nhưng có nhiều thành tựu về kỹ thuật luyện kim, đúc đồng, chế tạo vũ khí, nông cụ sản xuất, phản ánh tiến bộ vượt bậc của nền văn minh Việt cổ. "An Dương Vương xứng đáng được tôn vinh là vị vua khai sáng, sau vua Hùng", hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia của Cục Di sản văn hóa nêu.
Đền thượng thờ An Dương Vương được xây trên gò đất cao, thuộc nền cũ cung vua ở Cổ Loa. Năm 1893, khi trùng tu đền, dân làng Cổ Loa đào được kho đồng và xem là "kho đồng thiêng của nhà vua", mang đúc tượng An Dương Vương để thờ cúng, tế lễ. Sau bốn năm, tượng hoàn thành, cao 1,26 m, nặng 160 kg.
Tượng đồng lẫn phần nhỏ kẽm nên Cục Di sản văn hóa đặt hai giả thiết về kho đồng. Kho đồng là nguyên liệu từ những mũi tên thành Cổ Loa, thời An Dương Vương. Khi đúc tượng, quá trình nấu đồng có lẫn kẽm từ nồi và gáo múc. "Khả năng này phù hợp với truyền tụng dân gian tại Cổ Loa từ đời này sang đời khác về câu chuyện đào được kho đồng thiêng của nhà vua tại nền đền thượng", hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật nêu.
Giả thiết khác hợp kim đúc tượng thuộc giai đoạn 1658-1720, với kỹ nghệ trích kẽm từ quặng lẫn than, nung khử trong bình gốm. Kẽm thoát ra khỏi quặng, nhỏ vào nồi đồng - chì - thiếc nấu đỏ, để kẽm kết lắng tạo thành hợp kim bốn thành phần.
Để đúc tượng An Dương Vương, các nghệ nhân làm cốt mẫu bằng đất sét thịt, sau đó dùng sáp ong đắp lên để tạo hoa văn. Bên ngoài lớp sáp, họ đắp thêm lớp đất trộn giấy dó, tạo khung xương cho tượng, rồi thêm lớp đất trộn với trấu. Sau khi khuôn được nung để sáp ong chảy ra, nghệ nhân rót đồng nóng chảy vào khuôn. Đồng nguội, họ dỡ khuôn, sửa tiếp để thành tượng hoàn chỉnh.
Tượng vua ngồi trên bệ liền khối, hai tay cầm hốt với phong thái đường bệ, uy nghi. Đầu đội mũ bình thiên hai cấp, phía trước đúc nổi ba bông hoa cúc mãn khai và hoa văn "lưỡng long chầu nhật" (rồng chầu mặt trời). Đây là biểu tượng vương quyền.
Mặt An Dương Vương vuông chữ điền, đường nét phương phi, phúc hậu. Trán cao, lông mày cong. Mắt điểm vàng lấp lánh với ánh nhìn hiền từ, tinh anh. Sống mũi dọc dừa cao, miệng dát vàng, mỉm cười đức độ. Râu dài xuống ngực. Hai tai to, dài, dái tai dày, chảy xuống, đậm chất tu hành.
Thánh tổ khoác long bào, trang trí rồng cuộn, trăng sao, chim phượng, công, cỏ cây, sóng nước. Điểm xuyết trên áo là những đám mây cuộn có đuôi, kế thừa phong cách thời Trần. Long bào tượng trưng cho ba tầng vũ trụ và An Dương Vương là thánh nhân.
Trên ngực tượng là đôi tay kết ấn, dưới là đai ngọc biểu tượng uy quyền bậc đế vương. Hai đầu gối An Dương Vương có bốn vòng tròn trên to, dưới nhỏ, đúc nổi chữ Á (亞) và hoa văn rồng ổ, biểu trưng cho "người phò tá Phật". Ông đi hài mũi cong, đúc hình hoa cúc mãn khai.
"Những chuẩn mực về phong cách, qua đường nét sắc sảo của thợ thủ công cho thấy họ dành hết tâm huyết, tình cảm cho đức vua", hồ sơ nêu.
Bụng tượng khắc chữ Hán dát vàng Thánh tổ An Dương hoàng đế; Đinh Dậu niên, ngũ nguyệt thập lục nhật chú (đúc ngày 16/5/1897). Mặt sau tượng khắc chữ Đồng tượng nhị bách ngũ thập ngũ cân (tượng đồng nặng 255 kg).
"Lối đúc tượng ngồi trên bệ, không trên long ngai là hiện tượng hiếm gặp, khi nhà vua đã hóa thân thành thần và Phật", Cục Di sản nêu một trong những cơ sở đề nghị công nhận bảo vật.
Trải qua 126 năm, tượng An Dương Vương vẫn được giữ nguyên vẹn. Những chi tiết tượng thể hiện tinh thần Phật đạo "khiến tác phẩm vừa gần gũi, vừa tôn nghiêm, linh thiêng, giao hòa giữa đời và đạo".