Tuy nhiên, một con số đưa ra sẽ khiến ta bất ngờ về điều này, đó là 70% người có đam mê sẽ không đi được đến cùng những đam mê của mình. Có quá nhiều lý do giải thích về con số đó, nhưng tựu chung lại ta vẫn phải nói đến những đam mê thật, giả, sự ảo tưởng và lý trí con người.
Có một câu nói tôi thấy khá tâm đắc khi nhắc tới đam mê: “Những đam mê của chúng ta nói lên chính bản thân chúng ta”. Bạn sẽ không quá khó khăn để tìm được đam mê của mình, nhưng thực sự sẽ rất lâu để bạn nhận ra mình có cần nó và muốn theo đuổi lâu dài hay không. Một người bạn của tôi, trong ngày gặp mặt cuối cấp đã chia sẻ rằng bạn ấy mê kinh tế và không thể ngừng nghĩ đến nó khi mọi người nhắc tới chuyện tương lai sau này. Tuy nhiên, dù có phấn đấu với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, điểm phẩy các môn tự nhiên xuất sắc vẫn không thể ngăn tới một lựa chọn khác từ gia đình cậu ta: theo học luật với ban thi vào là D.
Tôi không rõ về hoàn cảnh và quyết định của gia đình cậu, song mọi thúc ép vào thời điểm cuối cấp vất vả lúc đó khiến cậu ta bị stress và bỏ nhà đi bụi. Sau ngày bế giảng, chúng tôi không gặp nhau và cũng không còn liên lạc do gấp rút chuẩn bị cho ngày “vượt vũ môn” của cuộc đời. Tôi đỗ báo chí, tất nhiên đó là lựa chọn và quyết định từ khoảnh khắc đầu tiên nói về nghiệp học hành của mình. Vào ngày nhập học nơi đất thủ đô ồn ã, tôi bất ngờ gặp lại cậu ta, tươi tỉnh và sáng láng bên vài cuốn sách luật dày cả gang tấc. Trong căn phòng như muốn ngộp thở bởi cái oi nóng Hà Nội và cả hơi người bí bách ở thư viện Quốc gia, tôi chỉ kịp nghe cậu ta nói vài câu rõ ràng trước khi tiếp tục chúi mũi vào cuốn sách đọc dở.
Biết tôi bất ngờ với cuộc gặp này, cậu ta cười nhạt và nói đó là quyết định của một con người khác cậu. Con người ấy nói rằng phải thử và biết đâu đó mới chính là thứ cậu ta cần. Tôi muốn hỏi thêm chút nữa về những việc đã diễn ra tại thời điểm cậu ta bị áp lực mạnh như thế. Nhưng có lẽ sẽ không cần thiết nữa với một người vui với lựa chọn mới của mình, mà không phải là sự ép buộc như ban đầu. Tôi nên chúc mừng cậu ấy thôi.
Câu chuyện của cậu bạn tôi là câu chuyện của những người dám đi tới một ngã rẽ mới mà chưa biết phía cuối con đường đó là gì. Tôi nghĩ điều ấy chưa thể nói là hèn nhát để từ bỏ. Nó chỉ có thể là một lựa chọn bằng cảm tính mà thôi và hơn thế, cậu ta cũng đã vui với đam mê mới của mình. Thật phù hợp để liên tưởng tới câu nói của Rockefeller: “Nếu muốn thành công, bạn phải dấn thân vào những con đường mới chứ không phải đi du lịch trên lối mòn của những thành công đã được thừa nhận”.
Với tôi, việc theo đuổi đam mê không quá vất vả. Đối với đam mê lớn, tôi nhận được ủng hộ nhiều từ gia đình. Chúng bạn của tôi nói đó là tất cả những gì họ cần. Thật mệt mỏi khi mỗi ngày qua đi là những lời tranh luận hay than phiền cho những quyết định họ muốn. Gia đình chẳng bao giờ chấp thuận và họ, một là từ bỏ, một là đấu tranh tới cùng. Và hiển nhiên sẽ có một lỗ hổng mâu thuẫn thật lớn mà tất cả thành viên trong gia đình họ lọt thỏm vào đó, có muốn ngóc lên cũng là chuyện khó. Tôi gọi đó là bất mãn khi con bạn cứ mãi bực dọc vì chả ai chịu ủng hộ nó, là cố chấp khi quyết định theo đuổi đam mê săm trổ của thằng bạn chẳng đâu vào đâu, rồi là cả khi gia đình cùng mang những ý kiến cứng nhắc như thạch bàn đặt vào chuyện giáo dục con cái... Vô vàn câu chuyện theo đuổi đam mê bất thành từ bạn bè khiến tôi nghĩ tới tình cảnh bản thân lúc này. Có lẽ đây là lần duy nhất khi quyết định của tôi bị ngăn cấm nhiều đến thế dù chẳng rõ lý do cụ thể là gì.
Năm nhất qua đi như gió thu đầu mùa thổi vào tâm hồn tươi mới của cô bé tuổi 19 mộng mơ. Nhẹ nhàng và chậm rãi tựa bước chân ai trong mỗi đợt giao mùa bâng khuâng như thế. Tôi chỉ kịp cảm nhận chút ít ấn tượng của năm nhất bên giảng đường lấp đầy nhưng khuân mặt ngây ngô, những lần xin việc mà không thành và cả câu chuyện kể dở của người bạn mới quen trong lớp học chính trị... Mọi thứ cứ đều đều trôi qua như mỗi ngày lên lớp, cho tới một lần được anh chị khóa trên rủ tham gia hoạt động tình nguyện “Trung cho cho em” bên hội khuyết tật Từ Liêm. Tôi chưa từng tham gia hoạt động từ thiện nào lớn thế này. Ban đầu từ sự ngỡ ngàng, e ngại, sau dần tôi thấy mọi người dù chẳng quen nhau nhưng cũng nói chuyện và nhiệt tình làm việc như đã hẹn từ trước vậy. Tôi thực sự thích không khí này và cả những con người ở đó. Chúng tôi góp tiền mua quà cho các em. Chúng tôi vận động tài trợ cả những đơn vị khó tính nhất. Dường như tôi cảm giác mình đang công hiến tất cả sức lực của tuổi trẻ vào hoạt động. Không còn nghi ngờ gì khi tôi đã yêu tình nguyện như thế.
Lần ấy, buổi từ thiện diễn ra thành công hơn mong đợi và sau đó tôi cũng tham gia không biết bao nhiêu hoạt động tương tự. Một tuần của tôi ngoài ăn và ngủ cấp tốc thì tôi chỉ dành cho học và tình nguyện thôi. Điều này làm bố mẹ tôi không vui chút nào. Họ nói vì tôi đi hoạt động quá nhiều nên không về quê mỗi dịp nghỉ dài, nói tôi trông gầy hơn so với trước và cả việc hoạt động sẽ chẳng có ích gì bằng học hành được đâu. Mỗi lần nghe những điều này qua điện thoại gọi tới, tôi bỗng muốn chia sẻ chút ít tâm trạng buồn rầu mà lũ bạn từng kể. Tôi nhận ra đã yêu tình nguyện và thực sự muốn sống với nó quá nhiều. Cả những cuộc hẹn bạn bè cũng không thể bằng những lần đi “giúp người, giúp đời” được. Tôi không chịu nghe bố mẹ và mọi người khuyên nên đã bị gọi về quê khiển trách. Tôi đã phải hứa làm tốt những gì mẹ kỳ vọng, chỉ xin được tiếp tục tham gia tình nguyện thôi. Có lẽ lời hứa đó sẽ là gánh nặng, là áp lực song tuổi trẻ cần trải nghiệm và sống hết mình. Tôi tin mình làm được.
“Đam mê tái tạo thế giới cho tuổi trẻ, nó khiến cho mọi thứ trở nên sống động và đáng kể”, Ralph Waldo Emerson đã nói.
Hãy tin vào đam mê của mình và đừng từ bỏ, bạn nhé!
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Đỗ Mỹ Linh