Ở cái tuổi 23 như tôi, nhiều cô gái đã có trong tay một sự nghiệp viên mãn hay một tổ ấm hạnh phúc. Còn tôi thì dường như những điều này là niềm mơ ước quá xa vời, khi công việc chưa có và tình yêu là một ẩn số mà tôi vẫn chưa tìm thấy. Nhưng tôi vẫn lạc quan, bằng lòng với những gì đã có và ngày đêm theo đuổi với niềm đam mê của mình, dù con đường ấy lắm chông gai và không có ai cho tôi động lực.

Tôi vẫn lạc quan, bằng lòng với những gì đã có và ngày đêm rong đuổi với niềm đam mê của mình.
Mê viết lách khi còn học tiểu học, có lẽ vì thế mà tôi chỉ chú tâm vào những áng văn vần thơ mà quên mất những bài toán. Nhớ lại ngày đó, tuy mới học cấp II, nhưng bao nhiêu tác phẩm văn học ở chương trình cấp III thì tôi đều tìm đọc hết, nhiều khi còn thuộc lòng cả câu chữ. Tình cờ Hội Phụ nữ xã lại cho mở một thư viện ngay gần nhà, tuy không nhiều sách nhưng cũng đủ để tôi gặm nhấm những khi rảnh. Và rồi các tác phẩm viết về số phận của những người lao động nghèo khổ, những phụ nữ bạc mệnh hay những đứa trẻ mồ côi luôn chạm vào tâm thức tôi một nỗi niềm rung cảm. Có lẽ chính sự say mê văn học và tính hay xúc động, cảm thông mà tôi luôn ấp ủ một niềm khao khát sau này bản thân mình cũng có thể dùng ngòi bút giúp người và viết lên những tác phẩm phổ biến rộng đến bạn đọc.
Nhưng niềm mơ ước này của tôi đã vấp phải sự phản đối từ phía gia đình. Khi biết tin tôi có ý định đăng ký dự thi vào ngành Báo chí, ba mạ lấy đủ lý do để khuyên tôi nên noi gương chị gái nộp hồ sơ thi vào sư phạm, vừa có thời gian an nhàn khi hè đến lại có thể chăm lo cho gia đình. “Học nghề báo rồi phải lang bạt nay đây mai đó, thời gian nhàn rỗi thì không có lấy đâu ra tình yêu để xây dựng hạnh phúc. Đời người phụ nữ nếu để mất thời tuổi trẻ thì coi như mất đi thời gian quý giá nhất của cuộc đời. Bao nhiêu gia đình có chồng hoặc vợ theo nghề báo đều đổ vỡ hạnh phúc giữa chừng con không thấy sao”...
Hết ba rồi đến mạ khuyên giải, cuối cùng tôi cũng phải miễn cưỡng chấp thuận theo mong muốn của gia đình thi vào sư phạm. Thế nhưng niềm mơ ước được theo học nghề báo vẫn không dập tắt. Có lẽ vì thế mà khi đi thi tôi cũng không đặt nặng vấn đề phải đỗ đại học ngay năm đầu như bao đứa bạn. Ngày trường gửi phiếu báo điểm về, tôi biết ba mạ buồn lắm nhưng không nói ra. Mọi người bảo tôi lên mạng tra cứu ngành nào đó rồi nộp nguyện vọng 2 vì có nhiều trường đại học đang thiếu chỉ tiêu. Nhưng tôi lấy cớ dẫu sao cũng đỗ Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP HCM, nên chẳng mấy mặn mà đi tìm ngành tuyển dụng.
Và rồi tôi một mình khăn gói từ Quảng Trị vào Sài Gòn theo đuổi sự nghiệp học hành, nhưng lại chẳng nhận được sự ủng hộ của bất kỳ ai. Có lẽ ngành tôi học theo ý kiến của nhiều người là chẳng có tương lai, đặc biệt là đối với những ai không có nhan sắc như tôi - ngành diễn viên sân khấu (mặc dù khi còn đi học bạn bè luôn bảo tôi sau này nên làm diễn viên hài để mua vui cho thiên hạ, vì tính tôi rất nghịch, mỗi khi văn nghệ ở trường lại hay đóng mấy vai hài hước nom có vẻ hợp)… Nhưng cũng vì nhiều lý do, cuối cùng tôi quyết định nghỉ học, về quê ôn thi lại. Bởi với gia cảnh hiện tại phải nuôi bốn đứa đi học, ba má tôi không đủ tiền để lo cho tôi theo học ở cái chốn phồn hoa đắt đỏ nhất nước.

Tôi vẫn ngày ngày cần mẫn theo đuổi nghiệp viết lách mặc dù chặng đường khó khăn trước mắt còn rất dài.
Lựa đủ lý lẽ, cuối cùng tôi cũng thuyết phục được ba mạ cho thi vào Báo chí. Hôm nhận được giấy triệu tập của Đại học Huế, tôi đã rất vui và vạch ra bao kế hoạch. Làm sinh viên rồi khó khăn đủ mọi bề, thiếu thốn đủ thứ, nhiều khi buồn lòng, mạ thường than vãn lựa gì cái ngành mà khổ thế con, chọn ngành khác học có phải sướng hơn không… nhưng tôi vẫn vui vẻ vượt qua mọi áp lực. Trước kia, tôi chỉ sáng tác văn thơ và truyện cười giờ sẽ tập tành viết báo, bởi tôi biết văn chương và báo chí hoàn toàn khác nhau. Tôi lặn lội đi nhiều nơi để tìm đề tài, đến những nơi hoang vu hẻo lánh để chụp ảnh, hay phải đi bộ cả chục cây số để lấy thông tin, thậm chí vì muốn xin sự giúp đỡ cho một phụ nữ nghèo góa chồng không có tiền phẫu thuật, mà tôi đã bị mấy cô y tá ở bệnh viện đuổi như đuổi tà, chẳng khác gì kẻ mang mầm bệnh nguy hiểm…
Nhưng bao nhiêu bài viết gửi đi vẫn không thấy hồi âm. Tôi ngộ ra có lẽ do lối viết của mình chưa sâu sắc, lại thiên về yếu tố văn chương nên không được đăng thôi. Đúng là viết văn đã khó, giờ viết báo lại khó hơn, nhưng tôi quyết không nản chí. Chị gái tôi từng phải lận đận trong con đường học vấn rất nhiều nhưng vẫn kiên trì để cuối cùng đến được với nghề giáo viên, tôi phải phấn đấu noi theo gương chị. Thất bại mãi, cuối cùng tôi cũng có bài đăng, lại được đăng trên một tờ báo in khá lớn, chính điều này là động lực cho tôi viết tiếp ước mơ. Nhưng niềm vui không bao giờ trọn, khi những bài viết phản ánh và về hoàn cảnh khó khăn tiếp theo của tôi gửi đi chẳng được xuất hiện trên trang báo. Mong muốn giúp đời, giúp người của tôi coi như đổ vỡ. Đó là thất bại lớn nhất của một người theo nghiệp viết lách chính nghĩa.
Nhiều đêm tôi trằn trọc không ngủ với bao nhiêu câu hỏi trong đầu. Tại sao tôi muốn giúp đỡ người nghèo mà khó vậy, phải chăng tòa soạn không tin tưởng vào thông tin trong bài viết tôi cung cấp, hay là sợ tôi lừa lấy tiền bỏ túi riêng.... Thất bại này chính là bài học kinh nghiệm đáng quý, nhưng tôi sẽ không nhụt chí vì chướng ngại ấy.

Ngày đen tối rồi cũng sẽ trôi qua, hãy cứ lạc quan mà bước tiếp. Đừng để ai dẫm lên ước mơ của mình. Tuổi trẻ hãy dám theo đuổi đam mê và thành công sẽ có ngày cập bến.
Giờ đây, khi tôi đã học ra trường, người ta vẫn lời ra tiếng vô mỗi khi gặp tôi, "học gì mấy ngành đó, có mà báo hại báo đời mới đúng, vừa nghèo vừa khó xin việc ở xứ quê"… Thật tình xã hội bây giờ biết học ngành gì mới dễ xin được công việc tốt, khi mà người ta chỉ ưu tiên “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ”, những thứ ấy gia đình tôi không có. Tôi chưa thành đạt, sự nghiệp cầm bút của tôi chưa để lại dấu ấn và ngòi bút của tôi cũng chưa giúp được nhiều người... Tuy nhiên, với lòng tin và chút kinh nghiệm về nghề đã tích góp trong mấy năm qua, tôi sẽ đi vào Sài Gòn lập nghiệp. Dù trước mắt là muôn vàn khó khăn, nhưng tôi sẽ vượt qua. Tôi sẽ viết và sống với niềm đam mê cầm bút của mình, vì tôi tin rằng thành công sẽ đến với những ai luôn nhiệt huyết với nghề và biết sống với đam mê. Phía trước sẽ là bầu trời và ta hãy cứ nở nụ cười hy vọng một ngày mai tươi sáng.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Phạm Thị Quyên