Chào bạn Nguyễn!
Tôi là một đứa con gái, bằng tuổi bạn. Tôi nghĩ mình bản lĩnh hơn bạn rất nhiều, nhưng thời gian này đây, tôi cũng suy sụp và cảm thấy dường như mình không trụ nổi nữa. Nhưng hàng ngày, cũng như bạn, tôi vẫn phải âm thầm tồn tại, không niềm vui và không động lực sống.
Nói về gia đình, tôi xót thương cho những đứa trẻ như chúng ta, mang trong trái tim mình quá nhiều vết thương, có cái đã lành, có cái vẫn chưa lành, dù tuổi thơ đã qua lâu rồi. Mẹ tôi giống mẹ bạn, có lẽ kinh khủng hơn mẹ bạn, bà giỏi giang làm ăn nên luôn cho rằng mình đúng trong tất cả mọi thứ, hà khắc với chồng con, lạnh lùng, ít quan tâm chia sẻ, và tệ hơn là trọng của khinh người. Tuổi thơ của tôi lớn lên trong nước mắt, những trận đòn chí mạng và vô lý của mẹ, tôi không thể quên.
Được mẹ rèn giũa nên từ khi lớp 1 tôi đã nấu cơm, lo cám bã lợn gà, mọi việc lao động vất vả của một người phụ nữ quán xuyến nhà cửa, tôi phải làm từ khi 5, 6 tuổi, cái tuổi mà bạn bè tôi có đứa còn phải bón cơm. Vấn đề không phải ở chỗ đó, tôi biết nhiều bạn sẽ nói rằng họ cũng có thể như tôi, và vất vả hơn cả tôi. Đúng, nhưng điều tôi muốn nói là dù cố gắng bao nhiêu, làm lụng thế nào nhưng không mấy khi bà hài lòng. Bà đánh những trận đánh mà như thể tôi không phải con của bà dứt ruột đẻ ra, tôi khóc lóc, gào thét bà càng đánh nhiều hơn.
Bố tôi thì quá hiền, hiền đến nỗi tôi từng nói thẳng với bố: “bố là người nhu nhược”. Chẳng biết ông có xót xa hay không nhưng ông thường không ngăn cản mẹ đánh chúng tôi, mặc dù ông thừa hiểu rằng ở cái tuổi ấy, chúng tôi có là thần thánh cũng chẳng làm tốt hơn được.
Và rõ ràng trong toàn bộ khu xóm, tôi là một tấm gương để bất cứ ông bố bà mẹ nào mang ra dạy con mình. Thế nhưng cũng giống mẹ bạn Nguyễn, mẹ tôi thường chẳng tiếc những lời nói xấu chồng, xấu con với người ngoài. Nhiều lần nhục nhã ê chề, và cảm thấy tan nát cõi lòng vì đấng sinh thành của mình.
Tôi may mắn có được chút ngoại hình dễ thương, một chút thông minh đủ để thầy cô bạn bè yêu mến, cũng vì tâm lý chẳng thể sẻ chia với gia đình niềm vui nỗi buồn gì, nên tôi sống hướng ngoại. Giống như bạn Nguyễn, tôi coi trọng bạn bè hơn bố mẹ, vì chí ít, họ cho tôi sự yêu thương, tôn trọng.
Bên ngoài, tôi là đứa con gái năng động, giỏi giang, có nhiều bạn tốt, về nhà tôi như người bị câm, ai hỏi gì thì nói, có khi cả ngày chẳng nói câu nào. Có lần mẹ hỏi tôi là “Mày bị câm à?” Tôi nghĩ, thà tôi câm, tôi điếc luôn cũng được. Điếc để không nghe thấy những lời xỉ vả, nhục mạ từ mẹ, câm để nếu có nghe thì cũng không bao giờ cãi lại, tránh được những trận đòn.
Nói về tuổi thơ tôi, chắc mấy trang A4 này cũng không hết được, bây giờ đã trưởng thành, không còn hận mẹ như trước, tôi thương bà nhiều hơn vì cho rằng ông trời cho bà tính cách ấy, là cả một đời bà khổ. Không chỉ khổ chồng, khổ con mà tôi cũng thấy bản thân bà khổ từ xưa đến nay, chẳng bao giờ vui vẻ và thanh thản. Tôi chưa điều chỉnh được cách đối nhân xử thế của bà, nhưng ít nhiều cũng là niềm an ủi lớn nhất của bà lúc này.
Tôi có 2 em, một trai một gái, đều đang tuổi ăn tuổi học, vì tính tự lập từ nhỏ nên từ khi bước chân vào đại học tôi đều tự lo cho bản thân bằng nghề gia sư, bố mẹ chỉ phụ tôi tiền học phí hàng năm. Tôi một mặt muốn chứng tỏ bản lĩnh của mình, một mặt muốn bố mẹ tập trung lo cho 2 đứa em, nên mọi khó khăn tôi đều tự xoay sở.
Tôi học miền Nam trong khi gia đình tôi ngoài Bắc, cuộc sống sinh viên qua nhanh, nhìn lại tôi tự hào vì mình sống đầy đam mê, nhiệt huyết với công việc, với học hành; nên so với bạn bè cùng xuất phát điểm thì tôi làm được nhiều hơn họ. Làm được nhiều theo ý của tôi đó là không để bố mẹ phải bận tâm đến gánh nặng tài chính, tôi vẫn học tốt dù tôi làm thêm nhiều. Những năm tháng sống ở nhà được rèn giũa đến mức lì đòn.
Rồi 4 năm sinh viên bươn chải kiếm sống, tất cả cho tôi một bản lĩnh mà đàn ông con trai ai gặp cũng ái ngại, một tâm hồn sắt đá trong một ngoại hình tiểu thư, bạn tôi nói vậy. Còn bạn nữ thì người nể tôi, người noi theo tôi. Tình yêu cũng đến với tôi, anh là một người cùng quê, cũng bươn chải với cuộc sống nhiều nên hiểu tôi, và có lẽ là người duy nhất có thể cầm đầu được tôi đến lúc này.
Nhưng tình yêu cũng không giữ được vì cá tính tôi quá mạnh, ý chí hun đúc tôi phải chinh phục con đường học vẫn thêm nữa, tôi muốn bố mẹ tự hào về mình. Tôi quyết tâm thi thố, và cũng đỗ cao học ở một trường có tiếng phía Nam, có lẽ đó cũng là một bước tính sai của tôi, tôi từ bỏ công việc, tình cảm ở tỉnh lẻ để về Sài Gòn chinh phục con đường học vấn.
Một thân một mình, cứ thế tôi đối diện biết bao khó khăn. Sài Gòn quá náo nhiệt, xô bồ so với nơi tôi từng sống. Tôi lạc lõng và chơ vơ, nhưng không ai có thể chia sẻ cùng. Tôi bắt đầu hành trình tìm việc đúng vào lúc suy thoái kinh tế lên đỉnh điểm, thất nghiệp tràn lan. Cứ cặm cụi làm hồ sơ, cầm bản đồ đi nộp hồ sơ khắp thành phố, nơi những công ty yêu cầu hồ sơ giấy, gửi biết bao nhiêu hồ sơ qua mạng, tất cả vô vọng.
Đôi lúc cũng có chút niềm tin lóe lên, nhưng lại vụt tắt. Đến nỗi bây giờ tôi không có đủ niềm tin để mà chuẩn bị một bộ hồ sơ xin việc. Thật buồn khi đến giờ này, gần một năm đã qua tôi vẫn chưa có việc làm đủ đảm bảo cuộc sống, mặc dù đã đi hết một nửa chặng đường cao học.
Thời gian gần đây, tôi cảm thấy mình không thể trụ nổi lại nơi này, Sài Gòn phồn hoa thật, nhưng không có chỗ cho tôi, không công việc, không gia đình, không tình yêu, mà niềm tin thì đã hết. Tôi sĩ diện nên không hề nói với bố mẹ khó khăn của mình, cũng một phần vì tôi biết rằng mẹ sẽ không thể giúp tôi một khoản tiền hàng tháng, tôi hiểu mẹ nên thôi chẳng nói làm gì.
Cứ thế bạn Nguyễn ạ, tôi vẫn đi học đều, và thỉnh thoảng có chút việc để kiếm tiền, nhưng tính ra chỉ đủ trả tiền phòng đắt đỏ ở đây. Chưa bao giờ tôi sống lại thiếu mục tiêu như bây giờ, và tôi nhận ra rằng, cô đơn, không một nguồn động viên từ gia đình thật đáng sợ. Tôi bản lĩnh đấy, nhưng tôi cũng sẽ có lúc đầu hàng nếu tình trạng này không khá hơn. Và lúc đầu hàng, tôi sẽ quay về bên gia đình, tôi mong họ sẽ ghi nhận những cố gắng của tôi.
Bạn ạ, cuộc đời con người chúng ta là bể khổ nhưng vẫn phải sống, sống không cho mình mà cho những người xung quanh. Trong tuyệt vọng thế này, tôi vẫn muốn động viên bạn hãy tĩnh tâm, bạn chí ít không phải lo cơm áo gạo tiền nhiều, thế thì hãy thanh thản, giúp đỡ mọi người thật nhiều, bạn sẽ thấy mình vui.
Qua niềm đau, bạn sẽ trưởng thành hơn, bao dung hơn, yêu thương nhiều hơn và cuộc đời lại đầy ý nghĩa. Tôi cảm ơn Sài Gòn, nơi tôi đã trưởng thành trong niềm cô đơn, trong tận cùng bế tắc. Cảm ơn ban biên tập đã cho đăng bài viết dài của tôi.
Thắng