Tính tới tháng 8, tuổi thọ trung bình của nam giới Thụy Điển giảm từ 81,3 xuống còn 80,8. Trong khi đó, tuổi thọ nữ giới giảm từ 84,7 xuống còn 84,4.
Dựa trên diễn biến dịch bệnh tính tới nay, Cơ quan Thống kê Quốc gia nhận định: "Covid-19 sẽ làm giảm tuổi thọ trung bình của người dân Thụy Điển trong năm 2020".
Tuổi thọ trung bình của người dân nước này tăng đều đặn từ năm 1900 đến năm 2019. "Thực tế các con số đang giảm là điều đáng chú ý", đại diện Cơ quan Thống kê Quốc gia tuyên bố hôm 25/11.
Thụy Điển có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao hơn các nước láng giềng Bắc Âu, con số đặc biệt cao tại các viện dưỡng lão. Quyết định không áp đặt phong tỏa của nước này gây nhiều tranh cãi, song hiện chính quyền đã bắt đầu thực hiện các lệnh cấm nghiêm ngặt với một số hình thức tương tác xã hội.
Một báo cáo riêng lẻ cho thấy tính tới ngày 25/11, số bệnh nhân điều trị tại khu hồi sức tích cực là 209, nhiều hơn 16 người sau 24 giờ. Đây cũng là con số kỷ lục tính từ tháng 6. Tại Thụy Điển, trung bình cứ 100.000 người lại có 63 người chết vì Covid-19, trong khi đó tỷ lệ này ở Na Uy là 6/100.000, Đan Mạch là 14/100.000 và Phần Lan là 7/100.000.
"Số bệnh nhân Covid-19 cần điều trị và chăm sóc đặc biệt ngày càng lớn", Thomas Linden, làm việc tại Ủy ban Y tế và Phúc lợi Quốc gia Thụy Điển phát biểu hôm 24/11. "Trong làn sóng thứ ba, hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ còn căng thẳng hơn nhiều so với trước đây".
Theo nghiên cứu mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Thụy Điển liên tục nằm trong nhóm các quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, tiêu chí xếp hạng là tỷ lệ tử vong và nhiễm virus. Thụy Điển cũng là quốc gia kiểm soát đại dịch chậm nhất. Tới nay, nước này báo cáo hơn 230.500 ca nhiễm, ít nhất 6.555 người tử vong.
Khởi phát từ thành phố Vũ Hán từ cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 nhanh chóng lây lan ra toàn cầu. Tại châu Âu, Nga, Pháp, Tây Ban Nha là ba nước có số ca nhiễm cao nhất.
Hôm 19/11, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố cứ 17 giây lại có một người ở châu Âu chết vì Covid-19. Lệnh giãn cách xã hội đồng loạt tại nhiều quốc gia giúp dịch bệnh có xu hướng suy yếu. Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc WHO khu vực châu Âu, kêu gọi các nước không nới phong tỏa quá sớm, cảnh báo những thành công nhỏ có thể tiêu tan nếu mở cửa nhanh chóng. WHO cũng khuyến nghị người dân đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm.
Lê Hằng (Theo Bloomberg)